Phát triển nhà ở xã hội cũng rất cần sự hỗ trợ từ quốc tế

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 12/3, Bộ Xây dựng phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam tổ chức hội thảo về nhà ở xã hội tại Việt Nam và bài học từ kinh nghiệm quốc tế.

Hội thảo đã thu hút sự tham gia đóng góp ý kiến của các chuyên gia quốc tế về kinh nghiệm phát triển nhà ở xã hội, nhà giá rẻ từ thực tế đã được triển khai tại quốc gia đó.

Đây là cơ hội tốt giúp các nhà nghiên cứu, quản lý, hoạch định chính sách của Việt Nam tham khảo để hoàn thiện hệ thống văn bản liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng, phát triển đô thị, nhà ở và kinh doanh bất động sản, đặc biệt là chính sách phát triển nhà giá rẻ.

Theo khảo sát của Bộ Xây dựng, nhu cầu về nhà ở cho người thu nhập thấp tại Việt Nam hiện là 11,28 triệu m2, tương đương 282.000 căn. Trong giai đoạn 2013 – 2015, nhu cầu tăng thêm 2,64 triệu m2, tương đương 66.000 căn.

Trong giai đoạn 2016 – 2020, nhu cầu tăng thêm 3,36 triệu m2, tương đương 84.000 căn. Như vậy, tổng nhu cầu từ nay đến năm 2020 là khoảng 432.000 căn tương đương khoảng 17,28 triệu m2.

Đến nay, cả nước có hơn 3 triệu m2 sàn chung cư cũ được xây dựng từ trước năm 1991 với hơn 100.000 hộ dân đang sinh sống. Trong đó, tính riêng Hà Nội hiện đáng có khoảng 23 khu chung cư cũ từ 4 đến 5 tầng với diện tích sàn khoảng 1 triệu m2 với trên 30.000 hộ và 10 khu nhà ở thấp tầng.

Hiện tại tổng quỹ nhà ở trên toàn quốc vào khoảng 1.790 triệu m2. Nếu tính theo khu vực thì con số này tại các khu vực đô thị là gần 690 triệu m2 trong khi đó khu vực nông thôn là gần 1.100 triệu m2…
 
Phát triển nhà ở xã hội cũng rất cần sự hỗ trợ từ quốc tế - Ảnh 1
Nhiều chuyên gia quốc tế quan tâm đến vấn đề phát triển nhà ở xã hội tại Việt Nam.
Giám đốc WB tại Việt Nam Victoria Kwakwa nhận xét: Việt Nam đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, tăng 3,4% mỗi năm với khoảng 1 triệu dân chuyển dịch về các đô thị hàng năm. Điều này đã tạo áp lực lớn về nhu cầu nhà ở, đòi hỏi phải có phương thức giải quyết để tránh tình trạng nghèo đô thị, nghèo thành thị.

Các đô thị của Việt Nam đang thừa nhà cao cấp, thiếu nhà giá rẻ và phải tìm ra nguyên nhân để giải quyết tình trạng này. Đáp ứng nhà ở cho người dân cần tính đến cả lượng người di cư chứ không chỉ riêng những người có hộ khẩu chính thức.

Việt Nam vẫn may mắn vì không có các khu ổ chuột tại những đô thị lớn như nhiều nước khác trên thế giới. Tuy nhiên, nếu không giải quyết triệt để vấn đề nhà ở cho người dân đô thị, cả người định cư không chính thức thì nguy cơ hình thành các khu ổ chuột là khó tránh khỏi.

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, ông Sameh Naguib Wahba - Giám đốc Ban Phát triển đô thị, Ngân hàng Thế giới đã dẫn chứng những bài học thành công cũng như thất bại tại nhiều quốc gia trong việc phát triển nhà ở xã hội.

Theo ông Sameh, nhà ở xã hội được cấu thành bởi những yếu tố gồm: quy định phát triển, đất đai, tài chính phát triển, dịch vụ hạ tầng, công nghiệp xây dựng, tài chính cho người sử dụng cuối cùng. Bất kỳ mắt xích trong chuỗi yếu tố này yếu kém đều dẫn đến yếu kém trong việc phát triển nhà ở.

Ông Sameh nhấn mạnh, kinh nghiệm ở các nước làm tốt việc phát triển nhà ở xã hội là Nhà nước đưa ra được các khoản hỗ trợ tài chính cho người sử dụng cuối cùng; cung cấp được khoảng 50% cho những người có thu nhập thấp nhất các khoản tín dụng ưu đãi để thuê, mua nhà ở và quan trọng nhất là tăng cường khả năng tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp và người dân tham gia phát triển nhà ở xã hội.

Tại Braxin với số dân 191 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa cao đã dấn đến việc thiếu hụt khoảng 7 triệu căn nhà, tương đương 15-20% tổng số lượng nhà ở tại nước này. Ngoài ra, Braxin còn có một lượng lớn nhà ở xuống cấp. Để giải quyết vấn đề này, Braxin đã đưa vào chương trình phát triển nhà ở xã hội các tập hợp các chính sách giảm nghèo, tạo công ăn việc làm và giải quyết thiếu hụt nhà ở. Braxin hỗ trợ nhà ở cho người nghèo khi đồng thời khuyến khích họ đưa con đến trường, dạy nghề và tạo chỗ làm cho người dân. Một khi có việc làm và thu nhập ổn định, Nhà nước sẽ hỗ trợ các khoản vay ưu đãi đến 90% giá trị căn nhà. Ở Braxin, việc cấp phép xây dựng nhà ở xã hội trong vòng 15 ngày.

Hay như tại Ai Cập, Ma Rốc, các công ty xây dựng nhà ở xã hội hầu như không phải chịu rủi ro chính sách mà chỉ phải tính toán việc xây dựng các căn nhà phù hợp với điều kiện sống và thu nhập của người có thu nhập thấp. Chính phủ các nước này cũng kết hợp chương trình phát triển nhà ở xã hội với các chương trình cải tạo đô thị, xây dựng cơ sở hạ tầng, cải tạo nhà ở cho người dân ở những vùng đất dốc.

Đặc biệt, theo ông Sameh, kinh nghiệm đã làm thành công tại một số ngước cho thấy, muốn phát triển nhà ở xã hội thành công, không thể chỉ nhìn vào việc đáp ứng nhu cầu về căn hộ, diện tích sử dụng... mà phải luôn đi kèm với giải quyết vấn đề về sinh kế cho cư dân. Đó là sự hội nhập thực sự về văn hóa, xã hội và kinh tế cho họ...

Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 của Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011 đã khẳng định, phát triển nhà ở là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển kinh tế xã hội đồng thời là trách nhiệm của Nhà nước, của xã hội và của người dân.

Hơn nữa, giải quyết bài toán về nhà ở cho người dân, đặc biệt là nhà ở xã hội là việc không phải của riêng Bộ Xây dựng mà là của các cấp, bộ ngành liên quan và của toàn xã hội. Để giải quyết về nguồn cung và vốn cho nhà ở xã hội, nguồn lực của nhà nước có hạn, cho nên cần xã hội hóa công tác đầu tư từ nguồn lực tư nhân trong nước để xây dựng nhà ở xã hội, đồng thời cần sự hỗ trợ từ quốc tế.