70 năm giải phóng Thủ đô

Phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm: Còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là địa phương đi đầu cả nước về số lượng sản phẩm được đánh giá, phân hạng, tuy nhiên việc triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của Hà Nội thực tế vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.

Bất cập về quy định đánh giá, phân hạng

Theo đánh giá của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội, Bộ tiêu chí đánh giá sản phẩm OCOP theo Quyết định số 1048/QĐ-TTg và Quyết định số 781/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho đến nay đã bộc lộ nhiều bất cập. Đơn cử như đối với tiêu chí đánh giá về quy mô sản xuất, hiện chưa có hướng dẫn đánh giá định lượng mà chỉ có thể đánh giá theo định tính. Điều này dẫn đến chưa có sự thống nhất trong phân hạng sản phẩm OCOP của các địa phương.

“Thực tế cho thấy, đối tượng tham gia Chương trình OCOP chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, để đạt được từ 4 sao OCOP trở lên, quy định hiện nay là cần phải có quy mô sản xuất lớn. Điều này là chưa phù hợp...” - Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Thị Hà bày tỏ quan điểm.

Đồ gốm của chủ thể huyện Gia Lâm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Ảnh: Lâm Nguyễn.
Đồ gốm của chủ thể huyện Gia Lâm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Ảnh: Lâm Nguyễn.

Theo chia sẻ của đại diện phòng kinh tế một số quận, huyện, hiện nay, các văn bản, chính sách về Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025 chưa được ban hành, chưa quy định nội dung chi và mức chi hỗ trợ đơn vị tư vấn, chủ thể; hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu, xây dựng và quản lý nhãn hiệu. Bên cạnh đó, cơ chế thưởng cho chủ thể có sản phẩm đạt 4, 5 sao cũng còn thiếu khiến việc chi hỗ trợ khuyến khích các chủ thể khó thực hiện.

Cũng theo quy định của Trung ương, đối với nhóm thực phẩm tươi sống và thực phẩm thô, sơ chế, để được đánh giá, phân hạng là sản phẩm OCOP, cần phải sử dụng nguyên liệu địa phương từ 75% trở lên; trong khi nhóm các loại thực phẩm chế biến thì được yêu cầu sử dụng nguyên liệu địa phương từ 50% trở lên. Nhiều chủ thể cho rằng quy định này sẽ hạn chế việc liên kết giữa những vùng sản xuất và các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong quá trình phát triển sản phẩm OCOP.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, Hà Nội đặt mục tiêu tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình OCOP một cách đồng bộ, từ TP đến cơ sở. Đẩy mạnh truyền thông, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP. Hỗ trợ các tổ chức kinh tế và người dân tích cực tham gia Chương trình OCOP, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khai thác có hiệu quả các lợi thế của địa phương và thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn.

Sản phẩm OCOP của huyện Mỹ Đức tham gia trưng bày, quảng bá tại một hội chợ.
Sản phẩm OCOP của huyện Mỹ Đức tham gia trưng bày, quảng bá tại một hội chợ.

Để thực hiện được mục tiêu trên, Phó Chánh Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho rằng các bộ ngành cần sớm nghiên cứu, tham mưu Chính phủ ban hành chính sách đồng bộ thực hiện Chương trình OCOP theo hướng hỗ trợ đầu tư, nâng cấp chất lượng sản phẩm OCOP. Quy định mức thưởng cho các chủ thể có sản phẩm được công nhận từ 3 sao trở lên; quy định mức chi cho đơn vị tư vấn, thành viên các hội đồng thẩm định; hỗ trợ kinh phí các điểm giới thiệu, trưng bày và bán sản phẩm OCOP…

Về phía Bộ Tài chính, Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội đề nghị bổ sung hướng dẫn chi tiết mức chi tại Điều 20b của Thông tư số 08/2019/TT-BTC; Bộ NN&PTNT tiếp tục nghiên cứu, tham mưu Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 1048/QĐ-TTg và Quyết định số 781/QĐ-TTg về việc ban hành bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; trong đó, bỏ tiêu chí tỷ lệ sử dụng nguyên liệu địa phương.

Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội cũng đề nghị Bộ Công Thương có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc hỗ trợ điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP tại các tỉnh, TP từ ngân sách Trung ương và địa phương. Cụ thể là hỗ trợ lắp đặt biển hiệu nhận diện, giá kệ trong cửa hàng; hỗ trợ công tác tuyên truyền, thành lập các chuỗi điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP; cũng như hỗ trợ vận hành và duy trì điểm bán, làm cơ sở để chính quyền các cấp bố trí kinh phí hỗ trợ chủ thể xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP. 

 

Từ năm 2019 đến nay, Hà Nội đã đánh giá, phân hạng được 1.649 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Trong giai đoạn 2021 - 2025, TP phấn đấu mỗi năm sẽ có thêm ít nhất 400 sản phẩm OCOP. Đến năm 2025, 100% sản phẩm OCOP được tham gia các sự kiện quảng bá, giới thiệu; 100% trung tâm thương mại, siêu thị tổng hợp có trưng bày và bán sản phẩm OCOP. Mỗi quận, huyện, thị xã có ít nhất 2 điểm giới thiệu sản phẩm OCOP…