Phát triển kinh tế phải quan tâm đến an sinh xã hội

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Bên lề phiên thảo luận tại tổ về phát triển kinh tế - xã hội của kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII, PGS. TS Bùi Thị An (ảnh), Chủ tịch Hội Hóa học Hà Nội, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng đã chia sẻ với báo Kinh tế & Đô thị xung quanh vấn đề bảo đảm an sinh xã hội.

- Thưa bà, Chính phủ đã có nhiều giải pháp để phát triển kinh tế  - xã hội 5 năm 2011 - 2015, nhưng dường như giải pháp và chỉ tiêu đảm bảo an sinh xã hội lại rất "khiêm tốn", ý kiến riêng của bà về vấn đề này?

 Đúng vậy! Theo tôi, phát triển kinh tế cần quan tâm hơn nữa đến an sinh xã hội. Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ về vấn đề này gần như mới liệt kê mục tiêu và hướng phấn đấu mà chưa nêu rõ các giải pháp và việc tổ chức thực hiện. Chưa thấy tính đến các tình huống tác động từ bên ngoài cũng như nội tại (như thiên tai, dịch họa…) đã, đang và sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Nếu không có các giải pháp cụ thể và phân đầu việc, sẽ khó đảm bảo được an sinh xã hội.

- Hiện việc thực hiện các chương trình dạy nghề vẫn còn nhiều bất cập. Nếu không khắc phục, sẽ ảnh hưởng lâu dài đến an sinh xã hội, bà có đề xuất gì với Chính phủ?

Đúng là chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn trong thời gian qua mới chỉ đáp ứng được một phần yêu cầu của thực tiễn. Theo tôi, Chính phủ nên hoạch định chiến lược dạy nghề trên cơ sở căn cứ vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của từng ngành, từng địa phương. Quy hoạch lại hệ thống các cơ sở dạy nghề, kiên quyết loại bỏ các cơ sở đào tạo kém chất lượng. Nên quan tâm nhiều hơn đến các cơ sở dạy nghề cho người lao động ở nông thôn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; Yêu cầu chủ đầu tư phải thực hiện các điều khoản đã cam kết về việc đào tạo nghề và tiếp nhận lao động địa phương. Có chế tài nghiêm ngặt xử lý những chủ đầu tư chối bỏ trách nhiệm này. Đồng thời tuyên truyền và hướng nghiệp cho thanh niên, học sinh để có nhận thức đúng về nghề nghiệp, tránh quan niệm chỉ có một con đuờng duy nhất tiến thân bằng vào đại học.

- Việc thực hiện quỹ bình ổn giá cũng như đầu tư cho nông nghiệp nông thôn dường như chưa được quan tâm "đúng địa chỉ"?

Cái chưa được lớn nhất của chương trình bình ổn giá là sự  hỗ trợ đó chưa đến được những người cần được hỗ trợ nhất. Thực phẩm qua quá nhiều tầng, lớp trung gian gây thiệt thòi cho cả người nông dân và người tiêu dùng. Mục tiêu quan trọng hàng đầu của quỹ bình ổn giá là đem lại lợi ích thiết thực cho người sản xuất và người tiêu dùng. Nên chăng, chúng ta dùng quỹ bình ổn giá để hỗ trợ trực tiếp cho người sản xuất. Những năm tới Chính phủ cần quan tâm đầu tư hơn nữa cho nông nghiệp, vừa đảm trách được an ninh lương thực Quốc gia vừa phải đảm bảo xuất khẩu hiệu quả.

-  Xin cảm ơn bà!