Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát triển nhà ở xã hội: Huy động đa dạng nguồn lực đầu tư

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước ngày 15/8, UBND các tỉnh, TP phải báo về lộ trình triển khai Đề án phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) giai đoạn từ nay đến năm 2030, trong đó đặt mục tiêu phấn đấu xây dựng trên 1 triệu căn hộ NƠXH.

 Đây là nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại hội nghị “Phát triển NƠXH cho công nhân, người thu nhập thấp” mới đây đang được dư luận đặc biệt quan tâm.

Còn nhiều khó khăn vướng mắc

Anh Trần Văn Bắc (quê Nam Định), công nhân một nhà máy sản xuất thép tại thị trấn Văn Điển (Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ, gia đình anh đã sinh sống, làm việc ở Hà Nội hơn 10 năm, phải đi thuê nhà ở, cuộc sống gặp nhiều khó khăn.

“Ba năm gần đây, tôi đều làm hồ sơ mua NƠXH theo chính sách ưu đãi về vay vốn nhưng không đủ điều kiện hoặc số lượng hồ sơ quá nhiều nên chưa được xét duyệt. Thậm chí, tôi cũng chấp nhận mua một căn hộ cách chỗ làm chừng 20km nhưng khi đến nơi thì không dám mua vì dự án tuy đã xong nhưng thiếu hạ tầng cơ bản và cũng chưa có ai đến ở” – anh Bắc nói.

Nhà ở xã hội trên địa bàn phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Công Hùng
Nhà ở xã hội trên địa bàn phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Công Hùng

Câu chuyện về nhà ở giá rẻ nói chung, NƠXH cho người thu nhập thấp nói riêng, luôn là vấn đề được Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền và đông đảo người dân đặc biệt quan tâm. Nhưng tình trạng “lệch pha” cung cầu trên thị trường vẫn diễn biến ngày một sâu sắc mà chưa có giải pháp hiệu quả để cân đối.

Theo đó, quỹ nhà ở dành cho người thu nhập cao đang ngày càng dư thừa, trong khi DN vẫn chỉ chú tâm đầu tư vào phân khúc này vì mang lại lợi nhuận cao, thời gian thu hồi vốn nhanh. Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, tính đến hết năm 2021 phân khúc căn hộ trung - cao cấp trên thị trường đang dư thừa khoảng trên 70 triệu mét vuông sàn.

Trong khi đó, nhà ở giá thấp (trong đó có NƠXH) chiếm khoảng 70 – 80% nhu cầu của người dân thì lại đang thiếu hụt trầm trọng. Tính đến hết tháng 6/2022, cả nước đã hoàn thành 279 dự án NƠXH, quy mô xây dựng khoảng 148.000 căn, với tổng diện tích hơn 7.400.000m2 sàn nhà ở.

Trong đó, NƠXH cho công nhân khu công nghiệp (KCN) là 122 dự án, diện tích 2.721.500m2; NƠXH dành cho người thu nhập thấp ở các đô thị có 157 dự án, diện tích 4.674.000m2. Đồng thời, những dự án đã được cấp phép và đang triển khai đầu tư xây dựng là 355 dự án.

Số liệu thống kê đã chỉ rõ nhu cầu 12,5 triệu mét vuông sàn NƠXH giai đoạn 2010 – 2020, đến tận giữa năm 2022 mới chỉ hoàn thành được xấp xỉ 60%. Nếu nhìn vào con số 100.000 DN xây dựng và 15.000 DN kinh doanh BĐS trên cả nước tham gia đầu tư kinh doanh BĐS (tăng hơn 2,3 lần so với năm 2010), thì những việc đã làm được thời gian qua quả là đáng báo động. Và nếu đưa ra đong đếm cụ thể, trong số trên 5.000 dự án nhà ở được cấp phép 10 năm trở lại đây, chỉ có khoảng 1.000 dự án NƠXH thì lại càng trở nên báo động hơn về sự “lệch pha” giữa phân khúc sản phẩm và sự thiếu hụt trầm trọng của NƠXH dành cho công nhân, người thu nhập thấp tại các đô thị.

“Kết quả phát triển các dự án NƠXH, nhà ở công nhân năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 còn hạn chế so với nhu cầu về nhà ở của đối tượng thu nhập thấp, trung bình, công nhân KCN. Các dự án chậm triển khai do thiếu vốn, vướng mắc về cơ chế, trong khi đó giá nhà đất liên tục tăng cao. Điều này khiến cho người lao động thu nhập thấp tại đô thị, công nhân KCN càng khó khăn hơn trong việc tiếp cận, tạo lập chỗ ở” – Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị thẳng thắn thừa nhận.

