Phát triển công nghiệp chế biến nông sản: Còn nhiều dư địa

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chế biến được xem là khâu cốt yếu, góp phần gia tăng giá trị kinh tế cho ngành hàng nông sản. Dù vậy, lĩnh vực công nghiệp chế biến tại Hà Nội hiện nay được đánh giá là phát triển chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế.

Nâng cao giá trị kinh tế

Gần 10 năm trước, anh Khúc Văn Trọng (thôn Phù Dực, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm) quyết định đứng ra thành lập Hợp tác xã Chế biến sữa bò Phù Đổng. Vay mượn khắp nơi, thế chấp cả sổ đỏ để có được hơn 5 tỷ đồng đầu tư nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị phục vụ các công đoạn chế biến sữa.

Dây chuyền chế biến sữa của Hợp tác xã Chế biến sữa bò Phù Đổng (huyện Gia Lâm). Ảnh: Lâm Nguyễn
Dây chuyền chế biến sữa của Hợp tác xã Chế biến sữa bò Phù Đổng (huyện Gia Lâm). Ảnh: Lâm Nguyễn

Quy trình sản xuất khép kín ứng dụng công nghệ chế biến tiên tiến giúp tạo ra những sản phẩm sữa có chất lượng tốt. Hàng chục sản phẩm của Hợp tác xã Chế biến sữa bò Phù Đổng được UBND TP Hà Nội đánh giá, phân hạng 3 - 4 sao OCOP. Thương hiệu “Sữa Phù Đổng” hiện đã có mặt tại hầu hết các hệ thống siêu thị, chuỗi bán lẻ lớn như: Winmart, Saigon Coo.op, Hapro…

Năm 2012, nhà máy chế biến thịt tươi sạch của Công ty CP Công nghệ thực phẩm Vinh Anh chính thức ra đời, với quy mô được xem là lớn bậc nhất tại khu vực miền Bắc lúc bấy giờ. Ông Đào Quang Vinh - Giám đốc Công ty đã cùng với các thành viên của DN huy động nguồn vốn để đầu tư hơn 80 tỷ đồng vào dây chuyền chế biến thịt hiện đại được nhập khẩu và chuyển giao công nghệ từ Pháp, Trung Quốc. Quy trình sản xuất các sản phẩm từ thịt lợn tươi, sạch được thực hiện một cách bài bản, khoa học giúp tạo ra những sản phẩm có tiêu chuẩn chất lượng cao.

Các sản phẩm mang thương hiệu “Vinh Anh Food” rất đa dạng, từ xúc xích, lạp xưởng, chân giò muối, đến các loại giò, chả, giăm bông…, được thị trường đón nhận tích cực. Hoạt động của DN được duy trì ổn định ngay cả trong những năm tháng dịch Covid-19 hoành hành.

Hợp tác xã Chế biến sữa bò Phù Đổng và Công ty CP Công nghệ thực phẩm Vinh Anh là hai trong số hàng trăm cơ sở chế biến nông sản, thực phẩm đang hoạt động có hiệu quả trên địa bàn Hà Nội. Thông qua chế biến, giá trị của nông sản thô như rau củ quả, thịt gia súc - gia cầm, thủy sản tươi sống… gia tăng đáng kể. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho nhiều bên tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất - kinh doanh nông sản, mà còn giúp cơ quan chức năng quản lý tốt hơn vấn đề an toàn thực phẩm đang nhức nhối hiện nay.

Mới đáp ứng gần 30% nhu cầu

Theo Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng, những năm qua, TP đã có nhiều cơ chế, chính sách để khuyến khích các tổ chức, DN, hợp tác xã, chủ thể sản xuất tăng cường đầu tư cho công nghệ chế biến. Đến nay, toàn TP có trên 250 DN chế biến nông sản, cùng với đó là hàng nghìn cơ sở có quy mô nhỏ và vừa, thực hiện sơ chế, bảo quản thực phẩm phục vụ tiêu dùng của địa phương…

Dù đã có bước phát triển đáng ghi nhận trong những năm qua, tuy nhiên, đánh giá khách quan ngành công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm của Hà Nội vẫn còn nhiều hạn chế. Số lượng DN tham gia vào lĩnh vực giàu tiềm năng này còn ít. Không chỉ vậy, số liệu khảo sát của Sở NN&PTNT Hà Nội mới đây cũng chỉ ra, phần lớn những cơ sở chế biến nông sản, thực phẩm hiện đang hoạt động trên địa bàn TP chỉ có quy mô vừa và nhỏ.
Thiết bị máy móc của các cơ sở chế biến chủ yếu là bán tự động (chiếm 76,6% tổng số cơ sở).

