Phát triển kinh tế xanh là xu thế tất yếu

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 27/6, Diễn đàn “Nhà Quản lý - Nhà báo - Doanh nghiệp với Tài nguyên và Môi trường” lần thứ VIII – 2024 với chủ đề “Kinh tế Xanh - Trách nhiệm của nhà sản xuất” do Báo Tài nguyên và Môi trường tổ chức, đã diễn ra tại Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành phát biểu tại diễn đàn.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành phát biểu tại diễn đàn.

Tham dự Diễn đàn có các đồng chí: Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lê Công Thành, cùng nhiều đại biểu là lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (DN) và các cơ quan thông tấn báo chí trên cả nước.

Xu thế phát triển của kinh tế toàn cầu

Phát biểu tại Diễn đàn “Nhà Quản lý - Nhà báo - Doanh nghiệp với Tài nguyên và Môi trường” lần thứ VIII năm 2024, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành đánh giá cao thành công của diễn đàn qua mỗi kỳ tổ chức.

Theo ông Lê Công Thành, thời gian gần đây sự hiểu biết của cộng đồng DN về kinh doanh bền vững, giảm phát thải ra môi trường đã được nâng cao rõ rệt. Nhiều DN đã và đang lấy kinh doanh xanh là chiến lược và là lợi thế cạnh tranh. Nhiều tập đoàn kinh tế và các doanh nghiệp lớn cũng đã nhanh chóng vào cuộc, đẩy mạnh chuyển đổi xanh phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế các bon thấp, hướng tới mục tiêu Net Zero.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Công Thành nhận định, sự thay đổi này chủ yếu diễn ra ở khối các DN lớn, DN có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi đó số lượng DN vừa và nhỏ chiếm khá nhiều nhưng chưa quan tâm thích đáng và chưa có chuyển biến rõ nét.

Do vậy, Thứ trưởng Lê công Thành đề nghị, trong thời gian tới, các DN cần quyết tâm chuyển đổi mạnh mẽ, đặc biệt nâng cao hiểu biết, nhận thức về trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nắm bắt các quy định liên quan của cả trong nước và quốc tế.

 

Mỗi đại biểu tham dự diễn đàn với vị trí, vai trò, nhiệm vụ của mình sẽ là đại sứ lan tỏa và truyền tải hiệu quả thông điệp chuyển đổi, phát triển xanh, sạch, bền vững; mỗi hoạt động ý nghĩa của quý vị sẽ góp phần quan trọng cho công cuộc quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu - Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành

“Trong thời gian tới, chúng ta cần phải có quyết sách đủ mạnh để cụ thể hóa quan điểm “Đầu tư cho môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững”. Đồng thời, huy động được nguồn lực xã hội hóa và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế” – ông Lê Công Thành nói và nhần mạnh rằng, quan điểm xuyên suốt là Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt, DN và người dân là trung tâm và chủ thể thực hiện, cùng với sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội.

Trong khuôn khổ diễn đàn, các đại biểu đã được lắng nghe nhiều tham luận của những chuyên gia, diễn giả như PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường; bà Chu Thị Kim Thanh - Giám đốc vận hành Liên minh tái chế bao bì Việt Nam – PROVIETNAM.

Ngoài ra, diễn đàn cũng nhận được những ý kiến phát biểu tâm huyết của TS Lê Xuân Nghĩa - Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng; bài phát biểu của ông Trần Quang Dũng - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam; ý kiến đóng góp của ông Bùi Đức Hiếu -Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TN&MT.

Các chuyên gia, nhà quản lý, lãnh đạo DN tại diễn đàn đều có chung một nhận định, việc phát triển kinh tế xanh là xu thế tất yếu của thời đại và là hướng đi không thể khác của nền kinh tế toàn cầu.

Trong xu thế hội nhập của kinh tế thế giới, Việt Nam cũng sẽ phải có sự chuẩn bị để tham gia vào “sân chơi lớn” này. “Đây là nghĩa vụ bắt buộc phải tuân thủ, không tuân thủ là chết, khi đó toàn nền kinh tế sẽ rơi vào rủi ro rất lớn” – TS Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.

