Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi tới dự và phát biểu chỉ đạo.
Tạo môi trường hoạt động nghiệp vụ thuận lợi cho hội viên
Phát biểu báo cáo tại buổi giao ban, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo TP Hà Nội Kiều Thanh Hùng khẳng định, Hội Nhà báo trong Cụm thi đua thường xuyên nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, Tỉnh ủy và HĐND, UBND các tỉnh, TP.
Thường trực Hội và hội viên nhà báo trong Cụm luôn đoàn kết, giữ vững lập trường, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chuyên môn nghiệp vụ; thực hiện nghiêm Điều lệ Hội, Luật Báo chí, Quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam và Quy tắc sử dụng mạng xã hội, hưởng ứng tham gia và triển khai thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” và văn hóa của người làm báo Việt Nam với 12 tiêu chí cụ thể. Các Hội Nhà báo luôn tạo môi trường hoạt động nghiệp vụ thuận lợi cho hội viên, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
“Năm 2024, Hội Nhà báo trong Cụm thi đua đã phối hợp với các cơ quan báo chí, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ - Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng làm báo hiện đại cho cán bộ, hội viên nhà báo. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cũng chủ động xây dựng kế hoạch mở các lớp bồi dưỡng, tạo điều kiện cho cán bộ, hội viên thuận lợi trao đổi để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ” – ông Kiều Thanh Hùng nhấn mạnh.
Hội Nhà báo trong Cụm thi đua đã triển khai có hiệu quả công tác hỗ trợ báo chí chất lượng cao; gửi tác phẩm tham gia Giải báo chí quốc gia, Giải “Búa liềm vàng”, Cuộc thi viết về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Giải báo chí về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; các giải chuyên đề của các bộ, ban, ngành và các giải báo chí cấp tỉnh, TP... thu hút hàng nghìn tác phẩm báo chí của hội viên trong Cụm tham gia.
Trong năm 2025, Hội Nhà báo trong Cụm thi đua tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp và bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, hội viên...
Cùng với đó, tăng cường kiểm tra về việc thực hiện Điều lệ Hội và Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam; kịp thời xử lý vi phạm, phòng ngừa, ngăn chặn, không để xảy ra tình trạng hội viên nhà báo vi phạm pháp luật, quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo.
Đặc biệt, đẩy mạnh tổ chức các hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025) cũng như đẩy mạnh chuyển đổi số báo chí, đáp ứng yêu cầu công tác tuyên truyền và nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới, phù hợp với xu thế báo chí hiện đại.
Đẩy mạnh phát triển kinh tế báo chí
Nằm trong khuôn khổ giao ban, Cụm thi đua Hội Nhà báo các tỉnh, TP dọc đường 6 tổ chức Hội thảo nghiệp vụ: “Kinh tế báo chí trong giai đoạn mới”.
Thực tế cho thấy, đơn vị báo chí nào có sự tập trung, đầu tư vào nguồn nhân lực chất lượng, phát triển công nghệ, chuyển đổi số tốt sẽ đạt hiệu quả về mọi mặt, trong đó có kinh tế báo chí.
Tham luận tại hội thảo, Phó Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Lê Hoàng Anh cho biết, kinh tế báo chí trong giai đoạn mới đang đối mặt với nhiều thách thức to lớn, từ sự suy giảm của báo chí truyền thống đến sự trỗi dậy của các nền tảng kỹ thuật số.
Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm mở ra nhiều cơ hội nếu các cơ quan báo chí biết tận dụng và thích nghi với những thay đổi của thị trường. Việc phát triển các mô hình kinh doanh mới, ứng dụng công nghệ tiên tiến và tăng cường tương tác với độc giả sẽ là chìa khóa để báo chí phát triển bền vững trong tương lai.
Báo Kinh tế & Đô thị đã tập trung đầu tư đổi mới trang thiết bị công nghệ để từng bước số hóa và xây dựng tòa soạn hội tụ nhằm đưa ra các sản phẩm báo chí đa phương tiện, đáp ứng yêu cầu thông tin trong tình hình mới.
