Phát triển công nghiệp văn hóa - cơ hội vàng vươn tầm văn hóa Thủ đô

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định các cơ chế, chính sách ưu tiên, vượt trội về phát triển văn hóa, công nghiệp văn hóa đã bảo đảm thể chế hóa được định hướng trong Kết luận số 80-KL/TW của Bộ Chính trị.

Phát huy hiệu quả không gian văn hóa

Kết luận số 80-KL/TW của Bộ Chính trị “về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065” đã đề ra phương hướng “Sắp xếp, phân bố không gian hợp lý để tập trung phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ưu tiên bảo tồn, khai thác, phát huy hiệu quả một số không gian văn hóa phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa”. 

Đây có thể xem như kim chỉ nam để văn hóa giữ vị trí, vai trò quan trọng trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Đồng thời, được thể chế hóa bằng những cơ chế, chính sách ưu tiên, vượt trội trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Hà Nội hướng đến phát triển bền vững dựa trên nguồn lực văn hóa mà Hà Nội đã cam kết khi gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo
Hà Nội hướng đến phát triển bền vững dựa trên nguồn lực văn hóa mà Hà Nội đã cam kết khi gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo

Theo báo cáo của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, quy định về phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhất là du lịch văn hóa trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là chủ trương đã được đề ra tại Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thời gian qua, Hà Nội đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển du lịch văn hóa, lấy du lịch văn hóa làm cơ sở, nền tảng phát triển các loại hình du lịch khác và coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để đưa du lịch Thủ đô trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Trong đó, đáng chú ý chính sách phát triển du lịch giai đoạn 2023-2025 là đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư chiến lược xây dựng, đầu tư, phát triển các cơ sở lưu trú du lịch, khách sạn cao cấp 4-5 sao tại các khu vực đô thị, khu vực có tiềm năng lớn về du lịch; thu hút nhà đầu tư phát triển các trung tâm tổ chức sự kiện, cung triển lãm, tổ hợp thể thao thực sự chuyên nghiệp, quy mô, tầm cỡ, có kiến trúc độc đáo, là điểm nhấn đặc sắc của thành phố.

Trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) chuẩn bị trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 đã bổ sung một số quy định liên quan đến phát triển du lịch như quy định về trung tâm công nghiệp văn hóa, về các khu phát triển thương mại và văn hóa, về ưu đãi đầu tư…

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng được chỉnh lý theo hướng quy định rõ Hà Nội được xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng và khu vực khác có lợi thế về vị trí không gian văn hóa phù hợp với quy hoạch. Đồng thời, giao HĐND TP Hà Nội quy định về thẩm quyền thành lập; trình tự, thủ tục thành lập; việc tổ chức, hoạt động, biện pháp quản lý và chính sách ưu đãi được áp dụng đối với trung tâm công nghiệp văn hóa.

Quy định này sẽ tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các ngành công nghiệp văn hóa mà Thủ đô có nhiều thế mạnh, tận dụng các lợi thế về không gian văn hóa, qua đó, phát huy triệt để và đồng đều thị trường văn hóa trên địa bàn thành phố.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 6, dự thảo Luật cũng đã bổ sung đầy đủ 12 ngành công nghiệp văn hóa vào danh mục các lĩnh vực có đầu tư mới được hưởng ưu đãi theo quy định của Luật Thủ đô.

Đảm bảo sự phát triển văn hóa trở nên mạnh mẽ, bền vững hơn 

Hà Nội đặt ra mục tiêu đến năm 2030, công nghiệp văn hóa Thủ đô cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác.

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội cho hay, mong muốn của chúng ta, Hà Nội trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa cả nước là có cơ sở. Trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng trở thành 3 trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước. Chính vì thế, chúng ta mong muốn cụ thể hóa nội dung này vào trong Luật Thủ đô. 

Dự thảo Luật lần này sẽ góp phần tháo gỡ các quy định pháp luật. Ví dụ như phát triển công nghiệp văn hóa, vai trò của thành phần tư nhân vô cùng quan trọng, Nhà nước chỉ giữ vai trò điều tiết, tạo hành lang pháp lý, môi trường thuận lợi, thông thoáng. Còn tổ chức các hoạt động cụ thể phải do cả thành phần tư nhân tham gia.  

“Chúng ta phải đưa ra các chính sách phù hợp, Nhà nước làm gì, làm đến đâu, tư nhân làm gì, làm đến đâu, Nhà nước hỗ trợ gì cho tư nhân phát triển... và các chính sách này phải cụ thể bằng các quy định pháp luật, không thể chỉ dừng lại ở lời nói. Sự tham gia của thành phần tư nhân vào phát triển công nghiệp văn hóa sẽ đảm bảo cho sự phát triển văn hóa trở nên mạnh mẽ, bền vững hơn” - PGS.TS Bùi Hoài Sơn khẳng định.

Làm “sống lại” các di sản văn hóa 

Theo đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn TP Hà Nội), huy động tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực văn hóa, thể thao và khai thác các di sản vào phát triển du lịch; trong đó, di sản thuộc về sở hữu độc quyền của Nhà nước, nhưng tư nhân thì được quyền đầu tư, tôn tạo và khai thác với những việc ứng dụng công nghệ mới. Với cơ chế đó sẽ giúp cho làm “sống lại” các di sản văn hóa, các di tích lịch sử được tôn tạo và các giá trị văn hóa lịch sử sẽ được khơi dậy, lan tỏa và văn hóa du lịch sẽ trở thành một ngành mũi nhọn của Thủ đô.

Kết luận số 80-KL/TW của Bộ Chính trị cũng yêu cầu “Tăng cường phân cấp, phân quyền, cơ chế thí điểm phù hợp, hiệu quả cho Thủ đô”, với trọng tâm bao gồm nhiều lĩnh vực, trong đó có phát triển văn hóa. UBND TP Hà Nội hiện đã ban hành quy định về phân định trách nhiệm giữa chính quyền cấp thành phố và cấp huyện trong việc tu bổ, tôn tạo di tích.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã thể hiện rõ nội dung về việc áp dụng phương thức đối tác công - tư trong lĩnh vực văn hóa và ưu đãi đầu tư dành cho các dự án đầu tư mới vào lĩnh vực thể thao và một số ngành công nghiệp văn hóa (gồm quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa; văn hóa ẩm thực).

Cùng đó, dự thảo Luật còn quy định nhà đầu tư, doanh nghiệp được quyền khai thác, quản lý công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao, hạ tầng giao thông do thành phố quản lý thông qua việc ký kết hợp đồng nhận nhượng quyền khai thác, quản lý với cơ quan, tổ chức của thành phố được giao quản lý, sử dụng công trình nhằm khai thác tối đa hiệu quả không gian, hạ tầng của các công trình này.

Qua khảo sát thực tế của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục với Quốc hội tại thành phố Hà Nội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Phạm Nam Tiến đánh giá cao việc đầu tư, xây dựng, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa thể thao trên địa bàn thành phố với nhiều công trình hiện đại, đáp ứng nhu cầu của người dân, đủ điều kiện đăng cai tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao trong nước và quốc tế, như Ba Đình, Cầu Giấy hay Long Biên… có cơ sở vật chất rất tốt.

Thế nhưng, các đơn vị sự nghiệp văn hóa, thể thao không riêng Hà Nội khi vận hành hệ thống thiết chế văn hóa thể thao lại đang gặp rất nhiều vướng mắc liên quan đến cơ chế tự chủ tài chính, sử dụng tài sản công hay các quy định về đầu tư, xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa, thể thao. Vì vậy, theo đại biểu Quốc hội Phạm Nam Tiến, việc đưa vào dự thảo Luật các quy định mang tính gỡ bỏ các “nút thắt” về đầu tư phương thức đối tác công - tư có thể nói đã giải quyết những vấn đề cấp bách hiện nay.