Phát triển đô thị thông minh: Không thể copy nguyên mô hình của thành phố khác

Thương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 8/6, tại Hà Nội, Hội thảo quốc tế “Xây dựng đô thị thông minh - hướng tới phát triẻn bền vững” do Tạp chí Kiến trúc (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) phối hợp với Tập đoàn AkzoNobel tổ chức đã thu hút sự tham gia của đông đảo các kiến trúc sư, các nhà thiết kế, chủ đầu tư và các nhà thầu xây dựng.

Tại Hội thảo, ngoài việc giới thiệu mô hình đô thị thông minh tại Singapore, các diễn giả và khách mời đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về hiện trạng, thách thức trong phát triển đô thị thông minh bền vững ở Việt Nam hiện nay; năng lực của Việt Nam trong phát triển đô thị thông minh; các ưu tiên cần làm để triển khai thành công dự án đô thị thông minh...
Toàn cảnh buổi tọa đàm.
Cần thân thiện môi trường
Ông Larry Ng - Giám đốc phát triển kiến trúc và thiết kế đô thị Cục Tái thiết phát triển đô thị (URA) Singapore cho biết, Singapore là một trong những quốc gia tiên phong trong ứng dụng giải pháp đô thị thông minh và đã đạt được nhiều thành tựu. Năm 1960, các khu nhà của Singapore đều mang đậm chất nông thôn nhưng hiện nay đã hoàn toàn khác, các tòa nhà, khu nhà đã là công trình kiến trúc hiện đại nhưng vẫn giữ được văn hóa cổ xưa của Singapore, gần gũi với thiên nhiên và có sự kết nối giữa các công trình với nhau rất cao, tạo sự thuận lợi cho mọi hoạt động của cộng đồng.
“Nhiều khu nhà của Singapore, nếu nhìn xa giống như một khu rừng nhiệt đới. Trên các mái, bề mặt ngoài của tòa nhà đều trồng cây như khu vườn. Điều quan trọng, các công trình của Singapore hiện tại bao giờ cũng được số hóa và lưu giữ dữ liệu. Dữ liệu này như nguồn tài nguyên để giúp cho các nhà xây dựng họ có thông tin thể để thiết kế nhanh và đồng bộ hóa thiết kế thông minh và thân thiện môi trường”, ông Larry Ng chia sẻ.
Đồng tình với nhận định phát triển đô thị thông minh cần thân thiện với môi trường của ông Larry Ng, bà Pamela Phua - Tổng Giám đốc tập đoàn Sơn AkzoNobel Việt Nam cũng cho rằng, mô hình sẽ giúp quy hoạch phát triển đô thị nhằm nâng cao khả năng thích ứng với những thay đổi và phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, theo bà Pamela Phua, điều tối ưu để phát huy tính bền vững của đô thị thông minh chính là việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo để giảm lượng khí thải carbon chất thải và ô nhiễm.
“Để giúp các TP lớn giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, AkzoNobel đã nghiên cứu và cho ra mắt thế hệ sản phẩm sơn Dulux mới tự tái tạo dựa trên công nghệ nhân bản Titan Dioxit. Vừa làm sạch không khí, sản phẩm sơn này còn có thêm các tính năng đột phá là tự tẩy rửa làm giảm lớp bụi bẩn bám ở bề mặt công trình”, bà Pamela Phua cho biết.
Vẫn còn nhiều hạn chế
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Quốc Thái - Phó Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị (Bộ xây dựng) cho biết, đô thị của Việt Nam mặc dù đã được cải thiện hơn cả về chất và lượng, tuy nhiên hiện còn tồn tại, hạn chế. Đó là chất lượng tăng trưởng chưa cao; hệ thống hạ tầng chưa tương xứng với tốc độ phát triển; triển khai đầu tư phát triển đô thị còn dàn trải; khả năng ứng phó biến đổi khí hậu của các đô thị chưa cao; quản lý phát triển đô thị chưa hiệu quả.
Các đại biểu tham gia tại buổi tọa đàm.
Theo ông Thái, Việt Nam hiện có khoảng 30 TP, địa phương đang tiến hành phát triển đô thị thông minh, tiêu biểu như Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội,... Tiềm năng phát triển đô thị thông minh khá lớn. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả mô hình thì phụ thuộc rất nhiều yếu tố, từ quy hoạch, thiết chế, đầu tư, sản phẩm sử dụng,… đến quản lý, vận hành.
“Hiện, Bộ Xây dựng cũng đang đề xuất đề án “Phát triển đô thị thông minh Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Đây là Đề án quan trọng của quốc gia, cần sự tham gia tích cực của tất cả các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là các DN nhằm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao”, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị Trần Quốc Thái chia sẻ.
Được biết, Việt Nam hiện có 813 đô thị với tỉ lệ đô thị hóa đang tăng rất nhanh, khoảng 37,5%. Chỉ riêng hai đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã có dân số đô thị chiếm xấp xỉ 30% dân số đô thị trên toàn quốc. Điều này sẽ tạo nên áp lực vô cùng lớn lên hệ thống công trình cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất và không gian sống; đòi hỏi các kiến trúc sư, các nhà xây dựng phải nắm bắt, đáp ứng được xu hướng thực tế và nhu cầu sống của cộng đồng.
Về vấn đề này, trao đổi về phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam, ông Larry Ng cho rằng, phát triển đô thị thông minh không thể coppy nguyên xi của TP này sang TP khác, của đất nước này sang đất nước khác vì mỗi đất nước có điều kiện, môi trường, văn hóa khác nhau. Song, để phát triển đô thị thông minh, theo ông Larry Ng, vai trò của người đứng đầu TP rất quan trọng.
"Một đô thị thông minh bền vững là đô thị sáng tạo sử dụng ICT (công nghệ thông tin và truyền thông) và các phương tiện khác để nâng cao chất lượng cuộc sống, nâng cao hiệu quả vận hành và các dịch vụ cũng như khả năng cạnh tranh của đô thị, đồng thời đảm bảo đáp ứng được như cầu của các thế hệ hiện tại và tương lai về kinh tế, xã hội và môi trường", Phó cục trưởng Cục Phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng) Trần Quốc Thái

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần