Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát triển dự án xanh: Tạo lập giá trị bền vững cho đô thị

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xu hướng xây dựng dự án xanh, công trình xanh đã trở thành chính sách trong quá trình đô thị hóa tại nhiều nước trên thế giới, tuy nhiên, ở Việt Nam vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức. Các chuyên gia cho rằng cần sớm có một quy định bắt buộc về những tiêu chuẩn, quy chuẩn để đưa vào thực tế.

 Công trình xanh mang lại nhiều lợi ích về kinh tế và sức khỏe.

Lợi ích kinh tế
Viện trưởng Viện Nghiên cứu định cư và năng lượng bền vững PGS.TS Nguyễn Hồng Thục cho biết, quá trình đô thị hóa nhanh đang có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội nhưng có nguy cơ để lại những hệ lụy lớn nếu như công tác quy hoạch, xây dựng hạ tầng không được quan tâm đúng mức. Việt Nam đang đứng trong top 10 nước ô nhiễm không khí ở châu Á. “Hiện nay, các công trình xây dựng tại đô thị, đặc biệt những tòa nhà cao tầng đều sử dụng loại vật liệu xây dựng truyền thống, tiêu hao năng lượng lớn, có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vì vậy, hướng phát triển bền vững là phải có những dự án xanh, công trình xây dựng xanh” – bà Thục cho hay.
Nhiều quốc gia phát triển đã lựa chọn phát triển công trình xanh, vì thực tế các dự án xanh, công trình xanh đã chứng minh được lợi ích và giá trị lâu dài về kinh tế. Ngoài ra, còn bảo vệ sức khỏe người dân, tiết kiệm nguồn tài nguyên, năng lượng, bảo vệ môi trường.
KTS Nguyễn Văn Thanh Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam 
Theo KTS Trần Huy Ánh – Hội KTS Hà Nội, việc phát triển công trình xanh không chỉ có lợi ích về sức khỏe cho con người mà còn mang lại lợi ích lớn về kinh tế. Theo tính toán của các nước phát triển, những công trình xanh thường tiết giảm được khoảng 30% phát thải khí nhà kính, khí ô nhiễm của ngành xây dựng, nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu và mưa axit. “Bên cạnh đó, chi phí đầu tư công trình xanh giảm từ 10 – 15% so với công trình xây dựng thông thường và chi phí vận hành cũng giảm từ 20 – 30%. Vì vậy, các dự án xanh càng vận hành lâu dài thì lợi ích kinh tế và tiết kiệm được chi phí vận hành càng lớn” – KTS Trần Huy Ánh cho hay.
Trên thực tế, năng lượng cấp cho nhà ở tại Việt Nam đang chiếm tới 90% sản lượng năng lượng công trình. Vì vậy, công trình xanh sẽ góp phần giảm phát thải CO2 và giữ cam kết với quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính.
Kinh nghiệm từ quốc tế
Nguyên Chủ tịch Hội Môi trường xây dựng Việt Nam, PGS.TS Phạm Ngọc Đăng cho biết, xu hướng phát triển công trình xanh được khởi đầu từ năm 1990 ở Anh và năm 1991 ở Mỹ. Năm 1993, nó đã trở thành trào lưu phát triển ở Mỹ, Canada và đến nay đã lan ra hơn 100 nước. Ở châu Á, Singapore là nước dẫn đầu về phát triển công trình xanh. Từ năm 2008, tất cả các công trình xây dựng mới hay cải tạo nâng cấp có diện tích từ 2.000m2 trở lên ở Singapore đều được thiết kế và xây dựng theo tiêu chí công trình xanh. Mục tiêu đến năm 2030 tối thiểu 80% các công trình xây dựng phải tiết kiệm khoảng 35% năng lượng so với năm 2005. “Ở hầu hết các nước phát triển, công trình, dự án xanh đều được quy định thành luật và có chính sách ưu đãi. Theo đó, Chính phủ sẽ giảm thuế để thiết kế và xây dựng các công trình tiết kiệm năng lượng” – PGS.TS Phạm Ngọc Đăng nói.
Cũng theo PGS.TS Phạm Ngọc Đăng, muốn phát triển công trình xanh, Nhà nước cần phải ban hành đầy đủ các văn bản pháp luật có liên quan để phát triển như tiêu chí, quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế xây dựng. Thực hiện chính sách bắt buộc các công trình được đầu tư bằng vốn ngân sách phải xây dựng theo tiêu chí xanh. Ngoài ra, phải có chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư cũng như người mua công trình xanh được ưu tiên vay vốn với lãi suất thấp, được giảm trừ một số loại thuế. Cùng với đó, cho phép xây dựng tăng thêm diện tích sàn hoặc số tầng nhà đối với các công trình xanh...
Đồng quan điểm, theo Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu, các cơ quan chức năng cần phải có văn bản hướng dẫn cụ thể khi lập và triển khai thực hiện quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị, vật liệu xây dựng cùng các giải pháp kỹ thuật, quản lý nhằm đảm bảo tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, bảo vệ môi trường. “Các DN, chủ đầu tư, chủ sở hữu BĐS, đơn vị tư vấn, thiết kế, nhà thầu xây dựng, đơn vị thi công, cung cấp vật liệu xây dựng… sẽ căn cứ vào những quy định để phát triển dự án, sản phẩm của mình” – ông Lê Hoàng Châu cho hay.