Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát triển ngành nghề nông thôn: Chú trọng chất lượng nguồn nhân lực

Bài, ảnh: Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để thực hiện hiệu quả Nghị định số 52/NĐ-CP của Chính phủ về Phát triển ngành nghề nông thôn, Hà Nội đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ các thành phần kinh tế. Trong đó, chú trọng nhóm giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Nhiều sở, ngành cùng vào cuộc

Năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, Sở NN&PTNT vẫn tổ chức được 60 lớp tập huấn cho 2.400 học viên là lao động, chủ cơ sở sản xuất tại các làng nghề; 15 lớp đào tạo cho 900 cán bộ quản lý điều hành Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cấp huyện, xã.
Sở NN&PTNT cũng đã tổ chức 3 đoàn công tác cấp TP đi học tập, trao đổi kinh nghiệm triển khai Chương trình OCOP tại các tỉnh, thành: Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Hà Tĩnh và Sóc Trăng…
 Sản xuất rau mầm tại xã Ninh Sở, huyện Thường Tín.
Đồng hành cùng Sở NN&PTNT, Sở Công Thương cũng đã tổ chức 16 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho các cơ sở công nghiệp nông thôn về quản trị DN, thiết kế mẫu mã, marketing. Hoàn thành 5 lớp tập huấn giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP tại các điểm du lịch làng nghề, du lịch nông thôn...

Thời gian qua, Sở LĐTB&XH cũng đã chủ động phối hợp với các huyện, thị xã triển khai tổ chức đào tạo được 269 lớp với 9.295 người về các ngành nghề nông thôn. Đồng thời phối hợp với Liên minh HTX TP hoàn thành 2 lớp truyền nghề với 70 học viên tại huyện Chương Mỹ và huyện Ứng Hòa. Trong khi đó, 18 lớp tập huấn cho đối tượng là cán bộ chuyên trách, hộ kinh doanh, hợp tác xã, làng nghề đã được Sở KH&CN tổ chức thành công, giúp mang đến những kiến thức hữu ích để các thành phần kinh tế tiếp cận, tạo lập và phát triển tài sản trí tuệ, đáp ứng yêu cầu sản xuất mới.
 Chăm sóc cây dược liệu tại huyện Sóc Sơn.
Nâng hiệu quả đào tạo nghề

Theo thống kê, Hà Nội hiện có 313 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc 23 quận, huyện, thị xã. Nhờ công tác đào tạo, tập huấn được duy trì hàng năm, trình độ sản xuất trong các lĩnh vực ngành nghề nông thôn nói chung đã được cải thiện và nâng cao đáng kể. Nổi bật là các sản phẩm của làng nghề ngày một đa dạng về chủng loại. Đa số có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt. Một số sản phẩm có thế mạnh, tạo được cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, đặc biệt là nhóm các sản phẩm may mặc, gốm, sứ, dệt, thêu, ren truyền thống, thực phẩm chế biến...

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong phát triển ngành nghề nông thôn, tuy nhiên, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho rằng, việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ của TP trong lĩnh vực này hiện vẫn còn nhiều khó khăn do việc vận dụng chính sách vào thực tế còn bất cập.
 Giám sát quy trình sản xuất sữa bò tại một cơ sở thuộc huyện Gia Lâm.
Điển hình như chính sách ưu đãi hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề từ 3 tháng đến 1 năm hiện mới được thực hiện ở một số nghề. Bên cạnh đó, trình độ quản lý và tổ chức sản xuất của chủ cơ sở, DN tại các làng nghề chưa đáp ứng yêu cầu thị trường. Lao động tại các làng nghề phần lớn là do truyền nghề, không qua đào tạo bài bản nên trình độ sản xuất chưa cao. Nhiều làng nghề còn sản xuất thủ công nên năng suất lao động thấp…

Nhận thức được những rào cản trên, cũng như ý nghĩa của vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tạ Văn Tường cho biết, từ nay đến cuối năm 2021, sẽ tiếp tục phối hợp với các quận, huyện, thị xã triển khai tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn theo quy định của T.Ư và Hà Nội. Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác dạy nghề, truyền nghề; bảo đảm học viên, người lao động có thể thực hành, áp dụng vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh, từ đó đóng góp tích cực vào phát triển các ngành nghề nông thôn.