Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát triển giao thông xanh: cần chính sách ưu đãi với nhiên liệu xanh

Mai Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xác định phương tiện sử dụng điện là phương án tối ưu trong phát triển giao thông xanh, các chuyên gia cho rằng, cần khơi thông cơ chế và có những chính sách ưu đãi với nhiên liệu xanh để thu hút, hỗ trợ DN và người dân thực hiện chuyển đổi.

Khoản đầu tư lớn

Theo các chuyên gia, việc chuyển đổi phương tiện giao thông công cộng và cá nhân sang những phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch (phương tiện dùng điện, phát thải carbon thấp hoặc không phát thải carbon trên đường) có tác động trực tiếp đến bộ mặt giao thông, đặc biệt là giao thông đô thị.

Mua bán xăng sinh học trên phố Thái Thịnh, quận Đống Đa. Ảnh: Phạm Hùng
Mua bán xăng sinh học trên phố Thái Thịnh, quận Đống Đa. Ảnh: Phạm Hùng

Theo lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh từ năm 2022 – 2030 của ngành GTVT, đường bộ sẽ thúc đẩy sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và chuyển đổi sử dụng các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sang sử dụng điện; mở rộng phối trộn, sử dụng 100% xăng E5 với các phương tiện cơ giới còn lưu hành. Phát triển và xây mới hạ tầng sạc điện đáp ứng nhu cầu của người dân và DN. Đặc biệt, trong giao thông đô thị từ năm 2025, 100% xe buýt được thay thế, đầu tư sử dụng điện, năng lượng xanh. Tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) tại Hà Nội đạt 45 - 50%; TP Hồ Chí Minh đạt 25%; Đà Nẵng đạt 25 - 35%; Cần Thơ đạt 20%; Hải Phòng đạt 10 - 15%; đô thị loại I đạt ít nhất 5%. Từ năm 2030, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; 100% xe taxi được thay thế, đầu tư mới sử dụng điện để đến năm 2050, 100% xe buýt, xe taxi hoàn toàn sử dụng năng lượng xanh.

Để thực hiện mục tiêu này, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang xây dựng phương án chuyển đổi phương tiện giao thông công cộng sử dụng xăng, dầu sang sử dụng điện, nhiên liệu xanh. Theo Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông TP Hà Nội Trần Thị Phương Thảo: “Kế hoạch chuyển đổi phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh trong hoạt động VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn TP

Hà Nội” và Đề án “Phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn TP” là những căn cứ, tiền đề cốt lõi để Hà Nội thực thi một chiến lược lâu dài, toàn diện, chuyển đổi phương tiện VTHKCC sang sử dụng năng lượng xanh.

Thạc sĩ quản lý đô thị Trần Tuấn Anh nhìn nhận, để giảm phát thải tất yếu cần xanh hóa phương tiện giao thông. Nhưng do nhiều nguyên nhân, muốn người dân tự nguyện chuyển đổi sang xe điện vào thời điểm này không dễ dàng. Chỉ có nhóm phương tiện VTHKCC với đặc thù được đầu tư bởi ngân sách, hoạt động nhiều, phục vụ cộng đồng là thuận lợi chuyển đổi hơn cả. Nhưng vấn đề lớn nhất của các DN xe buýt là chi phí đầu tư lớn, chưa thể tiếp cận nguồn tài chính xanh, chưa có quy định liên quan đến cho thuê tài chính đối với phương tiện giao thông công cộng; giá thành điện cung cấp cho các trạm sạc chưa hợp lý…

Các chuyên gia cho rằng, dù thời gian qua đã có nhiều chính sách hỗ trợ thúc đẩy phương tiện điện, phương tiện thân thiện với môi trường được ban hành như: thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí trước bạ, danh mục ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư… tuy nhiên, vẫn cần thêm các chính sách hỗ trợ cụ thể cho DN và người sử dụng.

 

Đề án “Phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn Thành phố Hà Nội” là một bước chuyển đổi lớn về chất lượng dịch vụ VTHKCC để thu hút mạnh mẽ người dân sử dụng xe buýt góp phần thực hiện chỉ tiêu đến năm 2025 tỷ lệ phục vụ của VTHKCC đạt 30 - 35%; năm 2035 đạt 50 - 55%; sau năm 2035 đạt  65 - 70%. Đây là một trong nhiều giải pháp quan trọng làm thay đổi bộ mặt giao thông đô thị, thay đổi văn hóa giao thông Thủ đô, giảm thiểu ùn tắc và ô nhiễm môi trường.

