Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển, Quảng Ngãi cần hơn 250 tỷ đồng

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quảng Ngãi cần hơn 250 tỷ đồng để đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển, đưa lĩnh vực này trở thành ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn.

Ngày 2/3, UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành quyết định phê duyệt đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nuôi cá lồng bè trên biển ở Lý Sơn.
Nuôi cá lồng bè trên biển ở Lý Sơn.

Đề án ưu tiên phát triển các vùng nuôi trồng thủy sản trên biển tại một số địa phương. Cụ thể, ở huyện Lý Sơn là 50ha (đảo Lớn 40ha, đảo Bé 10ha); khu vực biển hòn Bồng Than (xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi) là 50ha.

Mục tiêu đến năm 2025, thể tích lồng nuôi đạt 160.000m3 (khoảng hơn 2.000 lồng nuôi). Sản lượng nuôi biển tăng dần 7%/năm, phấn đấu đạt 600 tấn. Tạo được ít nhất 1 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch.

Đến năm 2030, thể tích lồng nuôi đạt 180.000m3 (khoảng hơn 2.500 lồng nuôi). Sản lượng nuôi biển tăng dần 7%/năm, phấn đấu đạt 800 tấn. Tạo được ít nhất 2 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch.

Đến năm 2045, phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển thành lĩnh vực sản xuất hàng hóa, là một bộ phận quan trọng trong ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi, góp phần nâng cao giá trị sản xuất và sản lượng nuôi của tỉnh.

Thực hiện đề án, Quảng Ngãi cần hơn 250 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương và địa phương để đầu tư, phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi biển.

Xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong nuôi trồng thủy sản để ngăn ngừa dịch bệnh, nâng cao năng suất và chất lượng thủy theo hướng bền vững trên các vùng biển gần bờ và vùng biển hở tại các huyện: Lý Sơn, Bình Sơn, Mộ Đức, thị xã Đức Phổ và TP Quảng Ngãi.

Quảng Ngãi xác định ưu tiên phát triển các đối tượng có thị trường tiêu thụ và lợi thế cạnh tranh gồm nhóm cá biển (cá song/mú, cá vược/chẽm, cá chim vây vàng, cá giò, cá bè vẫu…), nhóm giáp xác (tôm hùm, cua biển, cua dẹp…), nhóm nhuyễn thể (hàu Thái Bình Dương…), nhóm rong, tảo biển (rong câu chỉ vàng, rong sụn, rong mơ, rong nho…) sinh vật cảnh và các đối tượng nuôi biển có giá trị kinh tế khác.

Từ nay đến năm 2025, Quảng Ngãi kêu gọi đầu tư xây dựng mô hình trang trại nuôi biển công nghiệp bằng bè composite FRP và HDPE với diện tích 50ha; thực hiện dự án sản xuất giống thủy sản mặn lợ công nghệ cao ở xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ. Trong giai đoạn 2026- 2030, thực hiện một dự án đầu tư nuôi thủy sản vùng biển xa bờ.

Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, đề án này nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh để đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển trở thành ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, đóng góp quan trọng về sản lượng, giá trị, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng giá trị nuôi trồng và chế biến; đáp ứng nhu cầu trong và ngoài tỉnh.

Bên cạnh đó, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; thu hút các nguồn lực, các thành phần kinh tế đầu tư phát triển nuôi biển hiệu quả với lực lượng doanh nghiệp là nòng cốt.