Phát triển giao thông công cộng hiện đại: Giảm ùn tắc, bớt phương tiện cá nhân

Nguyễn Văn Dư - Chuyên gia tư vấn cao cấp DÁ cải thiện giao thông công cộng HN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để hạn chế phương tiện cá nhân, thay đổi tập quán đi lại của đại bộ phận người dân, nhằm kéo giảm UTGT và ô nhiễm môi trường, cần phát triển hệ thống giao thông cộng cộng (GTCC) hiện đại, đủ năng lực đáp ứng và quan trọng là đủ sức thu hút người dân.

Bức tranh nhiều khoảng tối
Trong bối cảnh kinh tế - xã hội phát triển, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, đời sống dân sinh được cải thiện, quy mô dân số của Hà Nội ngày càng lớn do di dân từ các địa phương lân cận đến làm việc, sinh sống. Kéo theo đó là nhu cầu đi lại ngày càng cao, phương tiện xe máy tăng vọt trong khi hạ tầng chưa đáp ứng được thực tế. Giai đoạn 2011 - 2016, tốc độ tăng về chiều dài đường đô thị là 3,85%/năm, diện tích đường tăng 0,25%/năm, còn ôtô tăng 10,2%/năm, xe máy tăng 6,7%/năm. Đến nay, Hà Nội đã có xấp xỉ 5,5 triệu xe máy, 500.000 ôtô, chưa kể khoảng trên 1 triệu phương tiện ngoại tỉnh thường xuyên tham gia giao thông trên địa bàn TP.

Nhà chờ dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đang được hoàn thiện. Ảnh: Phạm Hùng

GTCC đã có nhiều khởi sắc, nhưng mới phục vụ được trên 10% nhu cầu đi lại của toàn TP, chưa đáp ứng được vai trò chủ lực trong mạng lưới GTVT Thủ đô. Bên cạnh đó, xe buýt chưa đủ sức hấp dẫn, nên đa phần người dân vẫn lựa chọn xe máy là phương tiện chính lưu thông hàng ngày. Mặt khác, ý thức chấp hành kỷ cương, luật lệ giao thông, văn hóa giao thông của một bộ phận không nhỏ người dân hiện vẫn còn thấp, lỏng lẻo. Chính sự thiếu ý thức này cũng là một “vấn nạn” của giao thông, tạo ra những hệ lụy như: UTGT, ô nhiễm môi trường, mất ATGT. Có thể nói, bức tranh giao thông của Hà Nội đang nổi lên với một đặc thù, không giống với bất cứ TP nào trên thế giới, là lượng xe máy quá lớn, ảnh hưởng tiêu cực đến cả giao thông lẫn môi trường sống của Thủ đô.

Đồng bộ các giải pháp

Trước tình hình đó, sự ra đời của Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm UTGT và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến 2030” rất kịp thời và hợp lý. Với xu thế vùng đô thị của Thủ đô ngày càng được mở rộng và hoàn thiện, các chức năng đô thị như nơi ở, nơi làm việc và học tập ngày càng có khoảng cách xa nhau là điều tất yếu dẫn đến nhu cầu đi lại ngày càng lớn.

Để thực hiện Đề án và nỗ lực xây dựng hệ thống giao thông văn minh, hiện đại, không ùn tắc và ô nhiễm một cách bền vững, trước hết cần phát triển hạ tầng giao thông cân đối với xây dựng đô thị trong điều kiện có thể. TP cần tập trung nguồn lực, mở rộng, nâng cấp các tuyến đường, xây thêm cầu vượt, cải tạo một số nút giao thông, tăng thêm diện tích dành cho giao thông (kể cả động và tĩnh). Song hành với đó, cần chú trọng vào việc phát triển hệ thống giao thông thông minh phục vụ điều hành tổ chức và xử lý vi phạm giao thông.

Đối với GTCC, cần đẩy nhanh tiến độ đưa vào sử dụng hệ thống vận tải khối lượng lớn, bổ sung mạnh mạng lưới BRT, các loại phương tiện to và nhỏ, có mật độ dày hơn, được ưu tiên trong điều hành và tổ chức giao thông sao cho mọi người có thể tiếp cận với GTCC dễ dàng (không quá 300 - 500m), thời gian chờ đợi không quá 5 - 10 phút kể cả chuyển tuyến. Bổ sung các tuyến xe buýt nhỏ để vận chuyển hành khách tiếp cận với phương tiện vận tải khối lượng lớn và các bến xe chạy đường. Tăng thời lượng phục vụ của xe buýt để mọi người có thể không những đi làm mà có thể đi chơi, phục vụ sinh hoạt bình thường bằng GTCC. Nếu chỉ có một vài tuyến vận tải khối lượng lớn và BRT thì mới chỉ đủ để làm “hình mẫu” chứ chưa phát huy được tác dụng của GTCC.

Xây dựng văn hóa giao thông

Nên coi cuộc đấu tranh chống ùn tắc và giảm TNGT giống như một “cuộc chiến”, một cuộc “cách mạng” thực sự mà muốn giành thắng lợi, nhất thiết phải xây dựng bằng được văn hóa giao thông. Văn hóa giao thông trước hết là xây dựng được ý thức tự giác chấp hành luật lệ về trật tự ATGT.

Chúng ta phải xây dựng văn hóa giao thông xuất phát từ văn hóa truyền thống kết hợp với giao thông hiện đại và phù hợp với tập quán quốc tế trên cả 3 lĩnh vực: Đề cao thực hiện nghiêm pháp luật giao thông, xử lý nghiêm tất cả các trường hợp vi phạm luật; Xây dựng thói quen nhường nhịn, tôn trọng lẫn nhau khi tham gia giao thông; Tuyên truyền luật lệ giao thông sâu rộng cho người dân. Nếu không có văn hóa trong giao thông, không chấp hành luật lệ, mạnh ai nấy đi, thì dù hạ tầng có tốt đến đâu, đường sá có rộng bao nhiêu cũng không thể tránh khỏi ách tắc và TNGT.

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền để mọi người thấy lợi ích của GTCC và ưu tiên sử dụng chúng. Đặc biệt, TP cần có cơ chế khuyến khích cán bộ, công nhân viên Nhà nước sử dụng GTCC. Các DN cần hỗ trợ người lao động sử dụng GTCC để khuyến khích họ từ bỏ phương tiện cá nhân. Trên cơ sở đó, thành phần sử dụng GTCC sẽ có thể thay đổi hẳn về bản chất và số lượng; không như hiện nay, nhóm chủ yếu sử dụng xe buýt vẫn là học sinh, sinh viên, người già và người có thu nhập thấp. Đối với các phương tiện cá nhân, sử dụng diện tích đường nhiều phải đóng phí đường cao; khi ra vào TP, đến các điểm trông giữ xe khu vực nội thành cũng phải nộp lệ phí cao và lợi nhuận ấy sẽ được trích một phần để hỗ trợ GTCC phục vụ cho nhiều người, đảm bảo công bằng xã hội. Vừa tuyên truyền, vừa có biện pháp ràng buộc về kinh tế sẽ góp phần thúc đẩy người dân từ bỏ xe cá nhân để đến với GTCC.
Về lâu dài, Hà Nội cần tổ chức lại giao thông, từng bước chuyển dần thành các tuyến đường đi một chiều cho tất cả các loại phương tiện, chấm dứt tình trạng giao thông “từ cửa đến cửa” bằng xe máy vừa mất mỹ quan vừa nguy hiểm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần