Tọa đàm đã thu hút rất nhiều diễn giả là những cơ quan quản lý, chuyên gia kinh tế có uy tín và 60 cơ quan thông tấn báo chí tham dự.
Đạt tốc độ tăng trưởng khả quan
Theo đại diện đơn vị tổ chức, năm 2017 đã khép lại với tăng trưởng GDP của Việt Nam vượt mọi dự đoán ở mức 6,81% dù khởi động chưa tốt. Bên cạnh đó, 2017 cũng là năm xác lập nhiều con số kỷ lục của nền kinh tế như số lượng doanh nghiệp thành lập mới, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (cả trực tiếp và gián tiếp), dự trữ ngoại hối...
Thông điệp xuyên suốt của Chính phủ trong năm qua là quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đã tiếp thêm động lực cho cộng đồng doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung tiếp tục phát triển.
Việc tổ chức thành công Hội nghị cấp cao APEC và chuyến thăm chính thức của nhiều nguyên thủ đã nâng tầm và vị thế của Việt Nam, đồng thời mở thêm những cơ hội cho hoạt động hợp tác đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp Việt và nước ngoài. Nhiều tổ chức quốc tế đều đưa ra nhận định khả quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế và thu hút vốn FDI của Việt Nam trong thời gian tới, với mức tăng trưởng thuộc top đầu các nền kinh tế trong khu vực, và nền tảng vĩ mô được duy trì ổn định.
Đáng chú ý, năm 2017 được xem là năm thăng hoa của thị trường chứng khoán Việt Nam khi VN-Index tăng trưởng gần 50% và đạt đỉnh 10 năm. Cùng với đó, thị trường bất động sản phát triển vững chắc, trong đó có sự bùng nổ ở phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng khi nước ta đón số lượng du khách nước ngoài đạt kỷ lục, gần 13 triệu lượt.
Để nhìn lại kinh tế Việt Nam năm 2017, dự báo các yếu tố tác động đến nền kinh tế trong năm 2018, từ đó chỉ ra những cơ hội đầu tư, kinh doanh trong năm tới, Trung tâm Tin tức VTV24 và BizLIVE tổ chức tọa đàm “Cơ hội đầu tư - kinh doanh 2018”.
Hàng loạt thách thức cho 2018
Phát biểu tại tọa đàm “Cơ hội đầu tư – kinh doanh 2018”, nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá số liệu tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2017 là thực. Nhưng xét về chất của tăng trưởng thì còn nhiều vấn đề cần đánh giá nghiêm túc.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: “Đánh giá về hiệu ứng 2017 và triển vọng gì cho năm 2018, chúng ta cần bàn nghiêm túc. Các số liệu, nhiều con số như số liệu tăng trưởng GDP năm vừa qua cao nhất trong 8 - 9 năm trở lại đây, thậm chí quý III có sự nhảy vọt. Số DN cũng ở mức cao kỷ lục. Bên cạnh đó, nhiều tờ báo rút tít về kết quả tăng trưởng năm 2017 là “kỳ tích”… dường như chúng ta hơi say sưa với thắng lợi. Tất nhiên với nỗ lực, xuất phát điểm thấp như đầu năm 2017, nhưng đến cuối năm kết quả vượt mục tiêu. Nhưng ở khía cạnh kinh tế, nên đánh giá bình tĩnh hơn. Nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận thành tích năm 2017. Nhưng vấn đề đáng quan tâm là chất lượng của tăng trưởng, đó là chất lượng của các con số và chất lượng của cơ cấu nền kinh tế”.
Từ đó, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, chất lượng của tăng trưởng GDP cũng cần bàn lại, chất lượng tăng trưởng xuất khẩu cũng cần bàn lại vì nó có liên quan đến cơ cấu. Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, điều quan trọng hơn ở tăng trưởng GDP 6,81% là các động thái của tăng trưởng. Bởi, trong đó có những cái là cưỡng bức thay đổi trở nên tích cực hơn, có những cái là chủ động thay đổi.
