Đối diện nhiều thách thức
Định hướng phát triển ĐSĐT cho Hà Nội đã được vạch ra từ lâu, cụ thể hóa Quy hoạch GTVT Thủ đô, các nghị quyết, chỉ thị của Bộ Chính trị, Chính phủ… Trên cơ sở đó, hệ thống ĐSĐT Hà Nội đã từng bước được thiết lập, hình thành.
Thành phố Hà Nội đã nghiên cứu, triển khai đầu tư một số tuyến ĐSĐT, trong đó đã hoàn thành tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông đưa vào khai thác phục vụ Nhân dân và dự kiến sắp vận hành tuyến ĐSĐT, đoạn trên cao đoạn Nhổn - Cầu Giấy.
Tuy nhiên, do ĐSĐT là loại hình đầu tư mới, phức tạp nên công tác triển khai còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Ví dụ như: hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, tồn tại nhiều khoảng trống và sự chồng chéo trong các quy định; quy hoạch ĐSĐT chưa đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất, thiếu kết nối với phát triển đô thị, phát triển liên vùng.
Nguồn lực đầu tư phụ thuộc chủ yếu vào vốn vay ODA dẫn đến bị ràng buộc về cơ chế, công nghệ, máy móc, thiết bị. Các dự án đầu tư xây dựng thường xuyên bị kéo dài thời gian thực hiện, đặc biệt là công tác GPMB, dẫn đến đội vốn, lãng phí; Chưa có cơ chế khuyến khích phát triển ngành công nghiệp đường sắt trong nước.
Nguyên nhân chủ yếu do nhận thức của một số cấp uỷ, tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội, một bộ phận cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của ĐSĐT chưa sâu sắc, đầy đủ.
Thiếu sự đồng bộ trong công tác phối hợp triển khai chiến lược, kế hoạch phát triển các dự án đầu tư ĐSĐT. Chưa có tổng kết, đánh giá, nghiên cứu đầy đủ để xác định các nhiệm vụ, giải pháp tổng thể phát triển ĐSĐT. Cơ chế, kiểm tra, giám sát, xử lý trách nhiệm đối với các cấp, các ngành trong tổ chức thực hiện các dự án ĐSĐT chưa hiệu quả, chưa sâu sát.
Để kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển ĐSĐT; Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã đề ra những mục tiêu rất cụ thể, đúng và trúng trọng tâm, tạo nên nguồn lực chính sách mạnh mẽ cho ĐSĐT.
Thành ủy Hà Nội đã yêu cầu phải thống nhất nhận thức của cả hệ thống chính trị về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, sự cần thiết phát triển ĐSĐT. Trong đó xác định ĐSĐT là xương sống của mạng lưới vận tải hành khách công cộng, cần phải tập trung, ưu tiên phát triển nhanh và đồng bộ, góp phần phát triển kinh tế- xã hội, phát triển đô thị gắn với bảo vệ môi trường, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tạo các động lực phát triển liên kết vùng Thủ đô.
Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và hoạt động kiểm tra, giám sát trong công tác phát triển giao thông ĐSĐT; bám sát định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Kết luận số 49 - KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị, các chiến lược, kế hoạch, chương trình hành động của Chính phủ về phát triển ĐSĐT để chủ động tham mưu, tổ chức thực hiện có hiệu quả.
Huy động tối đa mọi nguồn lực, đa dạng hóa phương thức đầu tư hệ thống ĐSĐT theo hướng hiện đại, dần tiếp cận công nghệ tiên tiến của thế giới với giá thành, chi phí hợp lý. Khuyến khích các DN trong nước tham gia phát triển ngành công nghiệp đường sắt, từng bước thu hẹp khoảng cách, tiến tới tự chủ về công nghệ và nguồn nhân lực.
Đổi mới bắt đầu từ tư duy
Mới đây Ban Cán sự Đảng UBND thành phố Hà Nội đã hoàn thành chương trình mục tiêu với 7 nhóm giải pháp phát triển ĐSĐT.
