Phát triển hàng hải phải gắn với bảo vệ chủ quyền

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số...

Kinhtedothi - Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam, được thảo luận tại tổ ngày 3/6, ĐB Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) nhận định: Biển rất quan trọng cho nền kinh tế, đóng góp hơn 40% GDP, bao quát từ kinh tế biển, đến dầu khí, cảng biển, thủy sản, du lịch biển và khai thác tài nguyên trên biển nên rất quan trọng. Phát triển hàng hải phải gắn với bảo vệ chủ quyền - Ảnh 1

Việc ban hành và sửa đổi Luật Hàng hải trong bối cảnh hiện nay, chính sách cần phải cụ thể và đủ mạnh để vừa phát triển được hàng hải, kinh tế biển, đồng thời bảo vệ được chủ quyền biển đảo của chúng ta.

Trong các vấn đề mới được đưa ra, theo ông có những vấn đề gì cần làm rõ?

- Trong các khái niệm cần làm rõ ụ nổi có phải tàu biển không hoặc các giàn di chuyển trên biển có phải tàu biển không? Phải quy định khái niệm cho chuẩn để xử lý việc mua bán tàu. Về chính sách, chúng ta cần phát triển ngành hàng hải để phát triển kinh tế nhưng phải gắn với bảo vệ an ninh, biển đảo gắn với chủ quyền của chúng ta, do vậy cần phải có chính sách phù hợp về con người, tiếp đến là tạo điều kiện cho các DN đầu tư vào lĩnh vực hàng hải thì chúng ta mới có đủ sức mạnh được.

Việc phá dỡ tàu cũ, cải hoán tàu, đóng mới cũng cần phải quy định cụ thể để làm sao phát triển được các đội tàu nhưng vẫn đảm bảo được vấn đề môi trường, đặc biệt là phá dỡ tàu cũ, phải có chế tài xử lý những DN nào làm ảnh hưởng đến môi trường và tai nạn lao động vì ngành này rất dễ xảy ra mất an toàn lao động. Trong Luật vẫn còn quy định 27 điều giao cho Chính phủ và các cơ quan khác hướng dẫn chi tiết, nhưng theo tôi cần rà soát lại, rút bớt những điều đó, vì như vậy Luật sẽ đi vào cuộc sống khó khăn, không đúng với nghĩa của luật quy định.

Nhiều ý kiến đề nghị cần phải bổ sung quy định việc bắt giữ tàu biển cũng như trách nhiệm của các cơ quan chức năng, quan điểm của ông thế nào trước vấn đề này?

- Việc này cần thiết, nhưng chúng ta cũng phải quy định các quy trình và các bước để khi bắt giữ tàu biển, đặc biệt là khi các cơ quan bắt giữ không đúng, làm thiệt hại cho các DN thì phải bồi thường và có chế tài xử lý, chứ không chỉ đặt vấn đề bắt giữ, còn nếu bắt giữ không đúng thì phải bồi thường thích đáng.

Việc bắt giữ để bảo vệ chủ quyền cũng phải tuân thủ theo pháp luật, nếu các nước xâm phạm chủ quyền của chúng ta thì phải bắt giữ, nhưng quan trọng là xử lý thế nào sau bắt giữ, nhằm đảm bảo đúng công ước quốc tế về Luật Biển, qua đó cũng giữ được tính nghiêm minh và chủ quyền của đất nước.

Xin cảm ơn ông!
Ngày 3/6, tại Hội thảo Xã hội hóa cung cấp dịch vụ cảng biển, cảng hàng không và năng lượng, tổ chức tại Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư, TS Warren Mundy, Ủy viên Hội đồng Ủy ban Năng suất Australia cho rằng: Xã hội hóa cung cấp dịch vụ cảng biển, cảng hàng không và năng lượng là chủ trương nhận được sự ủng hộ từ các DN, song Nhà nước cần thiết kế thể chế giám sát và thực thi phù hợp để ngăn ngừa độc quyền và khuyến khích các nhà cung ứng tham gia, cạnh tranh trên thị trường. (Thu Trang)