70 năm giải phóng Thủ đô

Phát triển đô thị xanh và bền vững: những mảnh ghép còn thiếu

Thành Luân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát triển đô thị hướng tới xanh và bền vững là một quá trình phức tạp, đòi hỏi sự kết hợp giữa công nghệ, môi trường và yếu tố xã hội.

Chim bồ câu tại công viên Nghĩa Đô.
Chim bồ câu tại công viên Nghĩa Đô.

Chưa được quan tâm đúng mức

Thạc sĩ, KTS Nguyễn Hoàng Linh - Bộ môn Kiến trúc cảnh quan, Khoa Kiến trúc & Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết, quá trình đô thị hóa luôn đi kèm với sự phân mảnh của cấu trúc không gian xanh thành các mảnh nhỏ, rời rạc và kém chất lượng sinh thái; sự mất đi các không gian xanh do sự chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng kĩ thuật dẫn đến hiện tượng cứng hóa bề mặt đất…

Ngày nay, người ta hiểu rõ hơn về những lợi ích đồng thời về văn hóa - xã hội đạt được từ việc chung sống hài hòa với thiên nhiên, dành thời gian trong thiên nhiên và tiếp xúc với động vật có tác dụng tích cực về sức khỏe con người và giải tỏa các vấn đề tâm lý tiêu cực của cuộc sống đô thị, hạnh phúc và cơ hội giáo dục cho trẻ em…

Những đồng lợi ích này hỗ trợ cho khái niệm phát triển “các thành phố hơn con người” với mong muốn tổ chức không gian cảnh quan đô thị không chỉ là không gian sống của riêng con người mà là nơi con người và động vật hoang dã có thể sống hòa hợp.

Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Linh, việc thực hiện và thúc đẩy tương tác giữa con người và động vật hoang dã một cách có hệ thống trong quy hoạch và thiết kế đô thị vẫn chưa phải là thông lệ vì con người đang phải đối mặt với một số thách thức lớn.

Sự khan hiếm đất đai là mối quan tâm lớn đối với nhiều thành phố hiện đại khi ưu tiên phát triển lấy con người làm trung tâm và coi động vật hoang dã là thuộc về và nhất thiết phải được bảo tồn trong các khu bảo tồn thiên nhiên dành riêng. Động vật hoang dã trong môi trường đô thị có thể gây ra nhiều phản hồi trái chiều, trong đó một số cư dân đô thị coi động vật là mối phiền toái công cộng.

"Đây vẫn là một vấn đề mới và chưa được quan tâm đúng mức trong quá trình tổ chức không gian đô thị của nước ta; là xu hướng tất yếu của thế kỉ XXI trong bối cảnh hiện nay thế giới đang phải đối mặt các vấn đề nghiêm trọng suy giảm chất lượng môi trường, hệ sinh thái, đa dạng sinh học, chất lượng không gian sống của con người… mang tính toàn cầu" - ông Nguyễn Hoàng Linh chia sẻ.

Nhiều lợi ích

Để xây dựng các chiến lược quy hoạch lồng ghép động vật hoang dã đô thị vào quy hoạch đô thị nhằm tạo ra môi trường sống cho loài động vật.

Áp lực tăng trưởng đô thị khuyến khích các nhà thiết kế khám phá cách sử dụng tối ưu thiên nhiên đô thị bằng cách tối đa hóa và tăng cường các chức năng sinh thái, tăng cường đa chức năng và hiệu quả sử dụng tài nguyên để tạo ra sự cân bằng sinh thái bất chấp mật độ đô thị cao trong một diện tích đất hữu hạn.

Một số nỗ lực khác là phục hồi lại các không gian cảnh quan tự nhiên đã mất đi của đô thị và tăng cường khả năng kết nối với các không gian tự nhiên khác của khu vực ngoại thành và vùng ven của đô thị để tạo thành một mạng lưới hệ sinh thái mở đã được vận dụng tại một số đô thị trên thế giới và chứng minh hiệu quả tích cực của nó như Dự án khôi phục dòng suối Cheonggyecheon ở Seul – Hàn Quốc, Dự án Công viên Bishan Ang Mo Kio Park (Singapore) …

Theo các chuyên gia, động vật hoang dã có thể giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu ở các thành phố. Tính đa dạng sinh học lớn hơn sẽ mang lại những lợi ích trực tiếp cho con người và cũng có thể giúp bảo vệ sức khỏe con người bằng cách kiểm soát côn trùng mang bệnh.

Đơn cử như khu vực hồ Tây trong phát triển đô thị Hà Nội mang vị trí rất quan trọng khi là hồ cảnh quan du lịch và điều hòa khí hậu cho khu vực, ngoài ra còn có chức năng bảo tồn hệ sinh vật đặc trưng. Mặc dù ở vị trí địa hình cao, nhưng hồ chính và các ao đầm trong hệ thống vẫn có khả năng điều tiết nước mưa cho một số khu vực xung quanh hồ. Việc thường xuyên trao đổi khiến nơi đây tự điều chỉnh để duy trì trạng thái cân bằng ổn định.

Thạc sĩ Lê Thúy Hà - Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia cho biết, cấu trúc không gian đô thị xanh yêu cầu bảo tồn, coi trọng cấu trúc cảnh quan tự nhiên. Xây dựng định hướng phát triển kiến trúc, cảnh quan trên cơ sở phân vùng quy hoạch gắn với đặc điểm điều kiện tự nhiên và chức năng sử dụng. Một khi đất đai mặt nước và các hệ sinh thái thiên nhiên đã chuyển đổi thì hầu như sẽ không có khả năng phục hồi.

Tại các khu vực hiện hữu, việc bảo tồn và khai thác yếu tố lịch sử, văn hóa sẽ tăng cường tính cạnh tranh của đô thị. Việc bảo tồn đi cùng với cải tạo, chỉnh trang không gian công cộng và không gian hiện hữu sẽ làm nên bản sắc đặc thù mỗi đô thị.