Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát triển du lịch nông thôn, sản phẩm OCOP không chỉ vì lợi ích kinh tế

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã nhấn mạnh như trên khi phát biểu tại Hội nghị triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), và Chương trình Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, tổ chức sáng 9/9.

Tác động tích cực, đậm nét đến kinh tế nông thôn

Sau hơn 4 năm triển khai Quyết định số 490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình OCOP đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ. Đến hết tháng 8/2022, cả nước đã có 8.478 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên; trong đó có 65,4% sản phẩm 3 sao, 33,4% sản phẩm 4 sao, 1,0% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 0,2 % sản phẩm 5 sao.

Chương trình OCOP đã thu hút sự tham gia của hơn 4.351 chủ thể; trong đó có 38,3% là hợp tác xã, 26,1% là doanh nghiệp, 33,3% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là các tổ hợp tác. Riêng tại Hà Nội, hơn 3 năm qua, toàn TP đã đánh giá, phân hạng được hơn 1.600 sản phẩm OCOP, là địa phương dẫn đầu của cả nước trong phát triển Chương trình OCOP.

Sản phẩm OCOP của Hà Nội tham gia trưng bày, giới thiệu tại một hội chợ. Ảnh: Lâm Nguyễn.
Sản phẩm OCOP của Hà Nội tham gia trưng bày, giới thiệu tại một hội chợ. Ảnh: Lâm Nguyễn.

Theo Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương Ngô Trường Sơn, Chương trình OCOP đã có những tác động tích cực, đậm nét đến phát triển kinh tế nông thôn, góp phần khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng miền. Từ đó hình thành các sản phẩm OCOP tích hợp đa giá trị, gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch.

Thông qua Chương trình, nhiều địa phương đã quy hoạch được các vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn, hình thành nhiều sản phẩm OCOP gắn với vai trò như một “đại sứ” chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của vùng miền.

Đặc biệt, nhiều địa phương đã chủ động phát triển được những nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn và điểm du lịch. Đến nay, các tỉnh, TP trên cả nước đã đánh giá, công nhận được tổng số 65 sản phẩm OCOP thuộc nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, điểm du lịch nông thôn.

Tiếp tục phát huy nội lực, tiềm năng của nông thôn

Trên cơ sở những kết quả đạt được của Chương trình OCOP giai đoạn 2019 – 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 919/QĐ-TTg và Quyết định số 922/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình OCOP và Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Hiện, Bộ NN&PTNT đang dự thảo Kế hoạch, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, triển khai hai Chương trình. 

Theo Quyết định số 919/QĐ-TTg, trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, Chương trình OCOP tiếp tục được xác định là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; phát huy tính chủ động, sáng tạo, tinh thần hợp tác của các chủ thể và cộng đồng để phát triển sản phẩm OCOP, gắn với mục tiêu tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt ở vùng miền núi, đồng bào dân tộc khó khăn.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ cùng các đại biểu bên lề hội nghị.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ cùng các đại biểu bên lề hội nghị.

“Bên cạnh những giải pháp về tuyên truyền, truyền thông, tinh thần chung của Quyết định số 919/QĐ-TTg là việc tổ chức triển khai Chương trình OCOP cần linh hoạt, phù hợp theo hướng phát triển chuỗi giá trị sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu địa phương. Trong đó, tập trung phát triển các đặc sản; đẩy mạnh phát triển sản phẩm chế biến, chế biến sâu gắn với vùng nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa…” - Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương Trần Nhật Lam nhấn mạnh. 

 

“Để  thúc đẩy  Chương trình OCOP, tỉnh cũng đề nghị Bộ NN&PTNT sớm trình Trung ương hoàn thiện, ban hành bộ tiêu chí đánh giá sản phẩm OCOP, nhất là các sản phẩm 5 sao. Đồng thời, xây dựng kế hoạch để tổ chức chương trình truyền thông tổng thể về chương trình OCOP Quốc gia...”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, đó là tập trung phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân nông thôn; chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn. Do vậy, Chương trình Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 được xác định là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới.

Theo Bộ NN&PTNT, mục tiêu của Chương trình là đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương. Từ đó, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững.

Đưa cảm xúc vào sản phẩm du lịch, OCOP

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, nếu đô thị là nơi so sánh đẳng cấp văn minh giữa các quốc gia, thì nông thôn là nơi so sánh sự đa dạng và giá trị bản sắc của mỗi dân tộc. Điều này đặt ra yêu cầu nhiệm vụ phát triển nông thôn; ở đó trách nhiệm không chỉ thuộc về Bộ NN&PTNT mà còn của tất cả bộ ngành, địa phương…

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhìn nhận kết quả thực hiện Chương trình OCOP thời gian qua là đáng khích lệ, nhưng chưa có gì bảo đảm thành công lâu dài trong một thế giới cạnh tranh. “Thời đại ngày nay là ''bi kịch của người sản xuất''. Nói vậy là vì có quá nhiều sản phẩm tương đồng để người tiêu dùng lựa chọn. Trà hoa vàng tưởng là đặc sản riêng có của Quảng Ninh, nhưng ở Bắc Kạn, Hà Nội nay cũng có…” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại hội nghị.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại hội nghị.

Tư lệnh ngành nông nghiệp cũng cho rằng các chủ thể cần chuyển từ tư duy sản lượng sang tư duy chất lượng, nhằm nâng cao giá trị cho sản phẩm OCOP. Tích hợp đa dạng sản phẩm để chia sẻ lợi ích, từ đó tạo dựng được một cộng đồng đoàn kết trong liên kết sản xuất - tiêu thụ nông đặc sản.

“Tôi đề nghị sắp tới, khi đánh giá, chấm điểm sản phẩm OCOP, các địa phương cần chú trọng nhiều hơn đến yếu tố cộng đồng, bởi mục tiêu cốt lõi của Chương trình OCOP là tạo việc làm cho nhiều hơn người lao động, có tính bao trùm và gắn kết cộng đồng cao hơn…” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, sản phẩm OCOP muốn có giá trị cao cần phải tinh xảo, đặc biệt là tạo được cảm xúc cho người tiêu dùng. Chỉ khi sản phẩm tạo ra được sự khác biệt thì mới có thể mang lại giá trị vượt trội, giúp cải thiện đời sống cho người dân…

Tư lệnh ngành nông nghiệp cũng nhấn mạnh, du lịch cộng đồng phải mang lại cho du khách những trải nghiệm về cuộc sống địa phương. Phát triển du lịch nông thôn không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn là trách nhiệm, niềm tự hào quê hương, xứ sở.

“Nông dân thiếu nhiều thứ nhưng có thừa thời gian, do đó các địa phương cần chú trọng, đầu tư phát triển thêm nhiều sản phẩm OCOP, gắn với phát triển du lịch cộng đồng, điểm du lịch nông thôn. Phải làm sao để thu nhập của người nông dân không chỉ trông vào sản phẩm nông nghiệp mà còn từ đa dạng các ngành nghề dịch vụ nông thôn…” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh. 

 

“Hiện nay đa số các mô hình du lịch nông thôn đều có hạn chế về giao thông, kỹ năng nghiệp vụ làm du lịch; do đó rất cần sự hỗ trợ của các bộ ngành Trung ương, chính quyền địa phương. Đối với chương trình phát triển du lịch nông thôn, cần đầu tư nâng cấp các sản phẩm du lịch nông thôn theo hướng đa dạng, sáng tạo, phù hợp với thị trường, trong đó chú trọng thêm về nhóm sản phẩm chăm sóc sức khoẻ. Từ đó tăng chi tiêu và thời gian lưu trú của du khách tại các điểm du lịch nông thôn…”.

Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương