Hà Nội đẩy mạnh khai thác và phát triển tài sản trí tuệ
Hà Nội là địa phương có nhiều sản phẩm tiềm năng để khai thác và phát triển tài sản trí tuệ trong nông nghiệp, nông thôn. Trong những năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã tham mưu cho UBND Thành phố ban hành các chủ trương, chính sách đặc thù cho việc bảo hộ sở hữu trí tuệ và phát triển các sản phẩm nông nghiệp và làng nghề của Thành phố.
Bưởi đỏ Đông Cao (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh) mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Ảnh: Trọng Tùng. |
Trong năm 2020, Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai Kế hoạch 242/KH-UBND TP Hà Nội về xây dựng, bảo hộ và quản lý nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm nông nghiệp mang địa danh. Theo đó, với 27 dự án sở hữu trí tuệ được phê duyệt (theo Quyết định 4506/QĐ-UBND), Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã tiến hành tuyển chọn trình UBND Thành phố phê duyệt thực hiện 22 dự án như: Rau an toàn Yên Nghĩa (Hà Đông), Hoa Đan Phượng (huyện Đan Phượng); Gạo Đỗ Động (huyện Thanh Oai); Khoai tây Hương Ngải (huyện Thạch Thất), Bưởi đỏ Đông Cao (huyện Mê Linh)...
Bảo hộ sở hữu trí tuệ - nâng tầm sản phẩm đặc thù địa phương, hướng tới thị trường tiềm năng
Chương trình mỗi xã một sản phẩm là chương trình được phê duyệt theo Quyết định 490/QĐ/TTg nhằm phát triển kinh tế nông thôn dựa trên thế mạnh, lợi thế của các sản phẩm đặc thù của địa phương theo hướng phát triển nội lực và giá tăng giá trị với phương trâm “hành động địa phương, hướng tới toàn cầu”. Đây được xem là giải pháp và nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới.
Việc đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP được thực hiện theo bộ tiêu chí quốc gia thống nhất theo Quyết định số 1048/QĐ-TTg và Quyết định số 781/QĐ-TTg với 3 phần trọng tâm của bộ tiêu chí là sản phẩm và sức mạnh cộng đồng, khả năng tiếp thị và chất lượng sản phẩm, những sản phẩm đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ (bao gồm cả nhãn hiệu thương mại và nhãn hiệu cộng đồng - chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận) sẽ có khả năng đáp ứng được nhiều tiêu chí trong phân hạng sản phẩm OCOP. Nhận thức được tầm quan trọng của bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm OCOP, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ Quốc gia đã đặt mục tiêu đến năm 2030 ít nhất 60% sản phẩm OCOP được bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Việc bảo hộ nhãn hiệu là sự ghi nhận chính thức của Nhà nước về quyền sở hữu độc quyền của tổ chức, cá nhân đối với nhãn hiệu, từ đó có cơ chế tương ứng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của chủ sở hữu.
Việc bảo vệ hiệu quả quyền sở hữu nhãn hiệu nói riêng và các đối tượng sở hữu trí tuệ nói chung góp phần thúc đẩy sáng tạo và đổi mới kỹ thuật sản xuất. Vì vậy, sản phẩm có cả hai dạng nhãn hiệu (công nhận theo OCOP và bảo hộ sở hữu trí tuệ) sẽ được nâng tầm về chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh trên thị trường tiềm năng trong và ngoài nước. Đối với các sản phẩm OCOP có tiềm năng xuất khẩu, việc bảo hộ thương hiệu càng trở nên cần thiết.
Chia sẻ về vai trò của bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm tham gia phân hạng OCOP, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho hay: Việc đăng ký bảo hộ và quản lý hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm đặc sản sẽ góp phần duy trì và phát triển thương hiệu cho các chủ thể ở khu vực nông thôn như các doanh nghiệp, hợp tác xã từ đó phát triển chuỗi giá trị và cộng đồng địa phương.
Song song với hoạt động xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm tham gia phân hạng OCOP, hàng năm, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã phối hợp tổ chức kiểm tra về ghi nhãn hàng hóa, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, đặc biệt là các nội dung liên quan đến sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm.
Bên cạnh đó, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội cũng đã phối hợp với Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới thành phố và các ban, ngành, địa phương trong công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và hướng dẫn các chủ thể sản xuất kinh doanh ở nông thôn về các quy định của về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm tham gia phân hạng OCOP.
Phòng quản lý Sở hữu trí tuệ (Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội) mở công khai hồ sơ đăng ký chủ trì dự án sở hữu trí tuệ ngày 20/11/2020. |
Phát huy vai trò của cơ quan quản lý về sở hữu trí tuệ của Thành phố và cộng đồng trong phát triển sản phẩm địa phương, OCOP
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, quyền sở hữu đối với nhãn hiệu được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của Cục Sở hữu trí tuệ. Vì vậy, để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, các cá nhân và tổ chức cần tiến hành thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu theo quy định.
Năm 2020, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã tham mưu UBND Thành phố đã cho phép sử dụng 14 địa danh để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể và 1 địa danh đăng ký nhãn hiệu chứng nhận. Sở cũng đã tư vấn, hướng dẫn được 31 tổ chức, cá nhân hoàn thành thủ tục bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (25 đơn nhãn hiệu, 6 đơn sáng chế, 1 đơn giải pháp hữu ích và 8 đơn kiểu dáng công nghiệp).
Thành quả này đạt được là nhờ công tác tuyên truyền tập huấn, phổ biến kiến thức, chính sách, pháp luật về sở hữu trí tuệ cũng như công các hướng dẫn xác lập quyền và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đã được tổ chức tốt và đều đặn. Trong năm 2020, Phòng quản lý Sở hữu trí tuệ - Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã phối hợp với các quận, huyện và thị xã tổ chức 18 lớp đào tạo tập huấn phát triển thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông nghiệp của địa phương với 1.260 người tham dự; đồng thời phối hợp với một số cơ quan báo chí tuyên truyền hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4...
Thực tế cho thấy, việc xây dựng nhãn hiệu sản phẩm không khó nhưng “bài toán” giữ vững và phát triển nhãn hiệu là vấn đề nan giải; đó là cần phải xây dựng và thực hiện đúng quy chế quản lý sử dụng nhãn hiệu, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người sản xuất, vai trò của các hội viên trong giám sát chất lượng sản phẩm, tạo sự đoàn kết trong sản xuất, kinh doanh; tăng cường giới thiệu, quảng bá sản phẩm mang sở hữu trí tuệ thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để sản phẩm có tính lan tỏa, nhân rộng trên quy mô lớn.
Để bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp đối với nhãn hiệu của mình được bảo vệ và thực thi trên thị trường thì các tổ chức, cá nhân, nhất là các chủ thể đang tham gia phân hạng sản phẩm OCOP cần tiến hành đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ dưới sự hướng dẫn từ các cơ quan quản lý về sở hữu trí tuệ như các Sở Khoa học và Công nghệ hoặc các đơn vị tư vấn có uy tín trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.