Đó là khẳng định của ông Nguyễn Thành Trung, Trưởng ban Marketing chiến lược bất động sản – TNG Realty Việt Nam tại Hội thảo Cuộc sống tiện nghi và Nhà thông minh, trong khuôn khổ Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - châu Á tại Hà Nội, chiều 30/11.
Những yếu tố thông minh đối với nhà ở cho đến nay, theo ông Trung, có thể kể đến hệ thống đèn chiếu sáng thông minh, cảm biến thời tiết, cảm biến nhiệt, năng lượng, các ứng dụng công nghệ hiện đại vào phòng cháy chữa cháy…
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thành Trung cũng dẫn một thống kê cho thấy tại Việt Nam hiện trung bình chi cho yếu tố thông minh chỉ ở mức khiêm tốn 87 USD/căn hộ/tổng doanh thu. “Nhìn chung các sản phẩm nhà ở thông minh tại Việt Nam chưa tiếp cận được số đông do vấn đề nhận thức, chi phí và giá cả, trong khi số lượng dân ở chung cư, các khu tòa nhà cao cấp hưởng các tiện ích thông minh chưa chiếm tỷ trọng cao”, ông Trung cho biết.
Dù vậy trong dài hạn, nhà ở thông minh sẽ vẫn là xu hướng, các chủ đầu tư sẽ chọn những giải pháp thông minh uy tín, đáp ứng nhu cầu số đông người dùng, theo đại diện từ TNG Realty Việt Nam.
Trong khi đó, một số chuyên gia nhận định, việc phát triển nhà ở thông minh tại Việt Nam đang có những nền tảng thuận lợi.
Ngày 17/3/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 258/QĐ-TTg phê duyệt Lộ trình áp dụng Mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng.
KTS Nguyễn Hoàng Phương, chuyên gia cao cấp Công ty Net Zero cho rằng, đây là minh chứng rõ rệt về lộ trình cụ thể và quyết liệt thúc đẩy số hóa trong ngành xây dựng của Việt Nam.
“Lộ trình này hướng đến việc đưa toàn bộ không gian 3 chiều của đô thị, khu dân cư, nhà máy lên bản đồ số. Theo đó, toàn bộ hạ tầng kĩ thuật trên mặt đất và dưới mặt đất, đường điện, khí, cấp thoát nước, internet, sẽ được đưa vào BIM”, ông Phương lý giải.
Việc hình thành hệ sinh thái quản lý số hóa ngành xây dựng với lộ trình cụ thể, cùng với những công nghệ phát triển như hiện nay là những nền tảng rất thuận lợi để phát triển nhà ở thông minh, theo chuyên gia từ Net Zero.
Mặt khác, theo KTS Nguyễn Hoàng Phương, việc phát triển nhà ở thông minh còn có thể giúp Việt Nam tiến đến một mục tiêu tham vọng hơn.
Bên cạnh nhà máy, khu sản xuất, công trình công cộng, các hộ gia đình tại đô thị lớn cũng chiếm tỷ trọng lớn trong mức tiêu thụ năng lượng chung. Từ đó, việc tối ưu hóa năng lượng sử dụng của các khu đô thị lớn có khả năng đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết vừa qua.
“Mỗi hộ gia đình có thể đóng vai trò như một trạm lưu trữ và sau đó nhả lại năng lượng lên hệ thống như một đơn vị tín dụng năng lượng hay không?”, ông Phương đặt vấn đề.
Trong bối cảnh đó, việc sử dụng công nghệ nhà thông minh hướng đến tiết kiệm, tối ưu hóa sử dụng năng lượng cần là một yếu tố được ưu tiên hàng đầu bên cạnh những tiêu chí khác về tiện ích, tiện nghi nơi ở, theo vị KTS này.