Thiếu tính chủ động
Toàn TP Hà Nội hiện có khoảng 5.470ha hoa, cây cảnh. Đây là loại cây trồng cho thu nhập cao, bình quân đạt 550 triệu đồng/ha/năm. Có những mô hình hoa lan, hoa ly đạt từ 1,2 - 1,5 tỷ đồng/ha, cao gấp 6 – 7 lần so với các cây trồng khác. Mặc dù mang lại giá trị cao nhưng diện tích sản xuất các loại hoa, cây cảnh trên địa bàn TP còn manh mún, không tập trung. Kỹ thuật sản xuất khá lạc hậu, chủ yếu là sản xuất truyền thống, tỷ lệ hoa áp dụng công nghệ cao còn thấp.
Giám đốc HTX Nông nghiệp Liên Hà (Đan Phượng) Nguyễn Bá Quân cho biết: Hiện toàn xã có 20ha diện tích trồng hoa. Tuy nhiên, nông dân ở đây vẫn trồng theo kinh nghiệm là chủ yếu, các sản phẩm hầu như tự phát, năng suất và chất lượng phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Đặc biệt là giá cả thường diễn ra điệp khúc “được mùa, mất giá”. Ông Quân cho rằng, để đầu tư vào sản xuất hoa theo hướng công nghệ cao rất khó khăn vì đòi hỏi chi phí rất lớn, nếu xây dựng nhà màng, nhà lưới phải mất hơn 1 tỷ đồng/ha, vượt khả năng đầu tư của người dân.
Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương, toàn TP mới có hơn 110ha trồng hoa bước đầu ứng dụng công nghệ cao ở một số khâu, với quy mô nhỏ. Tổng diện tích nhà màng, nhà lưới của các vùng hoa mới đạt 68,3ha và có 0,1ha bước đầu ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm. Bên cạnh đó, Hà Nội chưa có hệ thống cung ứng giống hoa chất lượng cao. Những giống hoa đang trồng chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và phương pháp nhân giống truyền thống, dễ bị thoái hóa, làm giảm chất lượng hoa. Người trồng hoa chưa tiếp cận được công nghệ quản lý sau thu hoạch, dẫn đến chất lượng hoa không đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Vì vậy, nông dân khá bị động trong sản xuất, thường chịu nhiều rủi ro bởi thiên tai và bị thương lái ép giá.
Cần chiến lược dài hơi
Để ngành hoa cây cảnh thực sự mang lại hiệu quả cao cho người dân và phát triển theo hướng bền vững, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết: Hiện nay Hà Nội đã quy hoạch vùng sản xuất hoa, cây cảnh với diện tích 1.616ha ở các huyện Mê Linh, Đan Phượng, Đông Anh, Chương Mỹ... Mục tiêu trong năm 2020, có 300ha ứng dụng công nghệ cao; tỷ trọng giá trị sản xuất hoa ứng dụng công nghệ cao chiếm từ 25 - 30% tổng giá trị sản xuất hoa. Để đạt mục tiêu này, Sở NN&PTNT phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch về đào tạo nguồn nhân lực và chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất hoa cây cảnh nâng cao nhận thức và trình độ tiếp thu, ứng dụng khoa học cho người dân.
Đối với các mô hình điểm, ngành nông nghiệp hỗ trợ các địa phương ứng dụng công nghệ cao trong trồng hoa, cây cảnh với mức hỗ trợ 100% giống trong năm đầu đối với hoa khai thác nhiều lần và 2 vụ đối với hoa khai thác một lần. Ngành nông nghiệp cũng tạo điều kiện cho các hộ, DN vay vốn thông qua Quỹ Khuyến nông với mức vay tối đa 500 triệu đồng/mô hình... Các DN tăng cường ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0 trong sản xuất, tiêu thụ hoa, cây cảnh để giải quyết được 3 vấn đề về kỹ thuật, tổ chức sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm...
Song song với đó, TP cần chú trọng xây dựng thương hiệu một số trung tâm giao dịch chợ đầu mối bán hoa cây cảnh ở một số vùng trọng điểm có sản lượng hoa cây cảnh lớn như Tây Hồ, Mê Linh (Hà Nội)… nhằm thu hút các DN đầu tư vào lĩnh vực này. Cùng với đó, chú trọng điều tra, phục tráng, cải tiến và nhân các giống hoa bản địa, nâng cao năng lực sản xuất hạt giống, cây giống bằng các phương pháp truyền thống và công nghệ mới.