Cần linh hoạt trong đầu tư

Trước những khó khăn, vướng mắc kéo dài trong công tác phát triển NƠXH cho công nhân, người thu nhập thấp ở đô thị, ngày 1/8 vừa qua, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị “Phát triển NƠXH cho công nhân, người thu nhập thấp” dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Sau khi nghe ý kiến thảo luận từ các địa phương, chuyên gia, nhà quản lý, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, vấn đề phát triển NƠXH luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, thường xuyên chỉ đạo, điều hành.

Nhưng qua thực tế triển khai, công tác này còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thiếu nguồn vốn đầu tư, cho vay ưu đãi. Đồng thời, cũng chưa có cơ chế huy động các nguồn lực hợp tác công tư một cách hiệu quả, hệ thống.

Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương tập trung vào một số công việc cấp thiết, gồm: Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư; phát triển NƠXH gắn với phát triển thị trường BĐS ở mỗi địa phương. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để nhà đầu tư nước ngoài tham gia tích cực, hiệu quả hơn trong phát triển NƠXH cho công nhân, người lao động.

“Phát triển NƠXH, nhà ở công nhân là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển kinh tế - xã hội, trách nhiệm, nghĩa vụ, đạo đức của cả hệ thống chính trị, những người làm nhiệm vụ quản lý Nhà nước, DN, nhất là những người đứng đầu bộ, ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, TP. Nhưng phát triển NƠXH phải phù hợp khả năng chi trả của công nhân, người lao động, người thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn” – Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Các chuyên gia, nhà quản lý đều cho rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt, sát với thực tế, nói đi đôi với làm của Thủ tướng Phạm Minh Chính, công tác phát triển NƠXH thời gian tới sẽ đạt được những kết quả tích cực. Đồng thời cũng kiến nghị một số giải pháp để các bộ, ngành, địa phương cùng nghiên cứu, triển khai căn cứ vào điều kiện thực tế mỗi địa bàn, trong đó quan trọng nhất đó là việc cải cách, giảm tải thủ tục hành chính, trình tự thủ tục đầu tư xây dựng dự án NƠXH thành quy trình chuẩn để các địa phương thống nhất thực hiện.

Cụ thể gồm 4 bước: Chấp thuận chủ trương, nhà đầu tư tại Sở KH&ĐT; Sở Xây dựng hoặc Sở QH-KT phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/500; Sở TN&MT thực hiện thủ tục giao đất, công nhận chủ đầu tư và thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất.

Cùng với đó, Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu cân đối nguồn ngân sách cho vay để đầu tư và mua NƠXH với ưu đãi về lãi suất. Tăng cường cơ chế, chính sách hỗ trợ cho những dự án nhà ở giá thấp, vừa túi tiền để giải quyết nhu cầu cấp bách về chỗ ở cho công nhân, người thu nhập thấp. Quan trọng nhất là cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương cần linh hoạt trong việc chấp thuận đầu tư các sản phẩm NƠXH, nhà ở giá thấp.

“Đề xuất cho phép chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại được lựa chọn hình thức dành quỹ đất 20% để xây dựng NƠXH trong dự án hoặc hoán đổi quota 20% quỹ nhà ở, đất ở của dự án nhà ở thương mại bằng số lượng NƠXH tương đương tính theo căn hộ.

Hình thức hoán đổi khác gồm dùng diện tích sàn xây dựng căn hộ, đất ở tương đương với giá trị quỹ đất 20% tại thời điểm hoán đổi để sử dụng làm NƠXH theo quy định. Ngoài ra, nên xem xét cho phép DN, hộ gia đình, cá nhân, hợp tác xã bỏ vốn đầu tư xây dựng NƠXH cho thuê là phòng trọ, nhà trọ trên diện tích đất ở hợp pháp của mình” – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu nói.

 

"Các quy định về việc phát triển NƠXH hiện nay còn bất cập, trong đó mới có DN tham gia đầu tư, chưa cho phép sự tham gia của người dân, nhất là công nhân, người dân tham gia. Do đó, việc đầu tư phát triển NƠXH phải có sự tham gia của nhiều đối tượng hơn, đặc biệt là sự tham gia của đầu tư công hoặc giao cho DN Nhà nước đầu tư, nhưng rất cần sự tham gia của Nhà nước. Ngoài ra, các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm hơn đối với công tác này, trong đó phải có quy hoạch, dành quỹ đất cho phát triển NƠXH."  - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang

"Phải xem xét quy định liên quan 20% diện tích trong khu đô thị, khu nhà ở thương mại cho NƠXH. Đặc biệt, việc phát triển NƠXH ở nước ta cần nghiên cứu, học tập và áp dụng các mô hình phát triển tại một số nước có điều kiện tương đồng với Việt Nam đã làm hiệu quả." - Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc