Phát triển hoạt động thương mại là nhiệm vụ trọng tâm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tuy mới được thành lập từ năm 2005, nhưng Đảng bộ Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) với nhiều biện pháp đã đưa Hapro trở thành đơn vị chủ lực của ngành thương mại Hà Nội.

KTĐT - Tuy mới được thành lập từ năm 2005, nhưng Đảng bộ Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) với nhiều biện pháp đã đưa Hapro trở thành đơn vị chủ lực của ngành thương mại Hà Nội.

Vậy, trong nhiệm kỳ Đảng bộ lần thứ II (2010 - 2015), Đảng bộ Hapro sẽ đặt ra những mục tiêu phát triển sản xuất kinh doanh và có những biện pháp gì để thực hiện được mục tiêu này? phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Thắng - Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy Tổng công ty Thương mại Hà Nội về vấn đề này.

- Trong nhiệm kỳ Đảng bộ lần thứ I (2005 - 2010), Hapro đã đạt được những kết quả như thế nào trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như công tác xây dựng Đảng?

Trong nhiệm kỳ Đảng bộ lần I, mặc dù gặp nhiều khó khăn như khủng hoảng tài chính nên kim ngạch xuất khẩu giảm, hệ thống phân phối tại thị trường nội địa vừa thiếu vừa yếu… nhưng Hapro đã đạt được một số thành quả đáng khích lệ. Vốn chủ sở hữu của tổng công ty tăng gần 2 lần từ 293 tỷ đông lên 565,5 tỷ đồng; Vốn chủ sở hữu công ty mẹ tăng 3,6 lần từ 98,5 tỷ đồng lên 359,8 tỷ đồng. Doanh thu đạt 6.219 tỷ đồng, tăng 1,5 lần; Kim ngạch xuất khẩu từ 56 triệu USD lên 155 triệu USD. Thị trường xuất khẩu (XK) được mở rộng tới trên 70 quốc gia, khu vực và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Không chỉ chú trọng hoạt động XK, để chiếm lĩnh thị trường nội địa, Hapro đã đẩy mạnh đầu tư phát triển mở rộng hệ thống phân phối nội địa gồm hệ thống bán lẻ, trung tâm thương mại (TTTM), chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích. Hiện Hapro đã có 32 siêu thị, cửa hàng tiện ích Hapromart tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố phía Bắc; 70 cửa hàng, điểm kinh doanh thực phẩm an toàn Haprofood; 3 trung tâm kinh doanh chợ, chợ đầu mối.

Cùng với việc phát triển kinh doanh, công tác phát triển đảng viên mới luôn được Đảng bộ chú trọng, trong 5 năm qua Đảng bộ đã kết nạp thêm 377 đảng viên mới (đạt 188,5% so với chỉ tiêu nhiệm kỳ đề ra). Qua kết quả đánh giá nhiệm kỳ vừa qua, bình quân có đến 87,36 đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ.

- Vậy trong nhiệm kỳ tới 2010 - 2015, Đảng bộ Hapro đề ra những mục tiêu gì để đáp ứng tình hình cũng như yêu cầu nhiệm vụ mới?

Trong nhiệm kỳ tiếp theo, Đảng bộ đề ra mục tiêu xây dựng Hapro trở thành một Tổng công ty Thương mại Xuất nhập khẩu và Phát triển hạ tầng thương mại có năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững. Phấn đấu trở thành nhà phân phối, bán buôn bán lẻ hàng đầu của khu vực phía Bắc; 1 trong 3 nhà bán lẻ hàng đầu của Việt Nam; Xây dựng 3 TTTM khu vực nội thành, 1 trung tâm mua sắm quy mô lớn, chuỗi siêu thị tại các quận, huyện ngoại thành Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc; 1 chợ đầu mối cấp vùng; khánh thành được Nhà máy giết mổ gia súc và chế biến nông sản thực phẩm; hình thành được chuỗi cửa hàng bán rau củ quả, thực phẩm an toàn với 320 điểm bán… Xây dựng 15 thương hiệu mạnh cấp Quốc gia; Một trong 10 doanh nghiệp XK xuất khẩu hàng đầu của cả nước; Kết nối thị trường Bắc Nam, tạo kênh hàng hóa hai chiều nhất là các mặt hàng phục vụ cho nhu cầu XK, tiêu dùng trong nước. Tập trung phát triển thị trường nông thôn, phấn đấu doanh thu bán lẻ tại thị trường này đạt 50% trên tổng doanh thu bán lẻ của toàn đơn vị.

Từ định hướng đó đơn vị đề ra mục tiêu đến năm 2015, quy mô vốn của Hapro đạt 1.500 tỷ đồng, mức tăng trưởng bình quân 15%/năm, tổng doanh thu đạt 12.670 tỷ đồng, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 440 triệu USD (trong đó XK 295 triệu USD, NK 145 triệu USD); Mở rộng thị trường XK tới 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

- Để đạt được những mục tiêu này, trong thời gian tới Đảng bộ Hapro đã đề ra những biện pháp như thế nào ?

Trong thời gian tới, vấn đề chất lượng cán bộ cũng như sắp xếp nhân sự theo hướng tinh giảm gọn nhẹ được Đảng bộ xác định là là một trong những biện pháp quan trọng. Theo đó, đơn vị sẽ cơ cấu lại bộ máy các phòng, ban quản lý, đơn vị kinh doanh theo hướng gọn nhẹ; Nâng cao tính chuẩn mực về pháp lý, văn hóa doanh nghiệp, chất lượng hàng hóa trong kinh doanh; Đẩy mạnh chuyên môn hoá hoạt động của các công ty thành viên; Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; Áp dụng công nghệ tin học trong quản lý điều hành. Nhằm đẩy mạnh hoạt động XK, Hapro tiếp tục đa dạng hóa mặt hàng cũng như phương thức kinh doanh và thị trường XK; Đẩy mạnh xúc tiến thương mại; Thành lập văn phòng đại diện tại Trung Đông; Đầu tư có trọng tâm vào việc xây dựng chân hàng nhằm đảm bảo nguồn hàng ổn định phục vụ XK. Tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp trong toàn Hapro trong việc thực hiện những hợp đồng lớn.

Đối với thị trường nội địa ngoài việc đa dạng hóa chủng loại, mẫu mã hàng hóa, củng cố và nâng cấp hệ thống hiện tại, Hapro còn đẩy mạnh đầu tư, xây dựng hệ thống logistic, tổng kho dự trữ hàng hóa để đảm bảo dự trữ hàng hóa với số lượng lớn, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của thị trường. Tăng cường kết hợp với nhà sản xuất, phân phối tổ chức các chương trình khuyến mại, giới thiệu, quảng bá sản phẩm… từ đó chiếm lĩnh thị trường nội địa; Đa dạng hóa các phương thức bán hàng, liên kết với các ngân hàng, tổ chức tín dụng từ đó bán hàng thông qua các hình thức tín dụng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần