Phát triển hydrogen xanh góp phần giảm khí phát thải từ nguyên liệu đốt

Vũ Khoa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 18/10, tại tọa đàm “Triển vọng Hydrogen xanh trong nền kinh tế carbon thấp của Việt Nam”, tổ chức Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIETSE) cùng các chuyên gia đã thảo luận về lợi thế và thách thức xoay quanh vấn đề xây dựng nguồn nguyên liệu hydrogen xanh.

Nguồn năng lượng ít phát thải CO2

Là nguồn nhiên liệu sạch được sản xuất từ công nghệ điện phân nước sử dụng năng lượng tái tạo, góp phần hướng đến mục tiêu giảm phát thải và phát triển kinh tế, các chuyên gia tại hội thảo cho rằng hydrogen xanh dự kiến sẽ dùng trong các ngành công nghiệp vốn sử dụng nhiên liệu hydrogen xám hoặc lam như: Dầu khí, hóa chất, công nghiệp sản xuất thép và đặc biệt là trong giao thông vận tải. Hydro là một chất có thể lưu trữ năng lượng, có thể được so sánh với pin lithium lưu trữ điện, thay vì nhiên liệu hóa thạch như khí đốt tự nhiên.

Hydrogen xanh được sản xuất từ quá trình điện phân nước. (Ảnh minh họa)
Hydrogen xanh được sản xuất từ quá trình điện phân nước. (Ảnh minh họa)

Ở Việt Nam, hydrogen hiện được sử dụng trong vai trò nhiên liệu đầu vào cho sản xuất ở các ngành công nghiệp, trong đó được sử dụng nhiều nhất trong lọc dầu, hóa chất, sản xuất phân đạm và gang thép. Năm 2020, theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Dầu khí, các nhà máy sản xuất phân đạm sử dụng khoảng 316.000 tấn hydrogen, các nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn tiêu thụ lần lượt là 39.000 tấn và 139.000 tấn/năm.

Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… đã công bố chiến lược phát triển hydrogen xanh với mục tiêu cụ thể trong trung, dài hạn như một giải pháp hướng tới mục tiêu giảm phát thải, hạn chế tác động tới hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Theo đại diện VIETSE, về mặt chi phí, một nghiên cứu của tổ chức DNV đã chỉ ra rằng việc sử dụng hydrogen và các khí xanh khác sẽ tiết kiệm cho châu Âu 130 tỷ euro một năm vào năm 2050 và Thỏa thuận Xanh châu Âu sẽ khó hiện thực hóa nếu không có hydrogen và các khí xanh khác.

Theo TS. Phạm Duy Hoàng - chuyên gia nghiên cứu về hydrogen xanh, Việt Nam có tiềm năng phát triển hydrogen xanh từ nguồn năng lượng tái tạo dồi dào. Hydrogen xanh là năng lượng sạch, có thể thay thế nguồn nhiên/nguyên liệu hóa thạch đang được sử dụng trong một số ngành sản xuất công nghiệp và trong giao thông vận tải, góp phần vào quá trình chuyển dịch năng lượng. Phát triển công nghiệp hydrogen xanh trong tương lai không chỉ đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính mà còn giúp Việt Nam hướng tới một nền kinh tế carbon thấp.

Tại hội thảo, GS.David Cebon - đại học Cambridge (Anh) nhận định: “Việt Nam có nguồn năng lượng phong phú như năng lượng mặt trời, gió (trên bờ và ngoài khơi), thủy điện để sản xuất điện tái tạo. Cơ cấu nguồn phát tốt nhất của Việt Nam trong tương lai là năng lượng tái tạo chiếm vai trò chủ đạo, qua đó đạt được tự chủ năng lượng. Điều này cũng thúc đẩy chuyển dịch năng lượng diễn ra nhanh nhất, rẻ nhất và ít phát thải CO2 nhất”.

Việt Nam có nguồn năng lượng tái tạo phong phú giúp việc chuyển dịch diễn ra nhanh hơn.
Việt Nam có nguồn năng lượng tái tạo phong phú giúp việc chuyển dịch diễn ra nhanh hơn.

Những nút thắt cần tháo gỡ

Theo tiến trình khai thác, sản lượng khí từ các mỏ trên giảm dần và dự kiến sẽ suy kiệt sau năm 2035, dù có thể bổ sung nguồn hydrogen lam khi các dự án Khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) đi vào hoạt động nhưng trở ngại lớn hiện nay là thị trường năng lượng bất ổn, giá cao. Trong bối cảnh Việt Nam hướng tới nền kinh tế carbon thấp để thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, sản xuất hydrogen xanh nội địa được xem là một trong những giải pháp quan trọng của quá trình chuyển dịch năng lượng.

Hydrogen xanh sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn năng lượng, giúp gia tăng độ linh hoạt của hệ thống điện, đồng thời có triển vọng cung cấp nhiên liệu trong sản xuất công nghiệp và vận tải.

Phát triển hydrogen được đề cập đến trong một vài chính sách Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu. Mục tiêu giảm phát thải của ngành năng lượng, GTVT, công nghiệp và các ngành khác.

Tuy nhiên, cho đến nay, Việt Nam chưa công bố mục tiêu hoặc kế hoạch cụ thể về việc phát triển hydrogen xanh, dẫn đến việc phát triển công nghiệp hydrogen tại Việt Nam đối diện với nhiều thách thức. Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng cần bổ sung chính sách hoàn thiện, phát triển nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng bộ và cũng như bổ sung nguồn lực về tài chính, nhân lực và công nghệ. Việt Nam cần các chính sách đột phá, thí điểm nghiên cứu ứng dụng công nghệ và các giải pháp khuyến khích nguồn lực phù hợp và đồng bộ nhằm hình thành chuỗi cung ứng hydrogen xanh hoàn chỉnh cho quốc gia.

“Chiến lược như vậy sẽ giúp đất nước các bạn đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế trong khi khi duy trì tốt an ninh năng lượng. Đồng thời, đốt amoniac trong các nhà máy điện than cũ hoặc đốt hydrogen sẽ chỉ trì hoãn quá trình chuyển dịch năng lượng, tăng phát thải CO2, và tạo ra những lực cản kinh tế không đáng có” - GS. David Cebon nói.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần