Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Mong đợi chính sách mới

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, các DN công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của Việt Nam dường như vẫn loay hoay tìm đường hội nhập...

Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Mong đợi chính sách mới - Ảnh 1
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Quốc Bình - Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội - Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Hanel cho rằng, nguyên nhân chính khiến CNHT trong nước chậm phát triển là do tiềm lực của các DN còn nhỏ và tầm nhìn còn hạn chế.

Về câu chuyện của Samsung, Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, chúng ta sản xuất được ốc vít, chất lượng đảm bảo. Tuy nhiên, việc đưa được sản phẩm vào chuỗi sản xuất của Samsung không phải chỉ ở Việt Nam mà trên phạm vi toàn cầu là câu chuyện khác. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Khẳng định của Bộ trưởng là đúng. Đương nhiên các DN Việt Nam hoàn toàn có thể sản xuất không chỉ ốc vít mà còn nhiều phụ tùng, linh kiện khác. Vấn đề ở đây là các phụ tùng, linh kiện này có chen chân được vào chuỗi giá trị sản xuất của các tập đoàn lớn như Samsung tại Việt Nam cũng như trên thế giới hay không? Xin được nói ngay là chen vào không dễ. Chưa kể về khách quan, các tập đoàn sản xuất lớn khi đầu tư vào Việt Nam đều kéo theo một lực lượng hùng hậu các DN vệ tinh chuyên cung cấp các phụ tùng, linh kiện. Đơn cử như Samsung. Việc chủ động kéo theo dàn DN vệ tinh này trước hết là để Samsung "yên tâm" về chất lượng, chủng loại, thời gian cung cấp… linh kiện, bởi các DN này đều đã được Samsung ủng hộ, hỗ trợ rất nhiều trong đào tạo nhân lực, đầu tư sản xuất...
Lắp ráp thiết bị điện tử tại Công ty Sumi-Hanel.        Ảnh: Huy Hùng
Lắp ráp thiết bị điện tử tại Công ty Sumi-Hanel. Ảnh: Huy Hùng
Theo số liệu thống kê, lĩnh vực CNHT phần lớn là các DN nhỏ và vừa, đây có phải là hạn chế của ngành CNHT Việt Nam?

- Khó khăn mà DN trong nước gặp phải không chỉ là sự thiếu thiện chí của nhiều DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mà còn là khó khăn về vốn, công nghệ. Hiện, DN Việt Nam đa số là DN nhỏ và vừa và có tới 126.000 DN siêu nhỏ. Phải khẳng định những DN siêu nhỏ đó mà làm CNHT chắc chắn chỉ lợi dụng chộp giật, khó mà có đầu tư bài bản. Nên muốn làm lớn phải đưa công nghệ cao vào mới giải quyết được.

Để tạo điều kiện cho CNHT phát triển, theo ông, cần thêm những định hướng gì?

- Tôi ủng hộ việc Chính phủ nghiên cứu đề ra quy định ưu đãi về thuế nhập khẩu, về khả năng tiếp cận tín dụng. Các ưu đãi về thuế thu nhập DN, ưu đãi về tiền thuê đất là bước động viên kịp thời. Tuy nhiên, cần chọn đúng các sản phẩm CNHT cần ưu tiên sản xuất. Ngoài ra, cần ưu tiên từng lĩnh vực, từng địa phương...

Nước láng giềng Thái Lan đã làm rất tốt việc này trong thời kỳ công nghiệp hóa của họ. Thái Lan có một cơ quan Nhà nước luôn theo dõi việc hỗ trợ DN nhỏ và vừa để "chui" vào các hãng chính. Muốn mở lối cho CNHT của Việt Nam cần phải liên kết, hợp tác giữa "DN vệ tinh" với DN trong nước theo hướng chuyển giao công nghệ… Lúc này, Nhà nước có vai trò quan trọng trong việc kết nối DN tạo đà cho ngành CNHT Việt Nam. Ngoài ra, bản thân các DN Việt Nam phải hiểu môi trường kinh doanh thế giới đã thay đổi theo xu hướng hội nhập…, nên cần phải tự nỗ lực để vươn lên, thích nghi, dần dần làm tốt hơn.

Hanel là một doanh nghiệp CNHT đi đầu, thương hiệu Hanel được người tiêu dùng bình chọn là hàng Việt Nam chất lượng cao, ông có thể chia sẻ bí quyết thành công?

- Thế kỷ XXI mà chúng ta đang sống là kỷ nguyên của kinh tế tri thức, của tư duy sáng tạo. DN như Hanel muốn tồn tại và phát triển bền vững không thể không thay đổi, nhất là về giá trị sáng tạo.

Thế mạnh của Hanel là đã tập hợp được đội ngũ lao động chất xám và tận dụng được thế mạnh của Thủ đô Hà Nội, thế mạnh của cơ chế với một bước đi và quyết tâm đi vào lĩnh vực công nghệ có giá trị gia tăng cao. Hanel hiện tại là Khu công nghệ cao, Khu công viên công nghệ phần mềm Hà Nội, Khu CNHT; Là Hanel của những giải pháp phần mềm dành cho Chính phủ và DN, cho giao thông, y tế, GD&ĐT và nông nghiệp thông minh, góp phần đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa đất nước…

Xin cảm ơn ông! 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần