Sửa đổi Luật Thủ đô:

Phát triển đường sắt đô thị kết nối đến các đô thị trong Vùng Thủ đô

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để hoàn thiện hơn quy định cho phép Hà Nội huy động nguồn lực từ đất phát triển đường sắt đô thị, đại biểu Đỗ Đức Hiển cho rằng, cần xem xét quy định mở rộng việc thực hiện TOD không chỉ trên địa bàn TP mà còn kết nối đến các đô thị trong Vùng Thủ đô.

Với tinh thần kiến tạo một nền tảng thể chế hoàn chỉnh hơn để phát huy được những giá trị lịch sử, qua đó phát triển Thủ đô bền vững, mạnh mẽ hơn, đại biểu Đỗ Đức Hiển (Đoàn TP Hồ Chí Minh) - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã tham gia một số ý kiến nhằm tiếp tục hoàn thiện Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Thủ đô là “trái tim” của cả nước

Theo đại biểu Đỗ Đức Hiển, Luật Thủ đô là đạo luật đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc. Việc sửa đổi Luật một mặt phải bám sát các cơ sở chính trị về xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Mặt khác phải giải quyết được những vấn đề thực tiễn đang đặt ra trong xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô thông qua các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù, đặc biệt, vượt trội, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ nhưng cũng giao trách nhiệm lớn cho chính quyền Thủ đô trong xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô.

Đại biểu Đỗ Đức Hiển (Đoàn TP Hồ Chí Minh) - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội
Đại biểu Đỗ Đức Hiển (Đoàn TP Hồ Chí Minh) - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Là công dân của Thủ đô và cũng là người làm công tác pháp luật, cá nhân đại biểu thấy rất phấn khởi, bởi dự án Luật lần này được chuẩn bị kỹ, với phạm vi điều chỉnh khá toàn diện, bao quát nhiều lĩnh vực. Các cơ chế, chính sách được thiết kế khá rõ ràng, trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp của Luật Thủ đô hiện hành, luật hóa các nội dung đã, đang thí điểm tại Hà Nội và một số địa phương khác, đồng thời có những chính sách để thực hiện nhiệm vụ của Thủ đô với tư cách là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, là “trái tim” của cả nước.

Bảo đảm nguồn lực bộ máy, con người để thực hiện trên tinh thần cải cách hành chính

Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), về tổ chức chính quyền đô thị, đại biểu Đỗ Đức Hiển cho hay, so với Luật Thủ đô hiện hành và Pháp lệnh Thủ đô năm 2000, một trong những điểm mới quan trọng của dự thảo Luật Thủ đô là việc bổ sung các quy định về “Chính quyền tại Thủ đô” tại Chương II, tập trung vào 2 nhóm nội dung: (1) Luật hóa mô hình chính quyền đô thị và bổ sung các nhiệm vụ, quyền hạn dành riêng cho các cấp chính quyền Hà Nội về tổ chức bộ máy khác với các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương; (2) Bổ sung quy định đặc thù về biên chế và chế độ công vụ, công chức trên địa bàn thành phố.

Có thể thấy rằng, các quy định này thể hiện khá rõ yêu cầu của việc xây dựng Luật lần này là không chỉ chú trọng các chính sách, cơ chế ưu đãi cho Hà Nội mà còn phải bảo đảm cả về nguồn lực về bộ máy, con người để thực hiện trên tinh thần cải cách hành chính.

Cơ bản tán thành các quy định trên của dự thảo Luật, đại biểu Đỗ Đức Hiển đề nghị, đối với việc giao Thường trực HĐND Thành phố Hà Nội thực hiện một số nhiệm vụ trong thời gian HĐND Thành phố không họp (khoản 4 Điều 9), cần bổ sung về cơ chế kiểm tra, giám sát và trách nhiệm của Thường trực HĐND Thành phố khi ra quyết định, tránh lạm dụng. Riêng đối với việc quyết định sử dụng ngân sách Hà Nội để hỗ trợ một số hoạt động quy định tại điểm d khoản 1 Điều 36 của dự thảo Luật, cần cân nhắc bổ sung quy định về giới hạn về định mức hỗ trợ cụ thể để bảo đảm chặt chẽ, khả thi.

