Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát triển du lịch làng nghề: Thiếu chiến lược dài hơi

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, hiện Việt Nam có 3.000 làng nghề, trong đó 400 làng nghề truyền thống với nhiều sản phẩm thủ công độc đáo. Nhưng việc xây dựng khai thác du lịch làng nghề chưa xứng với tiềm năng vốn có do thiếu chiến lược phát triển dài hơi.

Theo bà Đào Thu Vịnh, Phó Giám đốc Sở Công Thương, Hà Nội có 272 làng nghề được công nhận làng nghề truyền thống, rất thuận lợi cho các công ty lữ hành đầu tư, xây dựng những tour, tuyến du lịch. Tuy nhiên, ngoại trừ một số làng nghề được điểm tên như Bát Tràng, Vạn Phúc..., nhiều  làng nghề khác bị bỏ quên. Thậm chí, một số cụm làng nghề như: Mây tre đan ở Chương Mỹ, khảm trai Chuyên Mỹ, thêu Quất Động, nón làng Chuông, sơn mài Hạ Thái... đã được UBND TP Hà Nội đầu tư phát triển du lịch từ những năm 2003 - 2004, có tên trong tour của các hãng lữ hành, song lượng khách tham gia tour tham quan làng nghề khá thưa thớt.
 
Phát triển du lịch làng nghề: Thiếu chiến lược dài hơi - Ảnh 1

Khách du lịch mua sản phẩm lưu niệm của làng nghề Bát Tràng. Ảnh: Hoài Nam

Nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chính khiến du lịch làng nghề chưa phát triển do chưa được quan tâm đầu tư đúng mức và do các làng nghề đều tập trung vào sản xuất hàng hóa thuần túy, chưa gắn kết với du lịch. Tại không ít điểm du lịch làng nghề, du khách không muốn đến lần hai, vì đến đâu cũng thấy những quà lưu niệm như vòng đeo tay, dây đeo giống hệt nhau. Bên cạnh đó, tình trạng người dân thiếu kiến thức về du lịch, không được học cách tiếp khách du lịch và không biết ngoại ngữ cũng là một vấn đề nan giải, cần sớm khắc phục.

Ông Hoàng Hoa Quân, Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) cho rằng, để phát triển loại hình du lịch này, Nhà nước cần tập trung đầu tư hạ tầng từ các nguồn vốn khác nhau, nhằm khai thác có hiệu quả kinh tế du lịch tại các vùng có làng nghề truyền thống; Xây dựng các khu trưng bày giới thiệu sản phẩm, sản xuất thử nghiệm cho khách tự tham gia. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Diệp Kỉnh Tần, hiện làng nghề do Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương cùng phụ trách, nhưng về lâu dài nên giao cho Bộ VHTT&DL quản lý, bởi sản phẩm làng nghề chủ yếu phục vụ cho du lịch. Trước mắt, các địa phương có làng nghề cần tập trung vào những sản phẩm chủ lực, "làm điểm" để tạo ra những sản phẩm làng nghề mang thương hiệu quốc gia, sau đó nhân rộng mô hình trên toàn quốc; Doanh nghiệp du lịch sớm  hợp tác với các làng nghề xây dựng điểm đến trong các tour của mình.

Để tạo được mối liên kết lâu dài và hiệu quả, các ngành chức năng cần đẩy mạnh việc quy hoạch, xây dựng các tuyến, điểm du lịch gắn với làng nghề một cách hợp lý, hỗ trợ làng nghề khôi phục, phát triển các nghề truyền thống. Bên cạnh đó, ngành du lịch tập trung tổ chức quảng bá về các làng nghề, sản phẩm làng nghề và các nghệ nhân của làng nghề nằm trong các tuyến du lịch.