Một hoạt động khác đem lại kinh tế báo chí trong giai đoạn hiện nay là việc Báo Kinh tế & Đô thị quan tâm tổ chức tốt các Chương trình truyền thông: Vì an toàn giao thông Thủ đô, Bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội, Những cống hiến thầm lặng...
"Đồng thời Báo cũng đẩy mạnh hợp tác truyền thông với các tổ chức, DN thông qua việc phối hợp tổ chức sự kiện. Điển hình là gần đây, Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức thường niên Diễn đàn "Báo chí - doanh nghiệp đồng hành vì sự phát triển bền vững" tại 3 miền Bắc, Trung, Nam. Cùng với đó, tăng cường mở rộng các lĩnh vực tổ chức hội thảo, tọa đàm như “Xây dựng, phát triển tour - tuyến và các sản phẩm đặc thù của du lịch Đồng bằng sông Cửu Long”, “Nông nghiệp đô thị - Lợi ích kép cho người dân đô thị”, "Giải pháp Kiến trúc - Nội thất nâng cao chất lượng không gian sống cho nhà ở đô thị..." - ông Lê Hoàng Anh nhấn mạnh.
Trong khi đó, đại diện Hội Nhà báo tỉnh Điện Biên cho biết, hiện nay, các cơ quan báo chí đang phải đối mặt với nguy cơ sụt giảm doanh thu mạnh mẽ, trong bối cảnh các nền tảng mạng xã hội đã lấy đi khoảng 70% doanh thu của báo chí chính thống.
Ngoài ra, các cơ quan báo chí đang gặp phải một số khó khăn, vướng mắc trong các quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
"Sự phát triển kinh tế báo chí đòi hỏi sự thay đổi cách tiếp cận để tránh phức tạp hóa, tiêu cực hóa vấn đề. Đổi mới kinh tế báo chí truyền thông chính là mắt xích chính yếu để đổi mới toàn diện hệ thống báo chí - truyền thông trong bối cảnh số" - đại diện Hội Nhà báo tỉnh Điện Biên bày tỏ.
Đại diện Báo Tuổi trẻ Thủ đô khẳng định, kinh tế báo chí không chỉ phụ thuộc vào số lượng người đọc mà còn từ khả năng tạo ra giá trị thông qua các sản phẩm báo chí. Báo chí giải pháp không chỉ mang lại lợi ích cho người đọc mà còn tạo ra các cơ hội mới cho phát triển kinh tế báo chí.
Trong bối cảnh báo chí truyền thống gặp khó khăn về nguồn thu, sụt giảm số lượng phát hành báo in và cạnh tranh với truyền thông số, báo chí giải pháp có thể giúp các tòa soạn tái định vị vai trò của mình và thu hút sự quan tâm của công chúng.
"Báo chí giải pháp đã chứng minh vai trò quan trọng trong việc tái định hình mô hình kinh tế báo chí. Không chỉ cung cấp những giải pháp hữu ích cho cộng đồng, báo chí giải pháp còn mở ra những cơ hội phát triển kinh tế bền vững cho các tờ báo thông qua việc tăng tương tác với độc giả, thu hút tài trợ và phát triển các mô hình kinh doanh mới" - đại diện báo Tuổi trẻ Thủ đô nhấn mạnh.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi giao ban và hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi đánh giá cao các thành tích Cụm thi đua Hội Nhà báo các tỉnh, TP dọc đường 6 đã đạt được trong thời gian qua. Đồng thời chỉ ra một số hạn chế như công tác kiểm tra, giám sát, những giải thưởng báo chí chất lượng còn ít tác phẩm đoạt giải cao. Vì thế, Hội Nhà báo các tỉnh, TP trong Cụm cũng như các cơ quan báo chí địa phương cần khắc phục những hạn chế và tiếp tục phát huy các thành tựu đạt được trong thời gian tới.
Trong khuôn khổ chương trình, Hội Nhà báo 5 tỉnh, TP trong Cụm thi đua đã ký kết giao ước thi đua năm 2024 - 2025. Ngoài ra, Hội Nhà báo Hà Nội đã bàn giao cờ luân luân nhiệm vụ cụm trưởng Cụm thi đua Hội Nhà báo các tỉnh, TP dọc đường 6 năm 2025 cho Hội Nhà báo tỉnh Lai Châu.