Phát triển sản phẩm OCOP tại Đông Anh: Hỗ trợ sát sườn cho các chủ thể

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) của UBND TP Hà Nội, huyện Đông Anh đã ban hành đề án riêng, bố trí nguồn lực hàng năm để hỗ trợ chủ thể hoàn thiện, phát triển sản phẩm. Qua đó, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản, hàng hoá của địa phương.

Đồng hành, hỗ trợ kịp thời

Tại huyện Đông Anh, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp hữu cơ Tàm Xá (xã Tàm Xá) là một trong những đơn vị tiên phong trong sản xuất thực phẩm sạch. Thời gian qua, được sự tư vấn, hỗ trợ của Phòng Kinh tế huyện Đông Anh, HTX đã phát triển chuối tây sinh học thành sản phẩm chất lượng.

Sản phẩm OCOP của huyện Đông Anh tập trung nhiều vào nhóm rau củ quả. Ảnh: Lâm Nguyễn
Sản phẩm OCOP của huyện Đông Anh tập trung nhiều vào nhóm rau củ quả. Ảnh: Lâm Nguyễn

Cùng với sử dụng phân bón hữu cơ và chế phẩm vi sinh để chăm bón, phòng trừ sâu bệnh, tạo ra sản phẩm an toàn, chuối tây xanh sau thu hoạch được UBND huyện Đông Anh hỗ trợ kinh phí đóng gói, dán tem nhãn truy xuất nguồn gốc. Việc chuẩn hóa sản phẩm giúp chuối tây xanh của HTX Nông nghiệp hữu cơ Tàm Xá được đánh giá cao. Vừa qua, sản phẩm đã được UBND TP Hà Nội chứng nhận 3 sao OCOP.

Cũng là một trong những đơn vị tiên phong phát triển sản phẩm OCOP của huyện Đông Anh, đến nay Công ty CP Rau an toàn Hải Anh (xã Vân Nội) đã có 3 sản phẩm gồm: Cà chua, dưa chuột và cải bó xôi, được chứng nhận OCOP. Giám đốc Công ty Nguyễn Thế Hanh cho biết, vừa qua được sự hỗ trợ của huyện, 3 sản phẩm đã được nâng cấp từ 3 sao lên 4 sao OCOP.

Việc sản phẩm được nâng cấp, theo ông Hanh, có ý nghĩa quan trọng đối với việc tiếp cận và mở rộng thị trường, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh về loại thực phẩm này hiện rất lớn. Hiện, hàng chục sản phẩm khác của đơn vị đang được UBND huyện Đông Anh thông qua Phòng Kinh tế, tư vấn hoàn thiện để tham gia đánh giá, phân hạng trong Chương trình OCOP năm 2022.

Tiếp tục nâng cấp sản phẩm OCOP

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Tuấn Hà, trên cơ sở Đề án “Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn huyện Đông Anh giai đoạn 2020 - 2025”, UBND huyện đã xây dựng các nội dung hỗ trợ, trình HĐND huyện thông qua. Hai năm 2020 - 2021, huyện đã bố trí nguồn lực thực hiện các nội dung của đề án, với tổng kinh phí trên 5 tỷ đồng.

Năm 2022, ngân sách huyện tiếp tục phân bổ 3 tỷ đồng để thực hiện Đề án. Trong đó, tập trung hỗ trợ chi phí phân tích chất lượng, in ấn tem truy xuất nguồn gốc, bao bì, nhãn mác sản phẩm; chi phí vận chuyển, bảo quản sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng. Xây dựng, duy trì và phát triển hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Hỗ trợ xây dựng và quản lý nhãn hiệu sản phẩm OCOP. Đồng thời, đầu tư phát triển, nâng cấp sản phẩm OCOP và đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng cho biết, thời gian tới, huyện sẽ tổ chức tập huấn các chuyên đề chuyên sâu cho chủ thể OCOP về lập hồ sơ, hoàn thiện sản phẩm; thị trường và marketing; ý tưởng kinh doanh… Đồng thời phối hợp với các đơn vị tư vấn hỗ trợ chủ thể phát triển mới ít nhất 40 sản phẩm OCOP để tham gia đánh giá, phân hạng năm 2022.

“Huyện kỳ vọng Đề án thực hiện Chương trình OCOP sẽ tạo được động lực phát triển khối kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân; góp phần giải quyết việc làm, phát huy lợi thế, tiềm năng của địa phương.

Các sản phẩm OCOP sẽ được phát triển từ thấp đến cao và từng bước được hoàn thiện, đảm bảo tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, mẫu mã; hướng đến được người tiêu dùng đón nhận” - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng thông tin thêm.

 

Sau hơn hai năm triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, huyện Đông Anh đã có 146 sản phẩm được đánh giá, phân hạng và nâng cấp sản phẩm OCOP, tập trung vào 3 nhóm ngành hàng: Thực phẩm, đồ uống và thủ công mỹ nghệ. Chương trình OCOP của huyện Đông Anh thu hút sự tham gia của 40 chủ thể, trong đó có 17 hợp tác xã, 11 hộ kinh doanh và 12 DN.