Các cơ quan, đơn vị tự quyết định việc sử dụng hợp đồng lao động

Liên quan quy định Hà Nội được tăng thêm biên chế từ nguồn biên chế dự phòng (điểm b khoản 1 Điều 9) và quy định cho phép người đứng đầu cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính khác thuộc UBND Thành phố, Chủ tịch UBND cấp quận, huyện được ký hợp đồng có thời hạn với người đáp ứng các điều kiện chuyên môn, nghiệp vụ theo vị trí việc làm (tại khoản 2 Điều 16), theo đại biểu Đỗ Đức Hiển, cần báo cáo cơ quan có thẩm quyền và nghiên cứu chỉnh lý các quy định này theo hướng cho phép Hà Nội được thực hiện như tinh thần tại khoản 2 Điều 16 nhưng cần bổ sung quy định trách nhiệm của HĐND Thành phố trong việc xác định lĩnh vực, vị trí việc làm cần được tăng cường nguồn lực thông qua hình thức hợp đồng. Đồng thời, quy định khống chế một tỷ lệ nhất định trong tổng ngân sách chi thường xuyên của từng cấp để phục vụ cho mục đích này.

Với cách quy định này, căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ trong từng thời kỳ, chính quyền Hà Nội sẽ chủ động quyết định số lượng người làm việc cụ thể của cơ quan, đơn vị trên địa bàn một cách linh hoạt, minh bạch hơn và không làm ảnh hưởng tiêu cực đến ngân sách nhà nước; đồng thời cũng phù hợp với chủ trương được xác định tại Kết luận số 40-KL/TW của Bộ Chính trị. Theo đó, ngoài số biên chế đã được xác định ổn định cho mỗi giai đoạn 5 năm, các cơ quan, tổ chức, đơn vị tự quyết định việc sử dụng hợp đồng lao động và trả lương, phụ cấp cho lao động hợp đồng theo quy định từ ngân sách chi thường xuyên của cơ quan, đơn vị. Trong trường hợp cần thiết cần tăng biên chế từ nguồn dự phòng, chính quyền Hà Nội báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định hiện hành của Đảng.

Nhằm hoàn thiện hơn quy định cho phép Hà Nội huy động nguồn lực từ đất để phát triển đường sắt đô thị, đại biểu Đỗ Đức Hiển đề xuất, cần xem xét quy định mở rộng việc thực hiện TOD không chỉ trên địa bàn Thủ đô mà còn kết nối đến các đô thị trong Vùng Thủ đô
Nhằm hoàn thiện hơn quy định cho phép Hà Nội huy động nguồn lực từ đất để phát triển đường sắt đô thị, đại biểu Đỗ Đức Hiển đề xuất, cần xem xét quy định mở rộng việc thực hiện TOD không chỉ trên địa bàn Thủ đô mà còn kết nối đến các đô thị trong Vùng Thủ đô

Xem xét quy định mở rộng việc thực hiện TOD

Nhằm hoàn thiện hơn quy định cho phép Hà Nội huy động nguồn lực từ đất để phát triển đường sắt đô thị, đại biểu Đỗ Đức Hiển đề xuất, cần xem xét quy định mở rộng việc thực hiện TOD không chỉ trên địa bàn Thủ đô mà còn kết nối đến các đô thị trong Vùng Thủ đô.

Bên cạnh đó, cần quy định cho phép đấu thầu dự án có sử dụng đất tại khu vực TOD để lựa chọn chủ đầu tư phù hợp với quy định của Luật Đất đai; đấu giá, đấu thầu phần diện tích không gian ngầm, không gian trên cao đã đầu tư hạ tầng để tăng khả năng thu hồi giá trị gia tăng khi quy hoạch tại khu vực TOD cho phép tăng mật độ xây dựng không gian trên cao và không gian ngầm…