Điều này đòi hỏi các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo phải có sự thích ứng, chuyển đổi, bằng cách áp dụng công nghệ số, đổi mới mô hình kinh doanh, cũng như biến đổi chuỗi giá trị từ các khâu sáng tạo - sản xuất - phổ biến - tiêu thụ.
Theo Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, TS Nguyễn Phương Hòa: sự đột phá của công nghệ số mang lại nhiều cơ hội cho sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo. Văn hóa, sáng tạo trở thành nguồn lực, mục tiêu phát triển kinh tế một cách bền vững, góp phần thực hiện các mục tiêu của Liên Hợp quốc.
Chia sẻ về những thuận lợi và thách thức khi đưa công nghệ số với ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA vào phục vụ du khách đến tham quan Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, TS Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, cho biết: công nghệ số có tác động tới tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội ở việt Nam cũng như trên thế giới.
Đối với lĩnh vực di sản văn hóa, công nghệ số đã trở thành một phần không thể thiếu và đã làm thay đổi cách tiếp cận cũng như bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc. Công nghệ làm cho di sản hấp dẫn, gần gũi và sống động hơn với công chúng, điều đó đã được chứng minh tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là bảo tàng quốc gia, nơi lưu giữ những báu vật về mỹ thuật của Việt Nam. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, bảo tàng không phải là điểm đến thú vị của du khách, và rất ít người quan tâm.
Trước đây, mỗi năm, bảo tàng chỉ đón được khoảng 50.000 lượt khách – một con số khiêm tốn, trong đó 90% là khách quốc tế, chỉ có 10% là khách trong nước và chủ yếu là những người nghiên cứu và quan tâm đến mỹ thuật, đây là một thách thức lớn. Đồng thời, theo một khảo sát, thì các hướng dẫn viên du lịch “rất sợ” đưa khách đến bảo tàng, bởi họ không am hiểu các tác phẩm nên không thể thuyết minh cho du khách.
Để khắc phục tình trạng đó, thì công nghệ chính là bài toán tháo gỡ những khó khăn. Vì thế, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã phối hợp với Công ty CP Phần mềm Ứng dụng Di động Việt Nam (VINMAS) xây dựng đề án trình Bộ VHTT&DL. Sau hai năm triển khai, tháng 5/2021, dự án thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA đã được đưa vào sử dụng với 8 ngôn ngữ, sắp tới sẽ trở thành 9 ngôn ngữ, giúp khách tham quan trải nghiệm ở bất kỳ địa điểm nào trên thế giới.
Trong năm đầu tiên, bảo tàng đã thu được gần 600 triệu đồng từ khách tham quan công nghệ từ trực tuyến và trực tiếp tại bảo tàng. Đây là con số nhỏ, nhưng thể hiện sự thành công của dự án hợp tác công - tư, đồng thời còn có ý nghĩa trong giáo dục lịch sử, văn hóa, mỹ thuật. Thời gian tới, bảo tàng sẽ tiếp tục xây dựng các sản phẩm nhằm lan tỏa tình yêu nghệ thuật đối với công chúng trong nước và quốc tế.
Ở lĩnh vực âm nhạc, theo Trưởng bộ phận nghệ sĩ nội địa, tác phẩm và
marketing, Universal Music Việt Nam Trần Thăng Long, năm 2019, nghệ sĩ Việt Nam đầu tư từ 1 - 2 tỷ đồng cho 1 MV (music video), trong khi Thái Lan, Philippines chỉ đầu tư khoảng 300 triệu đồng/1MV. Vậy nhưng doanh thu nhạc số của Việt Nam chỉ bằng khoảng 1/6 Thái Lan.
Nghệ sĩ Việt đầu tư cao nên 1 năm ra 1 sản phẩm và chỉ đầu tư vào những gì thời thượng, “bắt trend”, không mạnh dạn đầu tư những dự án mang tính thể nghiệm. Đến năm 2023, các nghệ sĩ tăng ứng dụng công nghệ, có nhiều các sản phẩm âm nhạc ứng dụng công nghệ tiệm cận hơn với khu vực. Âm nhạc đến với mọi người bằng nhiều kênh, nhiều sản phẩm khác nhau.
Ông Trần Thăng Long cũng chia sẻ phương châm của Universal Music: "Chúng tôi tìm xem ở Việt Nam khán giả thích nghe âm nhạc quốc tế gì, ngược lại chúng tôi cũng phải biết cách đưa nghệ sĩ mang dấu ấn Việt Nam ra thế giới. Có những tác phẩm không quá nổi tiếng ở thế giới nhưng lại rất nổi tiếng ở Việt Nam; thị trường Việt Nam còn có tiềm năng phát triển gấp 10 lần bây giờ. Universal cũng đưa nghệ sĩ Việt phát hành chung một hệ thống với Taylor Swift, Justin Bieber…".
Điều này hứa hẹn cơ hội cho nghệ sĩ quốc tế tới Việt Nam, cũng như ca sĩ Việt Nam ra nước ngoài.