Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát triển sản phẩm thương mại xanh, tận dụng cơ hội vào thị trường Anh

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau hơn 3 năm thực thi, UKVFTA đã mang lại nhiều lợi thế cho hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam tại Anh nhờ các ưu đãi thuế quan. Song để tận dụng tốt hơn cơ hội đòi hỏi các doanh nghiệp phải đáp ứng yêu cầu cao về tiêu chuẩn xanh và phát triển bền vững. 

Cơ hội và thách thức

Sau 3 năm thực thi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ailen (UKVFTA), tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Vương quốc Anh tăng trưởng trung bình 8,9%/năm. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Anh tăng trưởng trung bình 9,4%/năm. Mức tăng này cao hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng chung của xuất khẩu Việt Nam. Sau Hà Lan và Đức, hiện Anh đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam tại châu Âu.

Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào chuỗi sản xuất nộng nghiệp khép kín để tạo ra sản phẩm xanh. Ảnh: Khắc Kiên
Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào chuỗi sản xuất nộng nghiệp khép kín để tạo ra sản phẩm xanh. Ảnh: Khắc Kiên

Theo Trưởng phòng WTO và đàm phán thương mại (Vụ Chính sách thương mại đa biên Bộ Công Thương) Nguyễn Sơn Trà, các lệnh gỡ bỏ thuế quan trong UKVFTA góp phần quan trọng để nâng cao thị phần của một số nhóm hàng có thế mạnh của Việt Nam tại thị trường này.

Song, hàng xuất khẩu Việt Nam cũng đối mặt nhiều thách thức khi Anh có yêu cầu rất cao về sản phẩm xanh như cắt giảm phát thải trong quá trình sản xuất, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, tuân thủ nghiêm ngặt về lao động, môi trường, tiết kiệm tài nguyên.

Đồng thời Chính phủ Anh đang áp dụng nhiều biện pháp mạnh tay như thuế nhựa, cấm hàng hóa gây phá rừng. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải chú trọng vào chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất và trách nhiệm xã hội.

Nguyên Tham tán công sứ Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh Nguyễn Cảnh Cường cho biết, thương mại và phát triển bền vững đã trở thành nội dung không thể thiếu trong các FTA, vừa là thách thức, vừa là cơ hội. Đây cũng là một trong những yêu cầu của các nhà phân phối, nhập khẩu tại Anh.

Những doanh nghiệp Việt Nam có khả năng tăng tỷ lệ các sản phẩm xanh và chuyển đổi sản xuất của mình theo hướng xanh, sạch và ít phát thải hơn sẽ được bạn hàng Anh chào đón. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải cải tiến quy trình sản xuất, giảm phát thải và tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn lao động và môi trường.

"Trong bối cảnh tiêu dùng bền vững trở thành xu thế mạnh mẽ tại Anh, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng bắt nhịp. Người tiêu dùng Anh sẵn sàng trả giá cao hơn cho các sản phẩm xanh. Đây là cơ hội lớn cho Việt Nam nếu biết tận dụng" - ông Nguyễn Cảnh Cường khẳng định.

Sẵn sàng chủ động

TS Lê Huy Huấn - điều phối viên Chương trình Tăng trưởng xanh và biến đổi khí hậu toàn cầu Việt Nam cho hay, Việt Nam đã có sự chuẩn bị rất chủ động, tích cực và đã có những bước đi khá rõ nét để hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu về kinh tế xanh, thương mại xanh của thị trường xuất khẩu nói chung và thị trường Anh nói riêng.

Dật may là trong những doanh nghiệp tận dụng cơ hội để tận dụng cơ hội xuất khẩu. Ảnh: Khắc Kiên
Dật may là trong những doanh nghiệp tận dụng cơ hội để tận dụng cơ hội xuất khẩu. Ảnh: Khắc Kiên

Theo đó, Việt Nam đã ban hành Chiến lược về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, Đề án quốc gia về kinh tế tuần hoàn với các mục tiêu cụ thể về giảm phát thải carbon, sản xuất và tiêu dùng bền vững... Đồng thời Việt Nam đã và đang xây dựng thị trường carbon với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu liên quan đến giảm phát thải, phát triển bền vững trong quá trình sản xuất… 

Chính sách liên quan đến hợp tác quốc tế được đẩy mạnh, nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam được hưởng lợi từ các sáng kiến của quốc tế. Đơn cử như dệt may - một trong lĩnh vực chịu áp lực rất lớn về việc phải giảm phát thải để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe, nhưng bằng sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhiều doanh nghiệp dệt may đã có sự chuyển đổi trong quy trình sản xuất và tạo ra sản phẩm như: sử dụng các loại vải tái chế, sợi vải tái chế, quá trình nhuộm dùng ít nước đi, hoặc không dùng đến nước…. 

"Các doanh nghiệp đã chủ động đào tạo, tăng cường năng lực để đạt được các tiêu chuẩn quốc tế về phát triển bền vững…" - ông Lê Huy Huấn nhấn mạnh. Thực tế cho thấy, những doanh nghiệp tiên phong phát triển bền vững sẽ lan tỏa, kéo các doanh nghiệp khác cùng phát triển, tạo tín nhiệm của doanh nghiệp Anh, người tiêu dùng Anh và giúp cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện tiếp cận thị trường Anh.

Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất khẩu quế hồi Việt Nam (Vinasamex) Nguyễn Thị Huyền cho biết, trước xu hướng thương mại xanh doanh nghiệp đã tập trung vào chất lượng hàng hóa và nâng cao giá trị sản phẩm thay vì số lượng. Khi chúng tôi xác định châu Âu là thị trường mục tiêu, khoảng năm 2013 doanh nghiệp bắt đầu xây dựng chuỗi giá trị và hợp tác với khoảng 1.000 hộ nông dân tại các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn nhằm mục tiêu kiểm soát được chất lượng sản phẩm từ vùng nguyên liệu.

Trên cơ sở những đặc điểm thị trường Anh, ông Nguyễn Cảnh Cường đưa ra một số gợi ý cho doanh nghiệp Việt Nam tham khảo. Đó là phải xây dựng thương hiệu xanh, có chứng chỉ xanh quốc tế mới có giá trị xuất khẩu, đặc biệt là những thị trường cao cấp như Anh.

Thứ nữa, đầu tư vào công nghệ xanh không sớm thì muộn cũng phải làm, bởi nếu không làm sẽ bị bỏ lại, người mua hàng từ chối, bị mất thị phần. Việc đầu tư chuyển đổi vào công nghệ xanh sẽ có cơ hội là những quỹ đầu tư của Anh ưu tiên cho những dự án xanh. 

Tiếp đến là hiểu rõ thị hiếu, nghiên cứu nhu cầu của văn hóa tiêu dùng của thị trường Anh để điều chỉnh sản phẩm và chiến lược marketing. Nghĩa là doanh nghiệp khi đưa các sản phẩm của mình lên website với mục tiêu tiếp cận thị trường Anh thì cố gắng đưa được các tiêu chuẩn Anh để nhận biết.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, Trưởng phòng WTO và đàm phán thương mại (Vụ Chính sách thương mại đa biên Bộ Công Thương) Nguyễn Sơn Trà cho biết, Bộ Công Thương đã, đang triển khai một loạt biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp theo hướng thúc đẩy thương mại xanh và phát triển bền vững; Hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt được một cách cụ thể hơn, đầy đủ hơn và chính xác hơn những cam kết đã có từ các, từ đó giúp doanh nghiệp tận dụng tốt hơn những cam kết và thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa; Xây dựng mô hình hệ sinh thái theo từng ngành hỗ trợ doanh nghiệp trong quy trình sản xuất đáp ứng được các yêu cầu ngày càng khắt khe hơn của các thị trường nước ngoài, đặc biệt các thị trường phát triển như Anh 

 

Nền kinh tế xanh đã giúp Anh tránh khỏi đà suy thoái kéo dài nhờ cam kết mạnh mẽ trong việc giảm lượng phát thải khí nhà kính, với mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Con số 302,8 triệu tấn CO2 phát thải vào năm 2023, giảm 6,6% so với năm 2022 là minh chứng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của quốc gia này. Đồng thời, Anh đã và đang là quốc gia dẫn đầu thế giới về xây dựng những chính sách bảo vệ môi trường, giảm phát thải và phát triển bền vững, trong đó có chính sách thương mại xanh và công bằng.