Các chuyên gia quy hoạch đô thị khuyến nghị, trong điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô lần này, Hà Nội cần tính đến nguồn lực thực hiện và nghiên cứu đưa ra các ý tưởng quy hoạch sát với thực tiễn triển khai.
Hơn 10 năm nhưng chưa có bước tiến
Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ TTg ngày 26/7/2011 (QH 1259) đã xác định cấu trúc phát triển đô thị của Thủ đô Hà Nội theo mô hình chùm đô thị gồm khu vực đô thị trung tâm, 5 ĐTVT, các thị trấn được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia.
Nhưng do nhiều nguyên nhân dẫn đến hầu hết các ĐTVT được xác định trong QH 1259 đều cơ bản chưa có biến đổi gì trong hơn 10 năm vừa qua. Theo các chuyên gia đô thị, để giải quyết được bài toán ĐTVT phải giải quyết được những yêu cầu về kết nối giao thông, thu hút dân cư, đầu tư và các vấn đề về đất đai. Tuy nhiên, nhìn vào 5 ĐTVT của Hà Nội, tất cả những yếu tố này đều đang còn nhiều tồn tại.
Thạc sĩ, KTS Hoàng Long – Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội cho biết, để phát triển các đô thị này cần kết nối nội vùng, nhưng thực tế cho thấy liên kết giao thông trong các khu vực dự kiến phát triển ĐTVT tại Hà Nội còn rất yếu. Mật độ mạng lưới đường tại các ĐTVT mới chỉ đạt từ 1 – 1,2km/km2. Các tuyến đường hiện tại chủ yếu vẫn là đường cấp xã, thôn, quy mô mặt cắt nhỏ, chưa có tuyến đường liên kết tới các khu vực đô thị mới, dẫn tới thiếu động lực để phát triển.
Bên cạnh đó, mạng lưới vận tải công cộng chưa được hoàn thiện, hiện tại chỉ có tuyến buýt thường trên các trục đường chính như Đại lộ Thăng Long, Quốc lộ 21, Quốc lộ 1, Quốc lộ 6, Quốc lộ 32, đường Thăng Long – Nội Bài, Nhật Tân – Nội Bài...; hệ thống đường sắt đô thị chưa được đầu tư theo quy hoạch.
Việc chậm triển khai các đồ án quy hoạch phân khu đô thị tại các ĐTVT dẫn đến việc các đồ án quy hoạch chi tiết, các dự án đầu tư phát triển đô thị tại các khu vực này đều bị đình trệ. Hiện tại, ĐTVT Sơn Tây mới có 6 dự án đã được phê duyệt và đang đầu tư xây dựng. ĐTVT Sóc Sơn có khoảng 23 dự án đã và đang triển khai đầu tư xây dựng, trong đó chủ yếu là các dự án xây dựng hạ tầng xã hội, nhà ở cán bộ, nhà ở công nhân. ĐTVT Phú Xuyên, hầu hết là các dự án về giao thông, cấp nước, các cụm công nghiệp đang hoạt động.
ĐTVT Xuân Mai có khoảng trên 30 dự án, tuy nhiên đa số các dự án trong giai đoạn tạm dừng triển khai hoặc điều chỉnh. ĐTVT Hòa Lạc có khoảng 80 dự án được lập từ thời điểm trước khi sát nhập địa giới hành chính, trong đó có khoảng 13 dự án đã và đang triển khai xây dựng, 6 dự án đã có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết, 10 dự án đã giao chủ đầu tư, 18 dự án đã có quyết định giao đất, 4 dự án đã GPMB.
Về tình trạng đất đai tại các ĐTVT, tỷ lệ đất nông nghiệp vẫn chiếm đa số, hơn một nửa lao động trong các khu vực dự kiến hình thành ĐTVT vẫn đang hoạt động nông nghiệp. Các đô thị Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên được định hướng phát triển công nghiệp, công nghiệp công nghệ cao là ngành mũi nhọn. Tuy nhiên đến nay, chức năng đất công nghiệp tại các đô thị này vẫn chiếm quy mô quá nhỏ so với mục tiêu đề ra: Đô thị Hòa Lạc khoảng 126ha (định hướng 401ha); đô thị Phú Xuyên 272ha (định hướng 800ha); đô thị Xuân Mai khoảng 122ha (định hướng 223ha)...
Bên cạnh đó, ĐTVT Hòa Lạc còn là trung tâm nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với quy mô đất đào theo quy hoạch được dành ra hơn 948ha nhưng đến nay mới có trường Đại học FPT chuyển về, trường Đại học Quốc gia bắt đầu lộ trình di dời.
Để dự án đầu tư vào quỹ đạo của quy hoạch
Từ thực trạng phát triển sau hơn 10 năm, để các ĐTVT của Hà Nội có thể hình thành và phát triển thành những đô thị mới đáng sống, cần phải vượt qua nhiều thách thức rất lớn. Cụ thể, cần hoàn thiện mạng lưới vận tải nhanh, vận tải công cộng với nguồn kinh phí khổng lồ. Đồng thời, thu hút những nhà đầu tư có tâm, có tầm để xây dựng nên những trung tâm mới, đủ sức cạnh tranh với nội đô và các đô thị lân cận. Đặc biệt quan trọng hơn cả chính là tạo dựng môi trường sống lành mạnh, chất lượng cao nhằm hấp dẫn mọi đối tượng cư dân mới của đô thị.
Nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, KTS Lã Thị Kim Ngân nêu, chúng ta đã bàn rất nhiều về 5 ĐTVT nhưng hơn 10 năm qua, những hình ảnh để lại tại các khu vực này chỉ là những điểm dân cư nông thôn, những thị trấn hiện hữu và gần như không nhìn thấy cơ hội phát triển nào. Ngược lại, gần đây nhất chúng ta nhìn thấy một xu hướng đầu tư những khu đô thị nằm ra khỏi hệ thống quy hoạch ĐTVT của Hà Nội nhưng nó vẫn phát triển mạnh mẽ, có sức hấp hẫn vô cùng lớn như các Khu đô thị Ecopark, Ocean Park 1, 2, 3… tại phía Đông Hà Nội.
Từ thực tế này cho thấy, các dự án đầu tư không vào quỹ đạo của quy hoạch hay nói cách khác quy hoạch đang xa rời thực tế đầu tư. Do đó, đây là câu chuyện mà Hà Nội cần phải bàn rất sâu trong điều chỉnh quy hoạch chung lần này cũng như Chương trình phát triển đô thị đang xây dựng, nếu không thì các quy hoạch sẽ phá sản và trở thành các quy hoạch treo thực sự.
Cũng theo KTS Lã Thị Kim Ngân, chúng ta đang chạy theo nguồn lực phát triển không phải là nguồn lực công. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho các quy hoạch ĐTVT bất khả thi và cũng là cái vướng, gợi ý cho chúng ta cách làm điều chỉnh quy hoạch chung sắp tới.
“Vai trò của người làm tư vấn quy hoạch cần quyết liệt hơn nữa. Làm thế nào để những ý tưởng quy hoạch sát thực tế, chứ không phải là những ý tưởng để lại những mảnh đất rất manh mún về đầu tư, không kết nối với nhau, thiếu tính thực tiễn” - KTS Lã Thị Kim Ngân nhấn mạnh.
Về giải pháp cụ thể, Phó trưởng Phòng Quản lý quy hoạch phát triển các đô thị vệ tinh và nông thôn (Sở QH – KT Hà Nội) Lã Hồng Sơn đưa ra kiến nghị, TP cần thiết lập nhanh sự liên kết về giao thông và kinh tế. Đồng thời tập trung nguồn lực đầu tư công vào các đường Vành đai III, IV, V và các đường cao tốc nối trực tiếp tạo điều kiện liên kết.
Bên cạnh đó, TP sớm nghiên cứu ban hành chính sách hạn chế sự phát triển lan tỏa từ các đô thị trung tâm. Đặc biệt, khuyến khích thu hút đầu tư, kích thích phát triển cho các ĐTVT, tạo thành các cự phát triển mới như ĐTVT Hòa Lạc, Sóc Sơn, Phú Xuyên...
Trong quá trình triển khai lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, định hướng phát triển các quy hoạch ĐTVT cần được nghiên cứu xem xét để phù hợp với tình hình phát triển thực tế cũng như các định hướng lớn của Bộ Chính trị về phát triển Thủ đô. Về lâu dài cần có chính sách cụ thể tạo lập chính quyền đô thị tại các ĐTVT để những đô thị này thực sự có cơ hội phát triển và hình thành.
Thạc sĩ, KTS Hoàng Long – Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội