Phát triển chuỗi giá trị lúa gạo bền vững

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Phát triển vùng sản xuất lúa hàng quy mô lớn là giải pháp quan trọng tạo ra vùng nguyên liệu ổn định đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, để duy trì và mở rộng vùng lúa hàng hóa quy mô lớn đòi hỏi Hà Nội cần có giải pháp căn cơ, hiệu quả.

Nhiều lợi ích

Sản xuất lúa hữu cơ theo chuỗi giá trị ở xã Đồng Phú (huyện Chương Mỹ) là một trong những mô hình điển hình của Hà Nội. Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú Trịnh Thị Nguyệt cho biết, từ diện tích ban đầu 5ha, đến nay, hợp tác xã đã mở rộng lên hơn 40ha sản xuất lúa hữu cơ và có liên kết với DN. Toàn bộ lúa được thu hoạch, chế biến, xuất bán tại nhiều tỉnh, TP và xuất khẩu. Hiện nay, giá bán gạo hữu cơ cao hơn gấp 2,5 - 3 lần so với lúa gạo thông thường. Theo đó, lúa hữu cơ hiện cho doanh thu trên 160 triệu đồng/ha.

Đoàn cán bộ Sở NN&PTNT Hà Nội đánh giá hiệu quả canh tác giống lúa hàng hóa, chất lượng tại huyện Thạch Thất. Ảnh: Ánh Ngọc
Đoàn cán bộ Sở NN&PTNT Hà Nội đánh giá hiệu quả canh tác giống lúa hàng hóa, chất lượng tại huyện Thạch Thất. Ảnh: Ánh Ngọc

Đáng chú ý, quy mô canh tác lúa gạo hữu cơ tại huyện Chương Mỹ liên tục tăng qua từng mùa vụ. Nhờ vậy, huyện Chương Mỹ đã trở thành địa phương đi đầu về sản xuất lúa gạo hữu cơ trên địa bàn TP.

Tại huyện Ứng Hòa, đối với diện tích lúa ổn định theo quy hoạch, huyện đã tập trung xây dựng vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao; riêng giống lúa J02 của Nhật Bản đã lên tới hơn 3.000ha/vụ.

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Phạm Văn Hoạch, việc xây dựng vùng lúa hàng hóa quy mô lớn từng bước chấm dứt tình trạng sản xuất manh mún, hình thành vùng sản xuất tập trung. Ngoài ra, trên cánh đồng lúa hàng hóa canh tác cùng một loại giống nên nông dân dễ chăm sóc, hạn chế sâu bệnh, tiết kiệm chi phí sản xuất.

Báo cáo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội cho thấy, hiện diện tích lúa của Hà Nội là hơn 100.000ha. Những năm gần đây, TP đẩy mạnh phát triển các vùng lúa hàng hóa quy mô lớn, song một số nơi hiệu quả sản xuất chưa cao.

Mặt khác, nhiều nơi ruộng trũng, thường xuyên bị ngập úng trong mùa mưa bão, do vậy, việc mở rộng vùng lúa hàng hóa tập trung gặp không ít khó khăn. Trong khi đó, đầu tư vùng lúa hàng hóa quy mô lớn đòi hỏi nguồn vốn lớn, nhưng sản xuất nông nghiệp lại bấp bênh, việc liên kết giữa nông dân với DN còn lỏng lẻo nên hiệu quả kinh tế chưa cao.

Mở rộng quy mô gắn với phát triển chuỗi liên kết

Đưa ra giải pháp để duy trì, mở rộng vùng lúa hàng hóa quy mô lớn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho rằng, các DN cần tích cực liên kết với nông dân, mở rộng quy mô sản xuất theo mô hình hợp tác xã kiểu mới, xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất lúa gạo đạt chuẩn từ các vùng lúa hàng hóa chất lượng cao. Qua đó, phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo hiệu quả, bền vững.

Ở góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng thông tin, trong giai đoạn 2020 - 2025, xác định sản xuất nông nghiệp vẫn là chủ lực, Ứng Hòa duy trì diện tích canh tác khoảng 6.000ha lúa/vụ; đồng thời mở rộng vùng lúa hàng hóa tập trung có quy mô từ 20ha/cánh đồng trở lên, gieo cấy một loại giống lúa chất lượng cao, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế. Để hỗ trợ nông dân yên tâm sản xuất, phát triển vùng lúa hàng hóa tập trung, huyện sẽ hỗ trợ kinh phí mua 50% lúa giống, phân bón; 100% kinh phí mua thuốc sinh học diệt chuột; 100% kinh phí mua chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ.

Hiện nay, Hà Nội đang đẩy mạnh đầu tư, vận động các địa phương xây dựng vùng lúa hàng hóa quy mô lớn, thu hút DN tham gia liên kết bao tiêu sản phẩm; đồng thời hỗ trợ sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn xuất khẩu.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, TP khuyến khích hợp tác đầu tư sản xuất tập trung theo vùng lúa hàng hóa quy mô lớn, cung ứng sản phẩm trong chuỗi giá trị lúa gạo ở các huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên...; phấn đấu có 70% diện tích lúa hữu cơ, đạt tiêu chuẩn VietGAP với các giống mới chất lượng cao. Đặc biệt, TP tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng linh hoạt trên đất trồng lúa; chú trọng phát triển các loại cây trồng phù hợp với nhu cầu của thị trường để tránh tình trạng sản xuất dư thừa, gây thiệt hại về kinh tế.

Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Phương, đầu tư xây dựng vùng lúa hàng hóa quy mô lớn cần sự hợp tác tích cực của “nhiều nhà”. Trong đó, quan trọng nhất là các ngân hàng cần có chính sách ưu đãi lãi suất đối với nông dân, DN; về phía DN cần có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi để bảo đảm sản xuất - tiêu thụ sản phẩm lúa gạo hàng hóa hiệu quả.

 

"Sở NN&PTNT sẽ phối hợp với các huyện, thị xã tổ chức lại sản xuất theo hướng quy mô lớn tập trung và có sự liên kết giữa nông dân với nông dân, giữa các tổ chức nông dân với DN tạo thành các chuỗi ngành hàng. Cùng với đó, sẽ tổng kết các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao để nhân rộng trên địa bàn TP." - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương