Phát triển nông nghiệp xanh từ cây chè gắn với du lịch trải nghiệm
Kinhtedothi - Anh Hoàng Văn Tuấn - chủ thương hiệu trà Tuấn Nhung Phú Đô (xã Vô Tranh, Thái Nguyên) chọn bắt đầu từ mảnh đất quê nhà, nơi gia đình anh đã gắn bó với cây chè qua nhiều thế hệ. Với hướng đi sản xuất trà hữu cơ, anh vừa gìn giữ nghề truyền thống, vừa góp phần bảo vệ môi trường sống và tạo sinh kế bền vững.
Từ giảng đường đến những ấm trà đầu tiên
Ngay từ khi học THPT, Tuấn đã ấp ủ, rồi phụ giúp gia đình trồng và chế biến chè. Tuy nhiên, sau hai năm bươn chải, anh Tuấn nhận ra rằng để phát triển nghề làm chè một cách bài bản, không thể chỉ dựa vào kinh nghiệm truyền thống mà cần trang bị thêm kiến thức chuyên môn và kỹ năng kinh doanh.
Tình yêu với cây chè quê hương chưa bao giờ nguôi ngoai, vì vậy, vừa học đại học, chàng sinh viên ấy vừa mang những ấm trà quê hương giới thiệu tới thầy cô, bạn bè và cả những khách hàng nơi đô thị như một cách gìn giữ và lan tỏa hương vị quê nhà giữa chốn phồn hoa.
Vừa đi học, vừa làm thêm nhiều công việc khác để có thu nhập và mở rộng mối quan hệ, anh Tuấn tranh thủ mọi cơ hội để quảng bá sản phẩm trà quê mình - từ các buổi gặp mặt, hội chợ hàng nông sản sạch đến những lần mời bạn bè uống trà tại phòng trọ. Từng bước chân nhỏ ấy lặng lẽ đưa cái tên Tuấn Nhung Phú Đô vào nhận thức của người tiêu dùng như một thương hiệu tử tế, chất phác và mang đậm hồn quê.

Anh Hoàng Văn Tuấn kiên trì khởi nghiệp phát triển nông nghiệp xanh từ cây chè gắn với du lịch trải nghiệm. Ảnh: NVCC
Năm 2017, khi tốt nghiệp đại học, cũng là thời điểm bộ tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp hữu cơ Việt Nam chính thức ra đời. Nhận thấy đây là cơ hội phù hợp, anh Tuấn quyết định rời phố về quê để xây dựng vùng nguyên liệu trà hữu cơ - một bước ngoặt khiến nhiều người thân, bạn bè bất ngờ, thậm chí phản đối.
“Dòng họ Hoàng đã gắn bó với nghề trà qua nhiều thế hệ. Tôi muốn kế thừa nhưng không sao chép. Phải đổi mới để nghề truyền thống có thể phát triển theo hướng bền vững, hòa hợp với tự nhiên” - anh Hoàng Văn Tuấn chia sẻ.
Trong khi nhiều bạn bè chọn ổn định nơi thành thị, anh Tuấn âm thầm quay về nương chè, vừa làm vừa học thêm. Anh tiếp tục theo học cao học và đăng ký thêm một văn bằng hai - tích lũy thêm kiến thức, chuẩn bị kỹ cho hành trình khởi nghiệp từ nghề nông.
Gian nan những ngày đầu khởi nghiệp
Giai đoạn 2017 - 2021 là thời điểm khó khăn nhất đối với anh Tuấn. Xây dựng vùng nguyên liệu chè theo hướng hữu cơ không dùng phân bón và thuốc trừ sâu hóa học, đồng nghĩa với việc cây dễ bị sâu bệnh, chi phí đầu tư cao. Trong khi đó, thị trường lại chưa hiểu rõ giá trị của sản phẩm hữu cơ, còn so sánh với các loại trà tẩm hương, nhuộm màu.
“Có lúc tôi muốn bỏ cuộc vì người tiêu dùng chưa thật sự thấu hiểu sự vất vả của người làm trà sạch. Họ chỉ quan tâm nước trà phải xanh, hương phải thơm, hậu vị phải ngọt, mẻ nào cũng giống nhau... mà chưa hiểu rằng hương vị trà tự nhiên là sự hòa quyện của đất, trời, tiết khí, mùa vụ và cả tâm của người làm” - anh Tuấn chia sẻ.
Không chỉ khó về kỹ thuật và đầu ra, anh Tuấn còn phải vượt qua sự hoài nghi từ chính gia đình và bạn bè. Anh không tranh luận, mà chọn cách thuyết phục bằng hành động: làm tốt trên nương chè, chăm chút sản phẩm, đầu tư vào dịch vụ. Hai nhiệm vụ song hành: vừa làm nghề, vừa xây niềm tin đòi hỏi anh Tuấn phải bền bỉ và vững lòng.
Không dừng lại ở việc trồng chè hữu cơ, anh Tuấn còn nỗ lực xây dựng mô hình nông nghiệp tuần hoàn. Trong giai đoạn 2017 - 2020, khi địa phương có rất nhiều phế phụ phẩm nông - lâm nghiệp như rơm rạ, mùn cưa, vỏ trấu… anh đã xin hoặc mua lại với giá rẻ để đem về sản xuất than sinh học, phối trộn với phân chuồng. Cách làm này vừa tạo việc làm, vừa giảm chi phí đầu tư, cải thiện chất lượng đất và bảo vệ môi trường.
Anh cũng dành thời gian nghiên cứu, sản xuất thuốc trừ sâu thảo mộc dựa trên các tài liệu khoa học và kinh nghiệm của người bản địa. Nhờ sự hỗ trợ của các thầy cô, chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, Tuấn từng bước tạo nên một hệ sinh thái sản xuất bền vững - từ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cải tạo đất đến xử lý nước.
Với anh Tuấn, trà không chỉ là một sản phẩm nông nghiệp, mà còn là một phần của văn hóa Việt. Anh tin rằng giá trị vô giá của văn hóa trà không nằm ở quy trình kỹ thuật mà ở tình yêu đất nước, quê hương, sự hòa quyện giữa các vùng miền và dân tộc.
Anh Hoàng Văn Tuấn chia sẻ, sản phẩm trà Tôm nõn Hoàng Gia như một minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng của làm nghề chè bằng tư duy xanh. Sản phẩm không chỉ được người tiêu dùng trong nước yêu thích mà còn được giới chuyên gia quốc tế đánh giá cao. Mới đây, sản phẩm Tôm nõn Hoàng Gia của anh Tuấn vừa đoạt giải Đồng tại cuộc thi Golden Leaf Awards 2024 tổ chức tại Úc. Đây cũng là đơn vị đầu tiên của ngành chè ở phía Bắc nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng được Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đánh giá cao kết quả chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, là đơn vị duy nhất của ngành chè Việt Nam được vinh danh TOP Công nghiệp 4.0 Việt Nam - Industrie 4.0 Awards lần thứ Ba năm 2024, tại Hà Nội.

Bình lặng thưởng trà ngắm phố
Kinhtedothi - Bình dị, gần gũi, thân quen, là nơi chốn gặp gỡ, chuyện trò sau mỗi giờ làm việc, học tập căng thẳng, là nơi hàn huyên, tâm sự, nhỏ to đủ chuyện trên đời nơi góc phố thân quen, quán trà đá vỉa hè vẫn hiện hữu ở Hà Nội từ rất lâu và ngày ngày vẫn là điểm hẹn thân thuộc của bất kỳ ai...

Ứng dụng công nghệ đẩy mạnh tiêu thụ trà Việt

Hướng đến một nền nông nghiệp xanh
Kinhtedothi - Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong sản xuất nông nghiệp có thể để lại nhiều hệ luỵ về môi trường và sức khoẻ người tiêu dùng. Chính vì vậy, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội đang chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh các giải pháp nhằm kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh và hạn chế sử dụng thuốc BVTV, hướng đến một nền nông nghiệp xanh.