Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát triển kinh tế mũi nhọn, đảm bảo an sinh xã hội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 17/10, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã làm việc với lãnh đạo huyện Ba Vì về...

Kinhtedothi - Ngày 17/10, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã làm việc với lãnh đạo huyện Ba Vì về kết quả kinh tế  - xã hội và phát triển đàn bò sữa trên địa bàn. Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Tạo điều kiện phát triển đàn bò sữa

Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Lê Văn Minh cho biết, hiện tổng đàn bò sữa của huyện đạt 8.100 con, chiếm 65% tổng đàn bò sữa toàn TP, sản lượng sữa đạt 26.500 tấn/năm, tập trung chủ yếu tại xã Vân Hòa, Yên Bài, Tản Lĩnh. Hình thức chăn nuôi chủ yếu là nông trại hộ gia đình, bình quân từ 5 - 6 con/hộ. Chăn nuôi bò sữa hiện nay đã trở thành một nghề cho thu nhập khá, nhiều hộ thu nhập từ 300 - 500 triệu đồng/năm từ nuôi bò sữa. Huyện cũng chú trọng phát triển đàn bò thịt với 42.500 con, trong đó có nhiều giống bò có giá trị kinh tế cao như bò BBB, Angus, Zebn…

Tuy nhiên, theo đánh giá của huyện cũng như ý kiến của các cơ quan chức năng, việc chăn nuôi bò sữa trên địa bàn Ba Vì còn mang tính nhỏ lẻ, thủ công theo quy mô hộ gia đình, diện tích đất đủ điều kiện để chuyển đổi xây dựng chuồng trại, phát triển chăn nuôi còn hạn chế; việc trồng cỏ, chế biến thức ăn thô và tinh chưa trở thành tập quán, thói quen của người dân. Trong khi địa bàn huyện chưa có nhà máy sản xuất thức ăn cho gia súc, gia cầm nên thiếu chủ động, cùng với đó, việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào chăn nuôi còn hạn chế…

 
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị thăm hỏi đồng bào dân tộc Dao tại xã Ba Vì, huyện Ba Vì. Ảnh: Phạm Hùng
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị thăm hỏi đồng bào dân tộc Dao tại xã Ba Vì, huyện Ba Vì. Ảnh: Phạm Hùng
Phát biểu chỉ đạo, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nhấn mạnh tình hình phát triển bò sữa của Ba Vì dù đã đạt kết quả tốt, nhưng so với tiềm năng địa phương cũng như nhu cầu thị trường vẫn còn nhiều hạn chế. Huyện có thế mạnh về thiên nhiên, nhân lực, nguồn thức ăn, nhưng chưa được phát huy hiệu quả. "Vì vậy, từng khâu, từng việc cần xem xét, đánh giá lại; đồng thời học hỏi những mô hình hoạt động của các doanh nghiệp lớn để có thể áp dụng tại địa phương". UBND TP cần chỉ đạo Sở NN&PTNT tập trung xây dựng Đề án phát triển đàn bò sữa của TP, trong đó chỉ rõ những vùng quy hoạch để phát triển vùng nguyên liệu, đa dạng hóa các giống cỏ. Đối với huyện Ba Vì cần tạo điều kiện để các hộ chăn nuôi bò phát triển, mở rộng quy mô, số lượng, chất lượng đàn bò nuôi; thực hiện tốt các vấn đề bảo đảm vệ sinh môi trường, thú y…. Các cơ quan chức năng TP quan tâm tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn, có thể xem xét cho các hộ dân thế chấp vay vốn bằng chính đàn bò sữa của mình.

Không còn “xã nghèo” trong 3 năm tới

Thăm và làm việc tại xã Ba Vì (huyện Ba Vì) - một trong hai xã nghèo nhất TP (cùng với xã An Phú, huyện Mỹ Đức), Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị ghi nhận những cố gắng của đồng bào dân tộc Dao trên địa bàn khi đã từ bỏ tập quán du canh, du cư để sinh sống, phát triển sản xuất ổn định. Tuy nhiên, dù đã được sự quan tâm đầu tư của TP, nhưng hiện số lượng hộ nghèo và cận nghèo của xã vẫn rất cao (281/487 hộ), đời sống gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do thiếu đất sản xuất, trình độ dân trí còn thấp, chưa nhạy bén trong tiếp cận và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đáng lo hơn cả là nhiều hộ gia đình thiếu ý thức chủ động vươn lên thoát nghèo, thụ động trông chờ vào Nhà nước.

Đồng tình với ý kiến của lãnh đạo UBND TP và các cơ quan chức năng, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho rằng công tác xóa đói giảm nghèo tại đây không thể nóng vội, "ngày một ngày hai", cần có lộ trình cụ thể bởi có hỗ trợ bao nhiêu nhưng nếu nhận thức của người dân không thay đổi cũng sẽ khó bền vững. Bí thư Thành ủy giao nhiệm vụ cho các cấp, các ngành và xã Ba Vì trong thời gian 3 năm phải nỗ lực thay đổi, "để nhắc tới Ba Vì không phải kèm theo hai từ "xã nghèo" nữa". Muốn vậy, trong thời gian tới, huyện Ba Vì và các cơ quan chức năng phải tiếp tục quan tâm, cụ thể hóa hơn Nghị quyết của Đảng bộ TP, Kế hoạch của UBND TP về những chính sách phát triển kinh tế - xã hội tại các xã dân tộc thiểu số. Đối với xã Ba Vì cần làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, sự chủ động của người dân trong vươn lên xóa đói giảm nghèo. Trong đó, cần đặc biệt tuyên truyền những tấm gương nỗ lực thoát nghèo để bà con học tập, noi theo; giữ gìn các nét đẹp văn hóa và dần loại bỏ các hủ tục lạc hậu. Về cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ngoài thế mạnh về cây thuốc Nam, phải nghiên cứu nuôi trồng cho phù hợp. Bên cạnh việc tự cân đối lại quỹ đất trên địa bàn, Bí thư Thành ủy cũng đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét cho người dân có thể khai thác một số diện tích thuộc Vườn quốc gia Ba Vì để trồng cây thuốc Nam với cam kết sử dụng đúng mục đích.

Về tình trạng xuống cấp, dột nát của 30 căn nhà trên địa bàn, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị giao Sở LĐTB&XH huy động các nguồn lực để hỗ trợ mỗi hộ khoảng 50 triệu đồng xây nhà mới, phấn đấu xong trước Tết Nguyên đán.