Phát triển giao thông tĩnh tại Hà Nội: Rộng cửa cho các nhà đầu tư

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều chuyên gia cũng như các DN đánh giá, Hà Nội đang dẫn đầu cả nước về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào các dự án giao thông tĩnh.

Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc mà TP cần tiếp tục tìm cách giải quyết để thu hút mạnh mẽ hơn nữa nguồn vốn đầu tư xã hội hoá vào các dự án bãi đỗ xe tập trung.

Nhận diện khó khăn

Với năng lực đáp ứng chỉ từ 10 - 15% nhu cầu đỗ gửi xe của người dân, Hà Nội đang đứng trước áp lực vô cùng lớn do quá tải hạ tầng phục vụ giao thông tĩnh. Muốn đầu tư xây dựng các dự án bãi đỗ xe tập trung, nhất là trong bối cảnh ngân sách eo hẹp như hiện nay, TP cần phải huy động được nguồn vốn xã hội hoá. Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư xã hội hoá vào các dự án bãi đỗ xe tập trung lại chưa đem lại kết quả tích cực trong suốt một thời gian dài vừa qua.
 Bãi giữ xe nhiều tầng theo công nghệ thông minh trên đường Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân. Ảnh: Phạm Hùng
Mổ xẻ những khó khăn, vướng mắc khiến nhà đầu tư không mặn mà với dự án bãi đỗ xe tập trung, thạc sỹ quản lý đô thị Phan Trường Thành cho rằng, điều quan trọng nhất là Hà Nội còn thiếu một Quy hoạch giao thông tĩnh đầy đủ, bài bản. “Nhiều vị trí chưa phù hợp, hấp dẫn để nhà đầu tư nghiên cứu lập dự án bãi đỗ xe. Hoặc có vị trí, khi nhà đầu tư vào lập dự án lại vướng các quy hoạch khác, bất ổn hay thiếu đồng bộ với hạ tầng giao thông...” - ông Thành đánh giá. Ngoài ra, công tác GPMB đang là thách thức thực sự đối với các nhà đầu tư, khiến nhiều dự án dậm châm tại chỗ. Bên cạnh đó, các dự án bãi đỗ xe còn phải trải qua một trình tự thủ tục pháp lý phức tạp, kéo dài, khiến các nhà đầu tư mệt mỏi.

Nhiều nhà đầu tư lại bày tỏ sự quan tâm đến khả năng khai thác thương mại từ các dự án giao thông tĩnh. Hiện nay, tỷ lệ diện tích được phép khai thác thương mại từ các dự án bãi đỗ xe tập trung là 30%. Và hầu hết các nhà đầu tư đều cảm thấy khó có thể đảm bảo thu hồi vốn nhanh với một tỷ lệ khiêm tốn như vậy. Thạc sỹ quản lý đô thị Đinh Quốc Thái nhìn nhận, khoản đầu tư ban đầu vào các dự án giao thông tĩnh, đặc biệt là bãi đỗ xe ngầm rất lớn, có thể lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Nếu chỉ khai thác trông giữ xe thuần tuý hoặc kết hợp với tỷ lệ đất dành cho kinh doanh dịch vụ thấp như quy định hiện nay thì phải mất vài chục năm, thậm chí hàng trăm năm nhà đầu tư mới thu hồi được vốn ban đầu.

"Chính quyền TP Hà Nội đang ngày càng đảm nhiệm tốt vai trò “bà đỡ” cho các dự án giao thông tĩnh. Nhưng ngoài ra còn cần làm tốt cả vai trò “ông mối” cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực này. Tức là TP đứng ra làm trung gian, chắp mối cho các DN đầu tư vào dự án bãi đỗ xe với DN cung cấp dịch vụ, công nghệ... giúp cho các dự án được thực hiện nhanh hơn, thuận lợi hơn. " - Thạc sỹ quản lý đô thị

Phan Trường Thành

Ưu ái cho nhà đầu tư

Ông Phan Trường Thành đánh giá, trong khoảng 2 năm trở lại đây, có thể nói Hà Nội đã ưu ái rất lớn cho các nhà đầu tư, phá đi nhiều rào cản, nhằm đẩy nhanh các dự án giao thông tĩnh.

