Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát triển công nghiệp ICT trong khu vực không đồng đều

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bên cạnh một số địa phương có nhiều dự án ICT trọng điểm và tăng trưởng bền vững; số khác chỉ có các hoạt động mua bán thiết bị, phần mềm nhỏ lẻ…

Thông tin từ Bộ TT&TT chỉ ra, lĩnh vực phát triển công nghiệp ICT trong khu vực không đồng đều. Địa phương đầu tàu của cả nước là Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Huế... có nhiều dự án ICT trọng điểm và tăng trưởng bền vững.

Trong khi đó, một số địa phương chỉ có các hoạt động mua bán thiết bị, phần mềm nhỏ lẻ, khả năng làm chủ công nghệ còn hạn chế và chưa có nhiều doanh nghiệp và sản phẩm có đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đánh giá tổng quan phát triển lĩnh vực công nghiệp ICT trong 8 tháng qua,  Bộ TT&TT cho biết, kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn do suy thoái kinh tế ở nhiều nước chưa có dấu hiệu phục hồi, thị trường tiêu dùng công nghệ thông tin giảm sút, khả năng tăng trưởng thấp do tác động cộng hưởng của xung đột giữa Nga và Ucraina và ảnh hưởng của hậu đại dịch Covid-19.

Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam nói chung và sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin nói riêng, các đơn hàng xuất khẩu công nghệ thông tin của Việt Nam cũng sụt giảm. Từ nửa cuối tháng 6/2023, lạm phát có dấu hiệu suy giảm, thị trường kinh tế toàn cầu phục hồi nhẹ đã giúp thị trường xuất khẩu được cải thiện.

Kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử tháng 7, tháng 8 đã tăng mạnh gần 14% so với cùng kỳ giúp thu hẹp đà giảm của doanh thu lũy kế so với cùng kỳ năm 2022. Tổng doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin 8 tháng đầu năm 2023 ước đạt gần 2,04 triệu tỷ đồng (khoảng 86,8 tỷ USD), giảm 5% so với cùng kỳ năm 2022.

Doanh thu từ lĩnh vực công nghiệp phần cứng, điện tử trong 8 tháng đầu năm 2023 ước đạt khoảng 80,8 tỷ USD, giảm 4,7% so với cùng kỳ năm 2022. Giá trị xuất khẩu sản phẩm phần cứng, điện tử ước đạt gần 72,8 tỷ USD, giảm 4,7% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm khoảng 30% giá trị xuất khẩu cả nước.

Trong đó, xuất khẩu "Máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện" và "Điện thoại và linh kiện các loại" giữ vững 2 nhóm hàng đứng hàng đầu trong 12 nhóm hàng có giá trị xuất khẩu cao của cả nước song sản lượng xuất khẩu bị sụt giảm so với cùng kỳ.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, đến hết tháng 8/2023, giá trị xuất khẩu máy tính và linh kiện ước đạt gần 35,7 tỷ USD, giảm 6% so với cùng kỳ; giá trị xuất khẩu điện thoại và linh kiện điện thoại ước đạt trên 33,7 tỷ USD, giảm 12,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Thống kê, số lượng doanh nghiệp công nghệ số đăng ký thành lập vẫn tăng ổn định. Theo số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tháng 8/2023 ước đạt 72.800 doanh nghiệp, tăng 500 doanh nghiệp so với tháng 7/2023 với tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân ước đạt 0,735.