Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát triển nông nghiệp xanh tại huyện Đan Phượng

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là địa phương có tốc độ đô thị hóa khá nhanh, huyện Đan Phượng xác định nông nghiệp sinh thái là hướng phát triển trong tương lai. Đến nay, nhiều mô hình nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường đã hình thành, góp phần thực hiện mục tiêu Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội.

Nông nghiệp đa giá trị

Ghé thăm Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ Cuối Quý (huyện Đan Phượng), nhiều người sẽ dễ dàng cảm nhận không gian xanh mát của những ô thửa canh tác rau an toàn nơi đây. Khu vườn màu xanh này hiện đang cung cấp cho thị trường khoảng 6 tấn rau củ mỗi tháng.

Các em nhỏ thích thú chụp ảnh tại vườn nho Hợi Hường (huyện Đan Phượng).
Các em nhỏ thích thú chụp ảnh tại vườn nho Hợi Hường (huyện Đan Phượng).

Bà Đặng Thị Cuối - Giám đốc HTX cho biết, từ năm 2018, HTX đã thuê đất nông nghiệp của các hộ dân không canh tác, hoặc sản xuất không hiệu quả để hiện thực hóa mục tiêu về một vùng chuyên canh rau hữu cơ.

Đến nay, diện tích canh tác của HTX đã được mở rộng lên hơn 5ha trong đó có 85 nhà màng, nhà lưới, với diện tích khoảng 20.000m2, áp dụng hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, điều tiết nhiệt độ, ánh sáng đã được đầu tư. Để phục vụ bảo quản, nâng cao chất lượng rau củ, hai năm qua, HTX cũng đã đầu tư 1 kho bảo quản lạnh và 1 nhà sơ chế rau củ sau thu hoạch.

Với chất lượng được bảo đảm, HTX đã có 21 sản phẩm OCOP rau củ được UBND TP Hà Nội đánh giá, phân hạng từ 3 - 4 sao. Rau củ của HTX được thị trường đón nhận tích cực, mỗi tháng mang lại doanh thu hàng tỷ đồng; đồng thời, tạo công ăn việc làm cho hàng chục nhân công địa phương.

Không chỉ tạo ra những sản phẩm hữu cơ an toàn, thân thiện với môi trường, HTX Sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ Cuối Quý hiện còn là điểm đến trải nghiệm thú vị của học sinh các cơ sở giáo dục trong và ngoài huyện Đan Phượng. Sinh viên nhiều trường đại học, cao đẳng cũng lựa chọn nơi đây để học tập thực tiễn canh tác nông nghiệp hữu cơ…

Những ngày này, vườn nho của hộ anh Nguyễn Hữu Hợi (xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng) đang bắt đầu ra hoa kết trái. Ghé thăm khu vườn, ai nấy đều thích thú nhìn ngắm những chùm nho trĩu quả, căng mọng. Nhà vườn đón khách từ sáng sớm đến chiều muộn. Du khách đến vườn nho có thể chụp ảnh, check-in, mua những chùm nho to tròn, thơm ngon về thưởng thức, hoặc gửi tặng bạn bè, người thân.

Anh Nguyễn Hữu Hợi, chủ vườn nho Hợi Hường cho biết hiện nay đơn vị vừa bán nho, vừa kết hợp tổ chức du lịch trải nghiệm cho du khách. Hiện mỗi ngày, vườn nho vẫn đón bình quân vài chục khách; dịp cuối tuần hoặc nghỉ lễ, có ngày khu vườn đón cả trăm người ghé thăm.

Hiện nay trên địa bàn huyện Đan Phượng, ngoài hộ anh Hợi, còn có hàng chục gia đình khác đang phát triển mô hình trồng nho hạ đen kết hợp làm du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm. Nguồn thu kép từ mô hình canh tác nông nghiệp xanh, theo hướng sinh thái khiến các hộ dân hết sức phấn khởi.

Khai thác tiềm năng từ đất

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Viết Đạt, trong những năm qua, địa phương tập trung phát triển các mô hình nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị và định hướng xây dựng quận trong tương lai.

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất hoa lan tại Hợp tác xã Đan Hoài (huyện Đan Phượng).
Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất hoa lan tại Hợp tác xã Đan Hoài (huyện Đan Phượng).

Nhiều mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao đã thành hình, mà mô hình rau hữu cơ của HTX Sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ Cuối Quý, hay vườn nho hạ đen của anh Hợi kể trên là những ví dụ điển hình.

Những diện tích sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ ngày một tăng. Đến nay, tổng diện tích rau củ, cây ăn quả đạt tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP trên địa bàn huyện đã lên tới 140ha.

Huyện cũng đã xây dựng được 8 thương hiệu, nhãn hiệu tập thể cho nông sản, cụ thể là: nấm, hoa, rau giá Trung Châu; bưởi tôm vàng Đan Phượng; thịt lợn an toàn Trung Châu; sản phẩm chăn nuôi Phương Đình; đậu phụ xã Hồng Hà và đậu phụ xã Hạ Mỗ.

Để tạo tiền đề phát triển các mô hình nông nghiệp xanh, thời gian qua, huyện Đan Phượng đẩy mạnh đấu giá quyền sử dụng đất nông nghiệp ven bãi sông Hồng, sông Đáy. Gần 100ha đã được chính quyền địa phương đấu giá thành công, làm cơ sở để các chủ thể phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Có thể kể tới những mô hình tiêu biểu như trồng hoa lan Hồ điệp của HTX Đan Hoài, hay sản xuất nấm hữu cơ của HTX nấm Nghĩa Minh.

“Việc đấu giá đất nông nghiệp giúp mang lại nguồn thu cho ngân sách, tạo động lực phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, đồng thời khai thác hiệu quả nhất tiềm năng, giá trị của đất. Đặc biệt là giúp nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên mỗi héc-ta canh tác…” - ông Nguyễn Viết Đạt thông tin thêm.

Cũng theo đại diện Phòng Kinh tế huyện Đan Phượng, hiện nay trên địa bàn huyện còn khoảng 980ha đất ven bãi sông Hồng, sông Đáy, rất thuận lợi cho phát triển các mô hình nông nghiệp xanh. Thời gian tới, huyện sẽ phối hợp với các phòng ban, đơn vị của huyện để đẩy mạnh công tác đấu giá quyền sử dụng những diện tích đất nông nghiệp ven bãi, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển nông nghiệp sinh thái.

Phát triển theo xu hướng công nghệ cao

Thực tế, sản xuất nông nghiệp tại huyện Đan Phượng hiện nay vẫn chưa khai thác hết tiềm năng quỹ đất bãi bồi ven sông. Các mô hình nông nghiệp xanh, theo hướng sinh thái, mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang từng bước phát triển, tuy nhiên, quy mô sản xuất nhìn chung còn nhỏ lẻ. Liên kết sản xuất - tiêu thụ cũng còn những hạn chế nhất định…

Một vướng mắc được nhiều nông hộ chia sẻ, đó là thời hạn cho thuê đất nông nghiệp hiện nay chỉ kéo dài 5 năm là quá ngắn. Với đất nông nghiệp, bà con thường mất ít nhất một năm cải tạo đất, những năm tiếp theo mới có thể đầu tư phát triển. Việc chỉ được thuê đất 5 năm có thể hạn chế khả năng tiếp cận đất nông nghiệp của những chủ thể mong muốn sản xuất lớn, ổn định, lâu dài.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng, trong giai đoạn 2023 - 2025, địa phương định hướng tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp xanh gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với nông nghiệp đô thị.

Huyện cũng sẽ hoàn thành xây dựng bản đồ chất lượng đất, tổ chức đấu giá trước mắt là khoảng 450ha đất bãi sông Hồng, sông Đáy, đất nông nghiệp công ích để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hướng dẫn, tạo điều kiện cho các đơn vị trúng thầu ứng dụng công nghệ cao vào canh tác theo định hướng phát triển nông nghiệp chung.

“Những diện tích canh tác hữu cơ, VietGAP sẽ được huyện tiếp tục nhân rộng. Huyện cũng tiến tới cấp mã số vùng trồng cho những vùng sản xuất rau màu tại xã Liên Hồng, Hồng Hà, Thọ An… nhằm thực hành canh tác nông nghiệp tốt hơn, đáp ứng nhu cầu về nông sản an toàn cho cư dân đô thị trong tương lai...” - ông Nguyễn Thạc Hùng cho biết thêm.

 

Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, tốc độ tăng trưởng lĩnh vực nông nghiệp của huyện Đan Phượng đạt 5,38%; giá trị sản xuất trên 1ha canh tác nông nghiệp đạt 425 triệu đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 73 triệu đồng/người/năm. Huyện Đan Phượng tiếp tục là địa phương dẫn đầu toàn TP về kết quả xây dựng huyện, xã nông thôn mới.