Ông Thành nêu dẫn chứng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã yêu cầu công khai công bố toàn bộ danh mục dự án để nhà đầu tư nắm được thông tin và lựa chọn. Đồ án Quy hoạch giao thông tĩnh của Hà Nội cũng đã được xây dựng xong, dự kiến trong quý III tới sẽ phê duyệt và công bố, khắc phục tối đa những bất cập và bất ổn đối với các dự án bãi đỗ xe tập trung, để khi nhà đầu tư tiến vào là có thể thực hiện được ngay. TP cũng nhìn nhận rõ việc không cho phép kinh doanh thương mại hoặc cho phép với tỷ lệ quá thấp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng thu hồi vốn của nhà đầu tư. Do đó, Chính quyền TP đã có sự quan tâm cụ thể đến từng dự án, cho phép một tỷ lệ kinh doanh dịch vụ nhất định; cho nhà đầu tư được bán trọn gói vị trí đỗ xe (theo thời gian dự án) để nâng cao khả năng thu hồi vốn nhanh...

Phó Chủ tịch Công ty TNHH tập đoàn Đông Dương Nguyễn Thị Bảo Quỳnh chia sẻ, Hà Nội đã đi đầu cả nước trong quá trình đưa giá trông giữ xe theo quy định tiệm cận với giá thị trường. Hiện nay giá trông giữ xe trên địa bàn TP đã có thể hấp dẫn được nhà đầu tư. Ông Đinh Quốc Thái phân tích thêm, hiện các dự án bãi đỗ xe vẫn được ngân hàng xếp vào loại dự án bất động sản, yêu cầu khá khắt khe về phương án kinh doanh, lợi nhuận. Do đó, việc nâng giá trông giữ xe tiệm cận với thị trường đã giúp cho các DN có thêm lợi thế khi đề xuất vây vốn ngân hàng, thực hiện các dự án bãi đỗ xe.

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội khẳng định, Chính quyền TP đã có những chỉ đạo rất sát sao, cụ thể đến từng dự án; liên tục đôn đốc các cơ quan chuyên môn phải đồng hành, cùng DN tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án giao thông tĩnh trên địa bàn TP. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những vấn đề nằm ngoài thẩm quyền, TP phải đề xuất để các bộ ngành trung ương cùng phối hợp giải quyết.

Nhiều việc phải làm

Do đặc thù là Thủ đô, trung tâm chính trị, văn hoá, kinh tế của cả nước nên Hà Nội phải tuân thủ những quy định riêng về kiến trúc và không gian đô thị. Một trong những quy định trực tiếp ảnh hưởng đến các dự án giao thông tĩnh đó chính là khống chế chiều cao. Hiện nhiều vị trí, đặc biệt là trong nội thành Hà Nội, không được phép xây quá cao, dẫn đến các dự án bãi đỗ xe cao tầng gặp những khó khăn nhất định. Ông Phan Trường Thành nhận định: “Từ khu vực Vành đai 3 trở vào đến lõi đô thị hiện nay, khả thi nhất chỉ có các dự án bãi đỗ ngầm”. Tuy nhiên mức đầu tư cho bãi đỗ ngầm lại quá lớn, khiến nhiều nhà đầu tư ngần ngại; muốn hấp dẫn hơn chỉ có cách tăng tỷ lệ thương mại, dịch vụ cho các dự án này. Do đó, TP cần đề xuất với các bộ ngành trung ương, xem xét trao cho Hà Nội thêm một số cơ chế đặc thù để kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực giao thông tĩnh vô cùng tốn kém nhưng rất cấp thiết hiện nay.

Ông Phan Trường Thành còn cho rằng, xu hướng chung là ngày càng hạn chế phương tiện giao thông cá nhân trong khu vực lõi đô thị Hà Nội nhằm giảm UTGT và bảo vệ môi trường. Do đó, bên cạnh việc thực hiện các dự án bãi đỗ xe tập trung, TP cũng cần tập trung đẩy mạnh xây dựng các đầu mối giao thông theo mô hình TOD, Park and ride (đỗ và di chuyển)... Đây sẽ là nơi người dân từ các khu vực ngoại thành, địa phương lân cận gửi xe cá nhân để đi vào trung tâm TP bằng phương tiện công cộng. Vì vậy một khi có hệ thống TOD, Park and ride phát triển bao quanh các cửa ngõ, nhu cầu đỗ gửi xe trong nội thành cũng sẽ giảm đi một cách tự nhiên.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần