Nâng cao hiệu quả kinh tế
Thủ đô Hà Nội cùng với TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng là ba trung tâm đô thị lớn nhất của Việt Nam hiện nay và là những TP đi đầu về công tác nghiên cứu, phát triển mạng lưới đô thị thông minh.
Đô thị thông minh được hiểu theo nghĩa gắn liền với công nghệ thông tin, truyền thông và mạng lưới thiết bị kết nối qua internet để làm nền tảng xây dựng đô thị đáng sống, với quy hoạch bền vững, quản lý đô thị hiệu quả, minh bạch và có tính cạnh tranh đô thị cao về mọi mặt.
Xu thế phát triển một đô thị thông minh hiện nay tập trung vào một số chọn lọc, như: xây dựng chính quyền điện tử, quản lý đô thị, giao thông vận tải, hạ tầng, môi trường, tiết kiệm năng lượng, y tế và sức khỏe, an ninh trật tự, giáo dục, viễn thông…
Theo TS. KTS Ngô Viết Nam Sơn - Hội Kiến trúc sư Việt Nam, ở những TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng ứng dụng các giải pháp công nghệ thông minh có thể đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các yêu cầu bức thiết nhất như quản lý hạ tầng và giao thông, quản lý ngập lụt và môi trường, quản lý hành chính và chính quyền điện tử. Việc xây dựng chính quyền điện tử giúp giải quyết nhanh tất cả những thủ tục hành chính trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.
Để làm được điều này, cần phải tổ chức tốt việc quản lý, sử dụng công nghệ thông minh trên nền tảng hợp tác nhóm, giữa người tham gia công tác quản lý với cư dân phải biết sử dụng các ứng dụng thông minh; và sự hợp tác giữa các nhóm quản lý đô thị với nhau theo từng chuyên đề để đem lại hiệu quả cao trong quá trình vận hành. Và đặc biệt, để hình thành một đô thị thông minh cần phải giải quyết các vấn đề đô thị theo tư duy đa ngành. Ví dụ, có thể phối hợp thông tin khí tượng và giao thông, giúp cảnh báo phối hợp các thời điểm và khu vực có khả năng mưa bão gây ngập lụt, khả năng kẹt xe ở các tuyến đường, kèm theo các hướng dẫn cần thiết để người dân ứng phó phù hợp với nhu cầu và tình huống.
Hiện nay, tại các đô thị vấn đề hoạt động của các đơn vị chuyên môn vẫn còn theo hướng độc lập, như vậy việc áp dụng công nghệ mới chỉ hiệu quả khi việc đổi mới tư duy theo hướng đa ngành đi trước một bước, bao gồm công tác bồi dưỡng cho các cán bộ quản lý, và công tác đào tạo trong đại học và trường chuyên nghiệp.
Không chạy theo công nghệ
Việc ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển một đô thị thông minh được coi là xu thế tất yếu của quá trình toàn cầu hóa. Tuy nhiên, TS. KTS Ngô Viết Nam Sơn cũng cảnh báo rằng, với tốc độ phát triển như hiện nay thì khoa học, công nghệ thường có vòng đời ngắn và giá thành ngày càng rẻ.
Việc phát triển một đô thị thông minh không nhất thiết phải chạy theo các giải pháp công nghệ mà cần phải có sự đánh giá hiệu quả kinh tế ngắn và dài hạn để lựa chọn các giải pháp công nghệ phù hợp.
Để đảm bảo giải sự thành công và mang lại hiệu quả kinh tế cao so với vốn đầu tư trong quá trình xây dựng đô thị thông minh thì chính quyền nên lựa chọn những giải pháp công nghệ đã được ứng dụng thành công để đưa vào vận hành, tránh lựa chọn những công nghệ mới, tốn kém nhưng lại đang trong quá trình thử nghiệm, mức độ rủi ro sẽ cao hơn.
“Phát triển đô thị thông minh là tập trung vào con người và lấy con người làm chủ thể, sau đó mới đến quản lý và công nghệ, tuy nhiên việc ứng dụng công nghệ thì cũng cần phải nâng cao giá trị sinh hoạt cộng đồng và bản sắc đô thị, thay vì làm cho đô thị trở nên máy móc, vô hồn giống nhau. Để làm được như vậy, cần chú ý nghiên cứu hiện trạng kinh tế xã hội và nhu cầu sống và làm việc của người dân, để hình thành các cộng đồng sống và làm việc đa dạng, với sự hỗ trợ của nhiều cấp độ ứng dụng công nghệ thông minh ở những cộng đồng khác nhau” - TS. KTS Ngô Viết Nam Sơn nói.