Phát triển năng lực số cho học sinh, giáo viên là hai trụ cột nền tảng
Kinhtedothi - Tại hội thảo triển khai thực hiện khung năng lực số dành cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh phổ thông và học viên giáo dục thường xuyên diễn ra ngày 18/4, Thứ trưởng Thường trực Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng khẳng định: phát triển năng lực số cho học sinh, giáo viên được xác định là hai trụ cột nền tảng.
Trong những năm qua, chuyển đổi số trong giáo dục đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, để quá trình này đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả thì cần một cách tiếp cận hệ thống; trong đó, phát triển năng lực số cho học sinh, giáo viên được xác định là hai trụ cột nền tảng. Năng lực số không còn là kỹ năng bổ trợ mà đã trở thành năng lực cốt lõi, thiết yếu cho công dân trong thời đại cách mạng 4.0.

Toàn cảnh hội nghị
Tại hội thảo, hai nội dung cốt lõi trong tiến trình chuyển đổi số của ngành giáo dục được đề cập, đó là: triển khai khung năng lực số cho học sinh tại các trường phổ thông; xin ý kiến góp ý dự thảo khung năng lực số dành cho cán bộ quản lý, giáo viên.
Việc triển khai khung năng lực số cho học sinh trong các nhà trường giúp định hướng quá trình giáo dục, đánh giá và phát triển kỹ năng số một cách bài bản, phù hợp với từng cấp học.
Cùng với đó, khung năng lực số của đội ngũ giáo viên là điều kiện tiên quyết để thực hiện hiệu quả giáo dục số trong nhà trường; nâng cao chất lượng dạy học, cũng như đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong thời đại số.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết, hiện nhiều Sở GD&ĐT, nhà trường đã chủ động kết nối với chuyên gia, với các tổ chức, cá nhân để tập huấn giúp giáo viên nâng cao năng lực số. Nhiều học sinh có điều kiện đã chủ động ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo vào học tập.
Nhận định về 2 dự thảo (dự thảo hướng dẫn triển khai khung năng lực số cho học sinh phổ thông và học viên giáo dục thường xuyên; dự thảo khung năng lực số dành cho giáo viên), nhiều chuyên gia đánh giá, dự thảo đã dựa trên khung năng lực quốc tế nên bảo đảm tính hội nhập và khả thi, phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam.

Cần đưa giải pháp nâng cao vị thế môn tin học trong nhà trường.
Theo các chuyên gia, cần tăng cường tính định lượng, yêu cầu cụ thể; đồng thời chú trọng tích hợp liên môn, dạy học gắn liền với kiểm tra, đánh giá, có lộ trình, nguồn lực để thực hiện.
Với khung năng lực số cho học sinh, học viên, các đại biểu, chuyên gia cho rằng cần tập trung phương hướng, cách thức triển khai đồng bộ, hiệu quả tại các cơ sở giáo dục; đưa giải pháp nâng cao vị thế môn tin học trong nhà trường. Với dự thảo khung năng lực số cho giáo viên, đại biểu, chuyên gia quan tâm góp ý về mục đích, các nguyên tắc xây dựng khung năng lực này…
Những ý kiến góp ý là cơ sở quan trọng để Bộ GD&ĐT triển khai thực hiện khung năng lực số cho học sinh trong các trường phổ thông; hoàn thiện khung năng lực số cho giáo viên; đồng thời xây dựng lộ trình triển khai đồng bộ, hiệu quả và có chiều sâu trong thời gian tới.
“Khung năng lực số cho học sinh, giáo viên cần đảm bảo tính pháp lý, khoa học, giáo dục, thực tiễn và hiệu quả; đảm bảo công bằng, cơ hội trong tiếp cận khung năng lực số và trí tuệ nhân tạo; có tính kế thừa, phù hợp với năng lực tiếp nhận và định hướng phát triển năng lực của học sinh, chuẩn nghề nghiệp giáo viên; hình thành được năng lực tự nghiên cứu, tự học, thực hành và hoạt động được trong môi trường số...” - Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh.

Bộ GD&ĐT giữ nguyên lịch thi tốt nghiệp THPT 2025
Kinhtedothi - Để ổn định tâm lý cho học sinh, phụ huynh và không làm ảnh hưởng đến các hoạt động khác trong ngành giáo dục, Bộ GD&ĐT quyết định giữ nguyên lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2025 như đã công bố trước đó.

Bộ GD&ĐT chính thức công bố quy chế tuyển sinh đại học từ năm 2025
Kinhtedothi - Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư 06/2025 sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non, áp dụng từ năm 2025 với nhiều điều chỉnh nhằm tăng cường tính minh bạch, công bằng và nâng cao chất lượng tuyển sinh.

Bộ GD&ĐT thông tin về những điểm mới tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025
Kinhtedothi – Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 là kỳ thi đầu tiên theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 với nhiều điểm mới, trong đó có công tác ra đề thi và sắp xếp phòng thi.