Về quy mô xuất khẩu, nếu như năm 2011, Việt Nam ở vị trí thứ 41 thì đến năm 2015 đã vươn lên vị trí thứ 32 và đến năm 2020 ở vị trí thứ 22. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu năm 2020 Việt Nam đã vươn lên vị trí 19 thế giới so với vị trí 33 của năm 2011; và từ năm 2016 đến nay, cán cân thương mại luôn ở vị thế xuất siêu.
Tập trung các mô hình tăng trưởng xanh
Sau 10 năm Việt Nam triển khai Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa (giai đoạn 2011 - 2020) xuất nhập khẩu hàng hóa đã đạt được những thành tựu ấn tượng, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế của đất nước.
Tuy nhiên, trong 10 năm qua, dù tăng trưởng xuất khẩu cao nhưng chưa bền vững khi cơ cấu thị trường xuất khẩu, nhập khẩu còn chậm chuyển dịch, cán cân thương mại song phương với một số thị trường lớn chưa hợp lý. Nền kinh tế chưa khai thác hết lợi thế cạnh tranh xuất khẩu dựa vào công nghệ, trình độ lao động, quản lý để tạo ra các nhóm hàng xuất khẩu có khả năng cạnh tranh cao, có hàm lượng khoa học, công nghệ cao.
Vì vậy, Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt đã quán triệt chủ trương, đường lối phát triển kinh tế - xã hội quan tâm đến những xu hướng mới trong kinh tế - thương mại quốc tế như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn…
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) Nguyễn Thúy Hiền, Bộ Công Thương xác định tăng trưởng xanh và phát triển kinh tế xanh là một trong những động lực tăng trưởng mới của ngành trong giai đoạn tới. Để cụ thể hóa cũng như xanh hóa các lĩnh vực thuộc ngành Công Thương, định hướng chính là tập trung các mô hình tăng trưởng xanh, phát triển công nghiệp sinh thái, tập trung phát triển năng lượng tái tạo, ưu tiên phát triển các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…
“Phát triển xuất khẩu là động lực của tăng trưởng kinh tế. Do đó, trong các năm tới chúng ta phải đảm bảo phát triển xuất nhập khẩu bền vững với cơ cấu cân đối, hài hòa. Cùng với đó, phát huy lợi thế cạnh tranh, phát triển thương hiệu hàng hóa Việt Nam, nâng cao vị thế quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu” - bà Nguyễn Thúy Hiền nói.
Hiện thế giới có xu hướng tiêu dùng sản phẩm xanh và bền vững, do vậy doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng việc này để tập trung sản xuất các sản phẩm xanh, ít tạo ra phát thải cacbon.
Chính sách xuất nhập khẩu hướng tới mặt hàng và thị trường
Theo Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - PGS.TS Bùi Quang Tuấn, để lồng ghép các mục tiêu tăng trưởng xanh cùng với thực hiện những cam kết thương mại quốc tế, phải bám sát vào chức năng của các chính sách thương mại.
Do đó, các chính sách xuất nhập khẩu phải hướng tới mặt hàng và thị trường, làm sao để thúc đẩy mở rộng và xâm nhập thị trường, cùng đó tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ những ngành mới đặc biệt là các kinh tế xanh, tăng trưởng xanh.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cần rà soát lại các mặt hàng, bởi thị trường Mỹ, EU… đang đi rất nhanh trong việc chuyển đổi xanh. Các chính sách cần thích ứng với những xu hướng mới đồng thời mở rộng thị trường, tạo động lực phát triển sản phẩm xanh, qua đó hỗ trợ thị trường và đầu tư cho công nghiệp mới nhằm đáp ứng cho yêu cầu chuyển đổi xanh.
''Cùng với đó, việc thiết kế cũng là yếu tố rất quan trọng để thực hiện kinh tế xanh và tăng trưởng xanh. Theo đó, không chỉ thiết kế sản phẩm và quy trình mà phải liên kết nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp, nhà tư vấn, nhà khoa học và ngân hàng mới huy động được lực lượng tổng hợp'' - ông Bùi Quang Tuấn chia sẻ.
Khi dịch Covid-19 xảy ra, chuyển đổi số là một yếu tố rất quan trọng để thúc đẩy trao đổi thương mại giữa các quốc gia, vì vậy chúng ta cần đẩy nhanh việc chuyển đổi số, phát huy những ưu việt của kinh tế hiện đại. Theo các chuyên gia kinh tế, hiện Việt Nam đang tham gia sâu, rộng vào nhiều hiệp định thương mại tự do, nên việc chuyển đổi số là quá trình tất yếu để mở rộng thị trường trong bối cảnh mới. Bởi tất cả các nền kinh tế muốn hội nhập vào thế giới không thể thiếu chuyển đổi số. Tuy nhiên, để chuyển đổi số thành công đòi hỏi có sự cố gắng từ cả Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp.
Trước mắt, Chính phủ cần tạo ra thị trường cho kinh tế số phát triển và thông qua cạnh tranh để tạo ra các doanh nghiệp vững mạnh, làm ăn tốt, từ đó thúc đẩy sản xuất phát triển. Các doanh nghiệp phải quan tâm đến chất lượng sản phẩm và nhu cầu thị trường, đồng thời tập trung đầu tư cho những yếu tố như mạng thông tin, phần mềm, thiết bị... nhằm tạo ra động lực cho phát triển cũng như đẩy mạnh đào tạo nhân lực kỹ thuật số để nắm bắt được xu thế phát triển của thế giới.
Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt bao gồm: Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 6 - 7%/năm, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 tăng 8 - 9%/năm; giai đoạn 2026 - 2030 tăng 5 - 6%/năm. Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa bình quân 5 - 6%/năm, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 tăng 7 - 8%/năm; giai đoạn 2026 - 2030 tăng 4 - 5%/năm.
Tăng tỷ trọng thị trường xuất khẩu khu vực châu Âu lên 16 - 17% tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025 và 18 - 19% vào năm 2030; khu vực châu Mỹ lên 32 - 33% tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025 và 33 - 34% vào năm 2030; tỷ trọng thị trường xuất khẩu khu vực châu Á vào khoảng 49 - 50% vào năm 2025 và 46 - 47% vào năm 2030.