Tuy nhiên, số học sinh được kết nạp Đảng tại Thủ đô hiện nay chỉ “đếm trên đầu ngón tay” nhưng thực tế triển khai gặp nhiều khó khăn.
>>> Bài 1: Bước ngoặt lớn trong cuộc đời
>>> Bài 2: Động lực nuôi dưỡng ý chí
Còn những rào cản
Hiện nay, toàn ngành giáo dục của TP Hà Nội có 2.835 trường học các cấp học, trong đó có 236 trường THPT với trên 2,2 triệu học sinh. Trong đó, số lượng học sinh lớp 12 của Hà Nội năm học 2021 - 2022 là 97.988 em và năm học 2022 - 2023 là 103.000 học sinh. Hàng năm, tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, Hà Nội luôn có số lượng học sinh đoạt giải dẫn đầu cả nước và tỷ lệ học sinh lớp 12 đỗ đại học trong nước, nước ngoài chiếm tỷ lệ cao.
Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương, tỷ lệ đảng viên là học sinh trong các trường THPT còn thấp. 5 năm qua, toàn Đảng bộ TP Hà Nội mới kết nạp được 17 học sinh, trong đó có 6 học sinh ở các trường THPT. Tỷ lệ kết nạp đảng viên mới là sinh viên cũng chỉ chiếm trên 10% trong tổng số cơ cấu kết nạp đảng viên của TP.
Ý kiến của nhiều lãnh đạo trường THPT trên địa bàn TP cho thấy, tuy số lượng học sinh THPT tại Hà Nội được kết nạp Đảng ngày càng tăng nhưng tỷ lệ vẫn còn quá thấp, trong khi dư địa và tiềm năng rất lớn. Số lượng học sinh THPT được kết nạp vào Đảng trong những năm qua ở Hà Nội còn khiêm tốn do vướng nhiều rào cản, trong đó có độ tuổi kết nạp Đảng. Tại thời điểm chi bộ xét kết nạp, người vào Đảng phải đủ 18 tuổi (tính theo tháng) trở lên.
Nhiều trường hợp đoàn viên là học sinh được bồi dưỡng trong thời gian dài có đủ điều kiện về phẩm chất đạo đức, nhận thức và yêu cầu về kết quả học tập nhưng sau khi hoàn tất các quy trình, thủ tục để phát triển Đảng thì thường rơi vào cuối tháng 5 và đầu tháng 8 trong năm. Lúc này, học sinh lớp 12 đã tốt nghiệp ra trường.
Đoàn viên phải chuyển sinh hoạt về địa phương trong thời gian chờ kết quả nhập học vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp. Do vậy, cấp ủy Đảng trong nhà trường không thể ra các quyết định liên quan đến kết nạp Đảng. Các học sinh có tháng sinh từ tháng 6 trở đi sẽ bị thiệt thòi hơn trong việc xét kết nạp Đảng so với học sinh sinh từ tháng 1 đến cuối tháng 5.
Bên cạnh đó, những cá nhân được chọn kết nạp Đảng phải có thành tích tốt toàn diện trong học tập, rèn luyện, tích cực tham gia hoạt động Đoàn tại trường, địa phương.
Thực tế, số lượng học sinh đáp ứng đủ các tiêu chuẩn trên chưa nhiều, nên số lượng kết nạp còn ít. Nguyên nhân nữa khiến tỷ lệ kết nạp đảng viên trong học sinh THPT còn thấp bắt nguồn từ tâm lý của học sinh và phụ huynh. Nhiều phụ huynh chỉ muốn con tập trung vào học để đạt kết quả tốt trong kỳ thi THPT quốc gia hoặc đi du học, không muốn tốn thêm thời gian cho việc khác.
Ngoài ra, công tác giáo dục, rèn luyện nhằm tạo nguồn đảng viên ở nhiều cơ sở giáo dục vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Những vướng mắc này đã tồn tại từ lâu nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để, dẫn tới tình trạng lãng phí một nguồn nhân lực dồi dào để bổ sung vào đội ngũ đảng viên.
Nhiều đề xuất để giải bài toán khó
Theo Hiệu trưởng Trường THPT Sơn Tây (thị xã Sơn Tây) Lương Quỳnh Lan, cấp ủy cơ sở phải có sự chỉ đạo thật cụ thể, chủ động, quyết liệt trong công tác tạo nguồn để kết nạp những đoàn viên ưu tú, có đủ tiêu chuẩn, năng lực vào Đảng.
“Kinh nghiệm cho thấy, cấp ủy Đảng, người đứng đầu thực sự quan tâm sâu sát, đề ra chỉ tiêu kế hoạch cụ thể tạo nguồn đoàn viên thì nơi đó vẫn phát triển được nhiều đảng viên từ đoàn viên ưu tú” – cô Lương Quỳnh Lan nói. Đồng thời nhấn mạnh, để thành công, nhà trường nhất định phải giữ mối liên hệ chặt chẽ và tạo sự thống nhất cao với phụ huynh ngay từ khi xác định rõ nguồn phát triển đảng viên là học sinh.
Hiệu trưởng trường THPT Sơn Tây đề xuất: Cấp ủy Đảng, đoàn thể cần xây dựng chỉ tiêu giới thiệu đoàn viên ưu tú để tạo nguồn kết nạp Đảng trong suốt nhiệm kỳ, đề ra phương hướng kết nạp Đảng theo từng năm, tránh gò ép hoặc chạy theo thành tích. Hàng năm, cần tổ chức tổng kết, sơ kết đánh giá, rút kinh nghiệm công tác phát triển Đảng trong học sinh.
Bên cạnh đó, cần phải có sự cộng đồng trách nhiệm, chủ động phối hợp trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, nhận thức về Đảng giữa nhà trường, địa phương và tổ chức Đoàn Thanh niên. Tổ chức Đoàn cần chủ động, linh hoạt, phát hiện nhân tố điển hình, ưu tú, tạo cơ hội cho đoàn viên phấn đấu, rèn luyện, trưởng thành, tạo nguồn kết nạp cho Đảng.
Hiệu trưởng trường THPT Quốc Oai (huyện Quốc Oai) Nguyễn Minh Châu cho rằng, nếu chỉ tập trung vào việc giải quyết, xử lý những vụ việc xảy ra với học sinh khi đã mắc khuyết điểm để răn đe sẽ không phải giải pháp tối ưu và cần làm trong nhà trường. Điều quan trọng là phải tăng cường công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho học sinh.
Làm tốt được điều này, những thói hư, tật xấu trong học sinh sẽ mất dần đi. Nhà trường cần xây dựng được môi trường giáo dục dân chủ, lành mạnh, thân thiện, để các em học sinh có cơ hội được rèn luyện, khẳng định năng lực của bản thân.
Từ thực tiễn áp dụng kế hoạch tạo nguồn, phát triển đảng viên trong học sinh của Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam, Hiệu trưởng Trần Thùy Dương cũng cho rằng, các đoàn viên ưu tú đã được học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng, các đảng viên trẻ sau khi được kết nạp cần tiếp tục rèn luyện gắn với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, củng cố xây dựng tổ chức Đoàn trường vững mạnh, trở thành những tấm gương mẫu mực để đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng trong nhà trường.
Về độ tuổi kết nạp Đảng, đối với những trường hợp học sinh ưu tú, xuất sắc trong các trường THPT, có thể xem xét linh hoạt về thời gian kết nạp Đảng cho đối tượng đặc thù này, chỉ cần đến năm đó đủ 18 tuổi (không tính tháng). Bởi trên thực tế, có những học sinh rất xuất sắc nhưng vì sinh vào tháng 9 nên nhà trường không thể xét kết nạp Đảng, làm ảnh hưởng đến quá trình phấn đấu của học sinh đó.
Để công tác phát triển Đảng trong học sinh phát triển, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Cầu Giấy Nguyễn Văn Chiến đề xuất, T.Ư có Chỉ thị hoặc hướng dẫn chi tiết về việc xem xét linh hoạt độ tuổi kết nạp Đảng cho các đối tượng là học sinh THPT (tính tròn năm chứ không tính tròn tháng).
Ngoài ra, cấp ủy cơ sở, đặc biệt là hiệu trưởng nhà trường phải thực sự quan tâm đến vấn đề này. Các thầy cô giáo, những đảng viên được phân công giúp đỡ, hướng dẫn các học sinh ưu tú phải thể hiện được vai trò, phẩm chất của đảng viên, thật sự là tấm gương để học sinh noi theo. Từ đó thu hút học sinh quan tâm đến phát triển Đảng.
Đối với cấp ủy địa phương, phải coi công tác phát triển Đảng trong học sinh là nội dung quan trọng và chỉ đạo trực tiếp thông qua ban hành các Nghị quyết, Đề án cụ thể. Cấp quận, huyện tổ chức các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng, có thể nghiên cứu tổ chức các lớp nguồn riêng cho học sinh để có cách đặt vấn đề và thời gian tổ chức lớp phù hợp với đối tượng này.
"Trong Lễ kết nạp đảng viên mới, nhà trường mời không chỉ phụ huynh của học sinh được kết nạp, mà mời tất cả các học sinh và phụ huynh đang có con đi học cảm tình Đảng và mong muốn con mình được quan tâm phát triển Đảng đến dự. Điều này để họ hiểu rõ kế hoạch, mục tiêu phát triển đảng viên trong học sinh, từ đó tạo một không khí thi đua, rèn luyện phấn đấu để trở thành đảng viên trong học sinh nhà trường." - Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam Trần Thùy Dương
(Còn nữa)