Tạo nên đột phá về chất lượng
Trong giai đoạn 2010-2020, hệ thống trường chuyên được củng cố và phát triển; mỗi tỉnh, TP trực thuộc TƯ đã có ít nhất một trường chuyên; tổng số học sinh chuyên chiếm khoảng 2,7% số học sinh THPT trên toàn quốc. Các trường chuyên được đầu tư nâng cấp thành các trường đạt chuẩn quốc gia từ 21 trường (năm 2010) lên 60 trường chuẩn (năm 2020) và có chất lượng giáo dục cao. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học của các trường chuyên từng bước được tăng cường.
Các tỉnh đều có quy định về chính sách đặc thù để thu hút giáo viên về dạy trường chuyên, đảm bảo yêu cầu số lượng, hợp lý về cơ cấu và đạt mức cao của chuẩn nghề nghiệp; tăng cường đầu tư kinh phí cho việc bồi dưỡng, phát triển chuyên môn, nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý trường chuyên; do đó đã có những bước đột phá về trình độ đào tạo, năng lực chuyên môn cho đội ngũ này.
Nhờ đổi mới trong phương pháp giảng dạy, các trường chuyên tạo được một môi trường học tập năng động, sáng tạo, chủ động, tích cực cho cả học sinh, giáo viên và cán bộ quản lý. Chất lượng giáo dục trong các trường chuyên có chuyển biến tích cực; giáo dục đại trà được cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ học sinh giỏi của trường chuyên trong cả nước tăng dần qua các năm, năm 2020 tăng gần gấp đôi so với năm 2010. Năm 2020, 24/24 thí sinh Việt Nam tham dự các kỳ thi quốc tế đều đoạt giải; trong đó có 9 huy chương Vàng, 8 huy chương Bạc, 5 huy chương Đồng và 2 bằng khen. Gần 1/3 số trường chuyên trên cả nước hợp tác với cơ sở giáo dục có uy tín trong khu vực và quốc tế nhằm trao đổi kinh nghiệm, thu hút nguồn lực vào phát triển hệ thống.
Mặc dù vậy, hệ thống trường chuyên còn bộc lộ hạn chế như: Một số tỉnh chưa đạt mục tiêu về quy mô học sinh; tỷ lệ trường chuyên chưa đạt chuẩn quốc gia vẫn còn khá cao; các thiết bị dạy học hiện đại chưa được khai thác và sử dụng hiệu quả nhất; trình độ về ngoại ngữ của giáo viên chuyên và cán bộ quản lý hiện nay chưa thể đáp ứng và theo kịp với tốc độ hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ. Việc xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường ở một số nơi vẫn coi nặng việc tổ chức bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi, chưa tăng cường nhiều cho học sinh thêm các kỹ năng thực hành, thí nghiệm, nghiên cứu khoa học và các kỹ năng mềm khác…
Phát huy tính tiên phong
Để hệ thống trường chuyên tiếp tục phát huy được những hiệu quả của mô hình giáo dục chất lượng cao, trong giai đoạn tới, hệ thống trường chuyên cần tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất theo hướng đồng bộ, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục; đổi mới tổ chức, quản lý hoạt động; xây dựng khung chương trình nâng cao cho các trường chuyên; hoàn thiện các cơ chế chính sách đặc thù đối với cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh nhằm thu hút xã hội hóa, tăng cường liên thông giữa giáo dục chuyên sâu và đại học, tăng cường hợp tác quốc tế.
Bộ GD&ĐT đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành TƯ liên quan tiếp tục xây dựng và trình Đề án “Phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2022-2032” nhằm tiếp tục đổi xây dựng hệ thống chuyên trở thành các trường chất lượng cao, đặt trên nền tảng của các trường chuyên hiện có. Các địa phương quy hoạch, sắp xếp hệ thống trường chuyên phù hợp, cân nhắc việc xây dựng 2 trường chuyên tại các TP lớn, tập trung phát triển 1 trường chuyên tại các tỉnh, bên cạnh đó có thể xây dựng hệ thống trường chất lượng cao.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh việc cần tiếp tục nhìn nhận phát triển trường chuyên trong đổi mới giáo dục và đào tạo nói chung là khâu quan trọng trong phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng nhân tài; tiếp tục củng cố, phát huy tính tiên phong, mũi nhọn của hệ thống trường chuyên, vai trò của trường chuyên không chỉ cho trường chuyên và cần lan tỏa trong hệ thống, đặc biệt là về phương pháp, cách thức tổ chức và khoa học giáo dục.
Bộ trưởng cho rằng phải tuyệt đối tránh tiêu cực trong tuyển sinh tại các trường chuyên để tránh ngồi nhầm trường; đồng thời sớm phát hiện, bồi dưỡng, nuôi dưỡng nhân tài bằng phương pháp phù hợp; trong đó cần phát huy được năng lực tự học của học sinh và khích lệ để tài năng tỏa sáng.