Phát triển nhà ở xã hội đón nhiều hỗ trợ mới

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ hôm nay 10/1, Nghị định 188 do Chính phủ ban hành, có nhiều quy định cơ chế hỗ trợ, ưu đãi tích cực cho việc phát triển và quản lý nhà ở xã hội chính thức có hiệu lực.

Theo đó, dự án phát triển nhà ở xã hội được Nhà nước hỗ trợ, ưu đãi, được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội (bao gồm cả quỹ đất để xây dựng các công trình kinh doanh thương mại) đã được phê duyệt.

Trường hợp chủ đầu tư dự án đã nộp tiền sử dụng đất khi được Nhà nước giao đất; đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác mà diện tích đất đó được sử dụng để xây dựng nhà ở xã hội hoặc trường hợp chủ đầu tư dự án đã nộp tiền sử dụng đất đối với quỹ đất 20% thì được Nhà nước hoàn trả lại hoặc được khấu trừ vào nghĩa vụ tài chính mà chủ đầu tư dự án phải nộp cho Nhà nước theo quy định của pháp luật về đất đai.

Ngoài việc được ưu đãi thuế, chủ đầu tư sẽ được các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại và các định chế tài chính có trách nhiệm dành lượng vốn tối thiểu khoảng 3% tổng dư nợ cho các chủ đầu tư dự án NƠXH và người mua, thuê, thuê mua nhà thu nhập thấp vay với lãi suất ưu đãi thấp hơn thị trường. Về kỳ hạn trả nợ phải phù hợp với khả năng của khách hàng. Bên cạnh đó, chủ đầu tư được vay vốn ưu đãi từ nguồn ngân sách của địa phương, nguồn phát hành trái phiếu chính quyền địa phương...

Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội cũng được hỗ trợ từ nguồn ngân sách toàn bộ kinh phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào, được hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ kinh phí bồi thường, GPMB, đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong phạm vi dự án. Được miễn thực hiện thủ tục thẩm định cơ sở đối với trường hợp dự án sử dụng thiết kế mẫu.

Đặc biệt, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được phát hành trái phiếu do chính phủ bảo lãnh theo quy định pháp luật về phát hành trái phiếu. Được dành 20% tổng diện tích đất ở được giao trong phạm vi dự án phát triển nhà ở xã hội (bao gồm cả dự án sử dụng quỹ đất 20%) để đầu tư xây dựng công trình kinh doanh thương mại (kể cả nhà ở thương mại cao tầng hoặc thấp tầng) nhằm bù đắp chi phí đầu tư, góp phần giảm giá bán, giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội và giảm chi phí dịch vụ quản lý, vận hành nhà ở xã hội sau khi đầu tư.

Đối với cá nhân, hộ gia đình tham gia đầu tư nhà ở xã hội, Nghị định cũng nêu rõ: Miễn tiền sử dụng đất khi được phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất khác sang xây dựng nhà ở xã hội; được miễn, giảm và hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân và các loại thuế khác liên quan đến hoạt động bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về thuế; được sử dụng nhà ở hình thành trong tương lai để làm tài sản thế chấp khi vay vốn đầu tư nhà ở xã hội;...

Ngoài ra, Bộ Quốc Phòng và Bộ Công an được phép triển khai các dự án nhà ở xã hội theo quy định để giải quyết nhà ở cho sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, nhưng phải đảm bảo nguyên tắc mỗi đối tượng chỉ được hỗ trợ 1 lần.