Thứ nhất là phải đổi mới tư duy trong lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận rộng rãi và quyết tâm cao của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, DN và người dân về vai trò, tầm quan trọng, sự cần thiết phát triển ĐSĐT.
Đổi mới tư duy phải thể hiện rõ qua việc cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, quán triệt, thực hiện tốt phương châm “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình và rõ hiệu quả”.
Thứ hai là phải chủ động phối hợp với các cấp, các ngành của T.Ư để rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách, quy định có liên quan nhằm tháo gỡ các nút thắt, khơi thông nguồn lực tham gia đầu tư ĐSĐT bằng nhiều phương thức và hình thức khác nhau.
Thứ ba là rà soát và cập nhật điều chỉnh bổ sung quy hoạch mạng lưới ĐSĐT cùng với việc lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Đặc biệt chú trọng nghiên cứu, đề xuất áp dụng mô hình TOD trong quy hoạch để khai thác, sử dụng hiệu quả giá trị quỹ đất, không gian ngầm tại khu vực xung quanh các nhà ga, depot, đồng thời bảo tồn, phát huy giá trị các công trình lịch sử, văn hóa tại khu vực có ĐSĐT.
Thứ tư là lập Đề án tổng thể về đầu tư xây dựng ĐSĐT để tổng kết, đánh giá kết quả đạt được trong công tác quy hoạch, xây dựng làm cơ sở xây dựng chương trình, chiến lược, kế hoạch phát triển hệ thống ĐSĐT.
Nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, lộ trình phát triển mô hình TOD cho các tuyến ĐSĐT trên địa bàn Thành phố; trước mắt, lựa chọn áp dụng thí điểm tại một số tuyến ĐSĐT để vừa làm vừa tổng kết, hoàn thiện chiến lược phát triển TOD của Thủ đô.
Thứ năm là rà soát, kiện toàn hệ thống tổ chức, bộ máy các Ban QLDA đầu tư, đơn vị quản lý, khai thác các tuyến ĐSĐT bảo đảm tập trung nguồn lực để nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ quản lý, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia công tác phát triển ĐSĐT.
Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các chủ thể tham gia đầu tư ĐSĐT; giữa các cơ quan T.Ư với Thành phố, giữa chủ đầu tư và UBND các quận, huyện, thị xã trong quá trình lập, triển khai dự án ĐSĐT, đặc biệt là công tác GPMB.
Thứ sáu là đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, đa dạng hoá liên kết, hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực ĐSĐT để học tập, chia sẻ kinh nghiệm. Xây dựng chính sách khuyến khích, thu hút các tập đoàn, công ty quốc tế về sản xuất, cung cấp phương tiện, trang thiết bị ĐSĐT, thiết lập các cơ sở sản xuất đặt tại Việt Nam và tiến hành chuyển giao khoa học công nghệ cho DN trong nước.
Nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện khung tiêu chuẩn kỹ thuật, hệ thống định mức thống nhất cho các dự án ĐSĐT đảm bảo sự đồng bộ, khả năng tích hợp các tuyến ĐSĐT để nâng cao hiệu quả đầu tư, giảm chi phí vận hành, bảo trì. Ưu tiên thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động đầu tư xây dựng, quản lý, bảo trì, khai thác kết cấu hạ tầng và phương tiện kinh doanh vận tải ĐSĐT.
Thứ bảy là hàng năm, tổ chức tổng kết, đánh giá để kịp thời biểu dương, khen thưởng các cán bộ có sáng kiến, giải pháp sáng tạo, đột phá trong quá trình triển khai, thực hiện. Đồng thời có biện pháp kiểm điểm, xử lý nghiêm minh những hành vi tham nhũng, lãng phí, thiếu trách nhiệm gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển ĐSĐT của Thủ đô.