Cũng theo PGS.TS Trần Đình Thiên, năm vừa qua Quốc hội đã thông qua cơ chế đặc thù cho TP Hồ Chí Minh; tạo đột phá mạnh trong phân cấp, phân quyền nhưng không dễ dàng khi áp dụng vào thực tế. Cần bàn lại Luật Đặc khu để ban hành trong tháng 5 này, khi đó sẽ có tác động mở cửa, đột phá mạnh nhất. Cần có các nghị quyết để giải quyết nợ xấu, đẩy mạnh cổ phần hoá DN nhà nước, sở hữu chéo ngân hàng. Tuy nhiên, cơ chế tăng trưởng, cơ cấu ngành, vùng còn chưa thay đổi được. Doanh nghiệp trong nước có nền tảng quan trọng bậc nhất nhưng còn yếu, đang cần cải cách. Kinh tế tư nhân tăng nhiều nhưng nhỏ bé, thiếu liên kết…
Chỉ rõ hơn các thách thức cho năm 2018, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, nguồn nhân lực, cấu trúc tương lai nền kinh tế chưa có gì. Một số biểu đồ cho thấy gánh nặng chi phí cho DN, chi phí logistics cao (18% của GDP, thậm chí có nghiên cứu cho rằng hơn 21%, trong khi trung bình thế giới chỉ là 11% GDP). Nhưng để giảm chi phí này đối với Việt Nam không hề dễ dàng. Tuy nhiên, quan điểm của Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam là dự báo năm 2018 có thể tích cực, con số rất cao nếu cứ chiểu theo những con số động lực từ năm 2017 (do FDI, đầu tư tư nhân tăng cao...).
Đồng quan điểm, ông Đặng Huy Đông - Nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, cá nhân ông nhận định rằng đây là thời điểm chúng ta phải đủ bản lĩnh để đưa nền kinh tế tăng tốc. Theo ông Đông, những nền kinh tế như Nhật Bản, Đài Loan có những giai đoạn tăng trưởng đạt từ 8-9%. Và Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi để chúng ta có thể duy trì tốc độ tương tự từ 8-9% trong 10 năm.
Phát triển kinh tế không nên quá dựa vào tín dụng
Trong khi đó, phát biểu tại tọa đàm về vấn đề tín dụng của Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho biết, năm 2018, đa số các nước lớn sẽ thắt chặt tài khoá và tiền tệ. Điều này sẽ có tác động đến lãi suất, dòng vốn đầu tư và tỷ giá của Việt Nam. Nhưng mức độ tác động có thể giảm vì Việt Nam đang có sự điều hành chủ động. Vì vậy, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, phát triển kinh tế không nên dựa quá nhiều vào tín dụng. Tuy nhiên, tín dụng vẫn là kênh đầu tư quan trọng.
Giải thích lý do đưa ra quan điểm đề xuất trên, ông Lực cho hay, trong vốn đầu tư thì đầu tư bằng tín dụng chiếm 60%, còn 40% từ các dòng vốn khác. Nếu tín dụng tăng trưởng tích cực mà 40% còn lại không tích cực thì cũng không thể phát triển kinh tế. Theo nghiên cứu của ông Lực, với số liệu của 10 nước, nếu đẩy tín dụng tăng thêm 10% thì tăng trưởng kinh tế chỉ tăng 0,5%. Như vậy, không phải thúc đẩy tăng trưởng tín dụng sẽ nhất thiết thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nhìn lại thực tế kinh tế Việt Nam, ông Lực phân tích, tín dụng năm vừa qua ước tăng 19%. Tuy nhiên, năm 2018 nên đưa ra con số thận trọng hơn là 17% vì tín dụng không nhiều. “Tín dụng tăng trưởng khá nhanh và mạnh những năm gần đây (8,9% năm 2013, 14% năm 2014, 15,7% năm 2015 và 19% năm 2016). Hiện nay, liên quan đến cân đối nguồn vốn, huy động vốn tín dụng chiếm 17,5%, thanh khoản ngân hàng tốt với hơn 18% là mức chấp nhận được. Tuy nhiên, cần có sự tách bạch trong thống kê về tín dụng…” – ông Lực nêu quan điểm.