Phó Chủ tịch Hiệp hội VTHKCC Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải

Phó Chủ tịch Hiệp hội VTHKCC Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải

Chính sách phải đi đầu

Trong cuộc làm việc ngày 2/1/2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và lãnh đạo các bộ: Công Thương, TN&MT, Xây dựng, GTVT, KH&ĐT đã trao đổi và nhất trí rằng, cần cơ chế, chính sách ưu đãi đối với nhiên liệu xanh; quy hoạch không gian hạ tầng giao thông xanh, lắp đặt trạm sạc điện ở đô thị; hỗ trợ người dân, DN vận tải chuyển đổi sang phương tiện giao thông xanh; ưu đãi các dự án sản xuất, nghiên cứu và phát triển phương tiện giao thông xanh, các trang thiết bị liên quan; ưu tiên các phương tiện giao thông xanh trong đấu thầu, mua sắm công…

Trong đó, Bộ GTVT chủ trì rà soát các chính sách hỗ trợ chuyển đổi từ phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng (đối với DN vận tải, người dân, người tham gia phương tiện giao thông công cộng...), đề xuất sửa đổi, bổ sung báo cáo Thủ tướng trong quý I/2025...

Bộ Công Thương sớm xây dựng quy định danh mục giá điện cho sản xuất kinh doanh để áp dụng đối với các trạm sạc điện cho xe ô tô điện, xe máy điện; nghiên cứu, đề xuất việc công khai thông tin và áp dụng giá bán lẻ điện vào giờ cao điểm, thấp điểm của thị trường bán lẻ điện, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 2/2025...

Bộ TN&MT tham khảo kinh nghiệm của Thái Lan và một số quốc gia khác về mô hình chính sách tài chính xanh, phối hợp với các tổ chức quốc tế tiếp cận với nguồn tài chính trong và ngoài nước để hỗ trợ giảm phát thải khí nhà kính thông qua việc chuyển đổi phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng phương tiện xanh. Cùng với đó, nghiên cứu, đề xuất ban hành tiêu chí cho dự án sản xuất phương tiện xanh, hoàn thành trong tháng 1/2025...

Theo Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở GTVT Hà Nội Phan Trường Thành, đối với bất kỳ loại hình đầu tư nào, điều quan trọng nhất là phải tháo gỡ được những vướng mắc trong cơ chế, biến chính sách thành nguồn lực thực sự. Việc chuyển đổi mạng lưới xe buýt sang sử dụng phương tiện xanh cũng vậy, cần có những chính sách phù hợp để cụ thể hóa chiến lược vĩ mô trong bối cảnh cơ sở hạ tầng phục vụ xe buýt điện còn ít và hạn chế. Các nhà máy sản xuất phương tiện, pin, trạm sạc, dịch vụ  hỗ trợ... cho xe điện đang trong giai đoạn đầu triển khai xây dựng, chưa hoàn thiện, làm gia tăng áp lực đầu tư cho DN.

Theo tính toán của Sở GTVT Hà Nội, tổng nhu cầu vốn đến năm 2035 để thay thế 50% xe buýt bằng xe điện, và 50% bằng xe sử dụng khí CNG/LNG vào khoảng 48.625 tỷ đồng. Dự kiến ngân sách TP có thể đáp ứng gần 36.000 tỷ đồng dưới các hình thức: trợ giá bổ sung; hỗ trợ lãi vay mua phương tiện; hỗ trợ lãi vay đầu tư hạ tầng; trợ giá duy trì hoạt động đoàn phương tiện… Còn các DN phải tự bố trí hơn 12.625 tỷ đồng để mua phương tiện; chi trả một phần chi phí lãi vay mua phương tiện; đầu tư hạ tầng trạm sạc; chi trả một phần lãi vay đầu tư hạ tầng...

Thạc sĩ Hoàng Thị Thu Phương cho rằng, TP cần có chính sách huy động tối đa mọi nguồn lực trong nước và quốc tế, Nhà nước và tư nhân cùng làm để nâng cao hiệu quả chuyển đổi phương tiện giao thông xanh.

Như vậy, để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, với quyết tâm chính trị cao. Cùng với đó, phải có các chính sách hỗ trợ cho DN, người dân chuyển đổi sang phương tiện xanh; có cơ chế “kéo và đẩy” ưu tiên trong nhượng quyền, gia nhập thị trường với DN có năng lực để có thể đẩy mạnh tiến trình xanh hóa giao thông tại Việt Nam.

 

Hà Nội cần đánh giá và cập nhật, điều chỉnh các nghị quyết, kế hoạch… tạo điều kiện cho VTHKCC nói chung và xe buýt nói riêng phát triển. Bổ sung các cơ chế theo hướng nâng hạn mức hỗ trợ lãi suất vay; kéo dài thời gian hỗ trợ lãi suất vay; cho vay ưu đãi từ Quỹ Đầu tư phát triển TP…

Thạc sĩ quản lý kinh tế Hoàng Thị Thu Phương