Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát triển chuỗi giá trị nông sản: Tạo động lực bằng cơ chế, chính sách

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội đang triển khai nhiều cơ chế, chính sách phù hợp, tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến nông sản nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cải thiện đời sống người dân.

Nhiều lợi ích từ sản xuất theo chuỗi

Sản phẩm thịt lợn sinh học của Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tâm (huyện Quốc Oai) đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường, được nhiều siêu thị, cửa hàng trên địa bàn TP ký kết hợp đồng tiêu thụ.

Trang trại chăn nuôi lợn tại Hợp tác xã chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tâm (huyện Quốc Oai). 
Trang trại chăn nuôi lợn tại Hợp tác xã chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tâm (huyện Quốc Oai). 

Theo Giám đốc HTX Chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tâm Nguyễn Đình Tường, với mục tiêu tiếp tục nâng cao giá trị sản phẩm OCOP, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, HTX luôn duy trì chăn nuôi lợn theo chuỗi khép kín từ khâu chọn con giống đến giết mổ, sơ chế, đóng gói. Hiện, mỗi tháng, HTX cung ứng cho thị trường 13 - 15 tấn thịt lợn sinh học và sản phẩm chế biến từ thịt lợn như xúc xích, giò chả; doanh thu đạt hàng chục tỷ đồng/năm.

HTX dịch vụ nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn) một trong những là đơn vị điển hình của Hà Nội vế duy trì, phát triển chuỗi giá trị. Giám đốc HTX Hoàng Thị Hậu cho biết, với diện tích 37ha sản xuất rau hữu cơ, sản lượng 600kg rau/ngày, HTX có cơ sở sơ chế, đóng gói bảo đảm an toàn thực phẩm, đúng quy cách, thông tin rõ ràng về phương thức sản xuất, nguồn gốc sản phẩm.

 

Thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025" và Quyết định số 2085/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch phát triển nông nghiệp theo chuỗi giai đoạn 2021-2025, các huyện, thị xã đã quan tâm phát triển mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Cách làm này đã giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân, DN.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền

Quy trình sản xuất của HTX được áp dụng theo chuỗi, kiểm soát chặt chẽ từ đầu vào đến thực hành trên đồng ruộng và bao tiêu sản phẩm. Hiện nay, sản phẩm rau hữu cơ Thanh Xuân được nhiều đơn vị liên kết tiêu thụ như: Công ty Tâm Đạt, Công ty Lục Thủy cùng hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch, bếp ăn tập thể với giá ổn định (khoảng 20.000 đồng/kg), đem lại thu nhập cao cho nông dân.

Đánh giá hiệu quả các chuỗi giá trị nông sản, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, thời gian qua, các địa phương đã có nhiều đổi mới trong phương thức sản xuất theo chuỗi. Hiện Hà Nội đã có 159 chuỗi liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Các chuỗi liên kết giúp nông dân sản xuất theo nhu cầu thị trường nên việc tiêu thụ tương đối thuận lợi, thu nhập cao hơn 10 - 15% so với sản xuất theo phương thức cũ; đồng thời, nâng cao năng lực quản lý, hiệu quả hoạt động của các HTX, giúp DN có vùng nguyên liệu ổn định để sản xuất, mở rộng quy mô; tạo thuận lợi cho các ngành chức năng trong kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm.

Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã

Không phủ nhận phát triển chuỗi giá trị nông sản giúp nông dân có phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp, đạt hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, sự phát triển của chuỗi giá trị nông sản còn một số khó khăn do nông dân chỉ tham gia khâu duy nhất là sản xuất, quy mô nông hộ nhỏ lẻ, tổn thất sau thu hoạch cao. Các chuỗi phát triển chưa đồng đều, quy hoạch vùng còn lỏng lẻo, chưa có nhiều vùng sản xuất bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP…

Chăn nuôi gà đẻ trứng tại xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai. Ảnh: Ánh Ngọc
Chăn nuôi gà đẻ trứng tại xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai. Ảnh: Ánh Ngọc

Để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển các chuỗi giá trị nông sản, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic Green (huyện Thường Tín) Nguyễn Văn Chữ kiến nghị, các ngành chức năng cần xây dựng, hoàn thiện, áp dụng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật, hình thành các vùng chế biến công nghệ cao, khép kín tại vùng chuyên canh chính; xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần để tăng hiệu quả liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Các ngân hàng cần đa dạng hóa phương thức cho vay mới, gắn với các chuỗi giá trị nông sản đang và sẽ hình thành, giúp DN, HTX tiếp cận vốn mở để rộng sản xuất, phát huy hiệu quả của chuỗi.

Đề cập về giải pháp lâu dài, ông Tạ Văn Tường thông tin: Để các chuỗi giá trị nông sản không bị manh mún, đứt gãy, ngành nông nghiệp Hà Nội tiếp tục phối hợp với các địa phương hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ liên kết chuỗi, hỗ trợ chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới; ưu đãi về vốn vay, giới thiệu DN bao tiêu sản phẩm.

Về phía các huyện, thị xã cần phải xác định rõ phát triển chuỗi giá trị nông sản là hướng đi đúng đắn trong sản xuất nông nghiệp, phù hợp xu thế phát triển bền vững. Từ đó, tiếp tục hỗ trợ HTX, DN mở các lớp tập huấn nâng cao trình độ nhận thức về sản xuất theo nhu cầu thị trường; xây dựng thương hiệu nông sản theo chuỗi, tổ chức các hội chợ quảng bá, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm...