Khó tiếp cận nguồn vốn
Anh Bùi Văn Sơn – công nhân nhà máy thép tại thị trấn Văn Điển (Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, mới đây, gia đình anh có làm hồ sơ để mua một căn NƠXH trên địa bàn huyện Thanh Trì sử dụng nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội (NH CSXH). Nhưng thủ tục vay vốn rườm rà, quy trình gây khó cho người mua nhà.
“Tôi được ngân hàng thông báo là người vay phải đóng tiền tiết kiệm NƠXH trong vòng 12 tháng và khoản tiền này sẽ thực hiện ngay từ tháng đầu tiên của hợp đồng vay. Như vậy, nếu tính cả tiền lãi, tiền gốc và tiền tiết kiệm tôi phải đóng khoảng 9 – 10 triệu đồng/tháng, quá cao so với mức thu nhập của công nhân” – anh Sơn cho hay.
Theo Luật sư Hoàng Đạo – Văn phòng Luật sư 24/7, hiện nay, đối với chính sách giải ngân vốn vay NƠXH, Chính phủ đang thực hiện 2 hệ thống song hành. Đó là giải ngân tại NH CSXH và giải ngân tại các ngân hàng thương mại (NHTM) nhưng cơ chế lại hoàn toàn khác nhau. Tại NH CSXH, mức lãi suất quy định hiện hành là 4,8%/năm, song người vay phải nộp tiền tiết kiệm NƠXH trong vòng 12 tháng. Còn tại NHTM, mức lãi suất là 5%/năm (cao hơn NH CSXH) nhưng người vay không phải nộp tiền tiết kiệm, mặc dù lãi suất chênh lệnh không nhiều.
“Đây chính là bất cập lớn nhất về chính sách cho vay NƠXH. Nếu cho vay phải đóng tiền tiết kiệm thì chỉ những người thu nhập cao mới có khả năng mua, còn người thu nhập thấp khó có khả năng chi trả. Theo tôi, Nhà nước chỉ nên áp dụng một hệ thống quy định chung về chính sách vốn vay đối với NƠXH” – ông Đạo nhìn nhận.
Cần ưu tiên vốn cho ngân hàng thương mại
Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Trần Nam cho biết, theo quy định của pháp luật (Luật Nhà ở - PV), hàng năm, Nhà nước cấp 50% vốn cho NH CSXH, 50% huy động thêm từ các kênh khác nhau để hỗ trợ cho người mua, thuê mua NƠXH. Bên cạnh đó, 4 NHTM gồm: Vietcombank, BIDV, Agribank, VietinBank do Nhà nước chỉ định được cấp bù lãi suất vay 3 - 4%, còn lại tự huy động 100% để cho vay.
Như vậy, nếu cấp 1.000 tỷ đồng cho NHTM với tỷ lệ bù lãi suất vay 3 - 4%, mỗi năm có thể huy động thêm được 25.000 - 30.000 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này hỗ trợ cho cả người mua và DN xây dựng NƠXH. “Đây là biện pháp cần thiết hỗ trợ cho thị trường BĐS của phân khúc NƠXH. Vì hiện tại, nhiều chủ đầu tư khó bán sản phẩm do người mua không được hỗ trợ vốn vay trong khi nhu cầu NƠXH rất lớn” – ông Nam cho hay.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến hết năm 2019 mới thực hiện được khoảng 33% mục tiêu của Chương trình quốc gia về NƠXH. Cả nước mới chỉ có khoảng 80.000 căn hộ, trong khi nhu cầu đến năm 2020 khoảng 700.000 căn hộ.
TS Đoàn Văn Cương – chuyên gia tài chính cho biết, qua thực tế triển khai gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ chính sách NƠXH giai đoạn 2014 – 2016, NH CSXH chỉ cam kết một đồng vốn chính sách sẽ huy động thêm một đồng vốn xã hội. “Như vậy có thể thấy, nguồn vốn Chính phủ cấp cho các NHTM để thực hiện chính sách NƠXH có hiệu quả rất lớn.
Mới đây, Chính phủ và Quốc hội đã thống nhất bổ sung 3.000 tỷ đồng cho chính sách NƠXH, trong đó 2.000 tỷ đồng cấp cho hệ thống các NHTM. Theo tôi, đây là quyết định đúng đắn và phù hợp với thực tế” – ông Cương nhìn nhận.
"Hiện nay, trên thị trường đã xuất hiện rất nhiều dự án NƠXH được bán với giá 19 – 20 triệu đồng/m2, cao hơn rất nhiều so với quy định 15 triệu đồng/m2. Một trong những nguyên nhân tăng giá này do chủ đầu tư không tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi mà phải đi vay theo lãi suất của dự án thương mại." - Chuyên gia tài chính Nguyễn Huy Thành |