Đồng quan điểm trên, TS Bùi Đức Hiếu - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TN&MT cho biết, về mặt khái niệm thì kinh tế xanh, tăng trưởng xanh là thuật ngữ xuất hiện do nhu cầu thế giới cần một nền kinh tế bền vững mà không làm ô nhiễm môi trường.

Kinh tế xanh dựa vào 5 trụ cột chính là TP trong thiên nhiên; tái quy hoạch năng lượng; sống bền vững; kinh tế xanh và tương lai tự cường. Tuy nhiên, tại mỗi quốc gia, tùy vào điều kiện và năng lực của mình sẽ áp dụng những trụ cột cho phù hợp. “Tại Việt Nam hiện nay, chúng ta cũng đang đi theo xu hướng này” – TS Bùi Đức Hiếu nói.

Diễn đàn thu hút nhiều đại biểu là chuyên gia, nhà quản lý, lãnh đạo DN đến tham dự và phát biểu ý kiến.
Diễn đàn thu hút nhiều đại biểu là chuyên gia, nhà quản lý, lãnh đạo DN đến tham dự và phát biểu ý kiến.

Báo chí cần truyền đạt thông tin đơn giản, dễ hiểu nhất

Một trong những phần đặc biệt nhất tại diễn đàn là phần phát biểu của Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ Lê Xuân Trung - Phó Chủ nhiệm Thường trực Câu lạc bộ Báo chí Phát triển Xanh - Green Media Hub thuộc Hội Nhà báo Việt Nam với nội dung vai trò của báo chí trong công cuộc chuyển đổi xanh, kinh tế xanh.

Theo ông Lê Xuân Trung, chưa bao giờ thuật ngữ “chuyển đổi xanh”, “kinh tế xanh” lại được chúng ta nói đến nhiều như thời điểm này. Bời đây là chủ trương, là chiến lược phát triển đã được Nhà nước, Chính phủ đề ra. Trong công cuộc thực hiện “chuyển đổi xanh”, “kinh tế xanh”, vai trò của báo chí là rất quan trọng. 

Với sứ mệnh là cơ quan truyền tải thông tin giữa các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách với các DN, người dân, bạn đọc, nhiệm vụ của các cơ quan báo chí, các nhà báo, phóng viên là phải truyền đạt thông tin một cách chính xác nhất, đầy đủ nhất và dễ hiểu nhất.

“Làm thế nào để đời thường hóa những câu chuyện vĩ mô, các chính sách, những thuật ngữ để người dân hiểu rõ hơn nữa về những nội dung liên quan đến chuyển đổi xanh, kinh tế xanh. Đó là nhiệm vụ của báo chí, phải chuyển đổi thông tin dễ hiểu” – nhà báo Lê Xuân Trung nói.

Lấy ví dụ về thành công của tỉnh Quảng Ninh trong quá trình chuyển dịch từ “kinh tế nâu” sang “kinh tế xanh” hay như việc tỉnh Ninh Thuận đã biến chính những khó khăn, khắc nghiệt của vùng đất đầy nắng và gió thành động lực để phát triển, nhà báo Lê Xuân Trung nhấn mạnh đến vai trò truyền cảm hứng, truyền tải năng lượng tích cực của báo chí.

“Báo chí cũng cần truyền tài những thông điệp mạnh mẽ, những thông tin có khả năng cảm hứng. Muốn làm được điều đó, báo chí phải làm những đề tài chuyên sâu, người thật, việc thật” – nhà báo Lê Xuân Trung nhận định.

 

Kinh tế xanh (Green economy) là nền kinh tế ít carbon, giảm thiểu mối nguy hại đến môi trường cũng như tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. Nền kinh tế xanh là một khuôn khổ kinh tế lồng ghép các hoạt động kinh tế với vấn đề bảo vệ môi trường và tài nguyên. Từ đó, tạo nên sự phát triển kinh tế bền vững, ổn định nguồn lao động, duy trì hệ sinh thái, giảm thiểu rủi ro môi trường cũng như sự khan hiếm về tài nguyên.