Công nghệ dây chuyền tự động mới chiếm hơn 14,7%; trong khi công nghệ chế biến thủ công vẫn chiếm khoảng 8,7%. Thiết bị máy móc chủ yếu phục vụ xay, nghiền, rang, sấy, đánh bóng, tạo hương, đóng gói… Hệ thống bảo quản các sản phẩm nông lâm sản và thủy sản của Hà Nội vẫn còn khiêm tốn. Toàn TP hiện có 113 kho lạnh nhưng trong số này chỉ có 7 kho lớn (tổng quy mô gần 30.000m2); còn lại 106 kho có diện tích tổng thể chỉ hơn 5.300m2.

Sản lượng các loại nông sản, thực phẩm qua chế biến của Hà Nội hiện đạt khoảng 1.500 tấn/tháng, trong khi nhu cầu tiêu dùng của người dân hiện đang cư trú trên địa bàn Thủ đô lên tới gần 5.350 tấn. Điều này đồng nghĩa, năng lực chế biến của Hà Nội mới đáp ứng chưa đến 30% nhu cầu thực tế. Nhu cầu rất lớn về thực phẩm chế biến còn lại, Hà Nội phải kết nối, tiếp nhận và tiêu thụ từ các tỉnh, TP lân cận, hoặc nhập khẩu để có thể đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho người dân Thủ đô.

Cần thêm chính sách khuyến khích

Thực tế hiện nay, việc kêu gọi, khuyến khích các tổ chức, DN đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản, thực phẩm của Hà Nội còn nhiều hạn chế. Một số cơ chế, chính sách được Nhà nước ban hành nhưng gặp khó khi đưa vào thực tiễn. Việc tiếp cận cơ chế, chính sách còn khó khăn khiến nhiều tổ chức, DN, hợp tác xã phải “tự thân vận động”.

Đại diện Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội cho rằng, sự hỗ trợ về công nghệ của khu vực công nghiệp - dịch vụ dành cho nông nghiệp hiện chưa rõ ràng, hiệu quả còn thấp, nhất là trong lĩnh vực bảo quản, chế biến nông sản, thực phẩm. Do đó, cần thiết phải đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng trong các khâu của chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp.

Theo Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao (huyện Mê Linh) Đàm Văn Đua, hiện nay Nhà nước đã có cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, DN, hợp tác xã, người dân đầu tư vào lĩnh vực bảo quản, chế biến nông sản, thực phẩm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy để chính sách đi vào cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn. Việc đơn giản hóa thủ tục hỗ trợ vốn vay là một trong những vấn đề cần được quan tâm nhằm thúc đẩy lĩnh vực bảo quản, chế biến phát triển.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng, tại nhiều nước trên thế giới, mức độ chuyên sâu trong bảo quản, chế biến nông sản được xem là thước đo chỉ số phát triển của một quốc gia. Hay nói cách khác, một đất nước càng có đa dạng sản phẩm từ chế biến thì nền khoa học - công nghệ của nước đó càng phát triển.

“Để nâng cao năng lực chế biến, cấp thiết cần phải tổ chức lại sản xuất theo hướng chuyên canh tập trung, tiến tới xóa bỏ hình thức canh tác nhỏ lẻ, manh mún, sản phẩm “sáng tươi, chiều héo” còn phổ biến hiện nay…” - ông Tạ Văn Tường bày tỏ quan điểm.

Đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội cũng nhấn mạnh, thời gian tới, TP sẽ tiếp tục đẩy mạnh sản xuất theo các quy trình canh tác tốt, thuận tự nhiên. Tăng cường chế biến để đa dạng hóa và nâng cao chất lượng nông sản. Thúc đẩy phát triển các sản phẩm nông nghiệp có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Đồng thời, ưu tiên phát triển những vùng nguyên liệu gắn với tiêu thụ và chế biến sâu, nhất là những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh cao của Hà Nội.

 

Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của TP Hà Nội xác định, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến để nâng cao năng lực sản xuất và chế biến nông lâm sản và thủy sản. Ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp chế biến sâu; gắn sản xuất với chế biến, bảo quản và tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Áp dụng các quy trình sản xuất, các tiêu chuẩn, quy chuẩn để đáp ứng nhu cầu của thị trường…