Phát triển thị trường khoa học công nghệ: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Thủ đô

Trâm Anh – Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, Hà Nội không ngừng đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) trong DN.

Từ đó, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và phát triển Thủ đô toàn diện, bền vững. 
Đẩy mạnh kinh tế tri thức, đổi mới mô hình tăng trưởng

Hà Nội đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 3 năm 2018 - 2020 đạt trên 7,5%/năm, tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp; đẩy mạnh xây dựng, quản lý đô thị, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới, đô thị thông minh… Do đó, yêu cầu đặt ra là phải phát triển nhanh thị trường KHCN. Trong Chiến lược phát triển KHCN của TP Hà Nội đến năm 2020, thị trường KHCN được xác định là một trong những nội dung trọng tâm để đẩy mạnh phát triển kinh tế, kinh tế tri thức, đổi mới mô hình tăng trưởng. Đồng thời xây dựng chính quyền đô thị, ứng dụng các thành tựu công nghệ hiện đại từ cuộc CMCN 4.0 để hoàn thành hệ thống quản lý quy hoạch đô thị Thủ đô…
Mô hình trồng hoa lan ứng dụng công nghệ cao tại huyện Ðan Phượng, Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành T.Ư Đảng (Khóa XI) về “Phát triển KHCN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, ngày 28/6/2016, Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình số 03-CTr/TU, trong đó nhấn mạnh về tập trung nâng cao chất lượng hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế Thủ đô tăng trưởng nhanh và bền vững. Tiếp đó, UBND TP Hà Nội đã ban hành Chương trình số 80/CTr-UBND về phát triển các ngành dịch vụ trình độ, chất lượng cao giai đoạn 2015 - 2020, trong đó dịch vụ KHCN được xác định là ngành dịch vụ chất lượng cần ưu tiên phát triển...

Mục tiêu, chương trình hành động của Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 70% GDP. Tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt 17 - 18%/năm giai đoạn 2018 - 2025. Giá trị giao dịch của thị trường KHCN tăng trung bình 16 - 18%/năm.

Hôm nay (ngày 9/11), Hội thảo Phát triển thị trường KH&CN gắn với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thủ đô do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế xã hội Hà Nội, Sở KH&CN, báo Kinh tế & Đô thị phối hợp tổ chức tại Cung Triển lãm kiến trúc, quy hoạch xây dựng Quốc gia. Các chuyên gia, nhà khoa học sẽ thảo luận, phân tích, làm sáng tỏ cơ sở khoa học và thực tiễn về thị trường KH&CN, bất cập, tồn tại và những vấn đề đặt ra; đề xuất các giải pháp nhằm phát huy vai trò của Hà Nội trong xây dựng cơ chế, chính sách phát triển thị trường này; từng bước xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước. Trên cơ sở những ý kiến tham luận tại Hội thảo, các đơn vị tổ chức sẽ tiếp thu, xây dựng báo cáo, kiến nghị đề xuất những giải pháp phát triển thị trường KH&CN gắn với khởi nghiệp để báo cáo Thành ủy, HĐND, UBND TP.

Những văn bản trên thể hiện sự quyết tâm của lãnh đạo TP Hà Nội trong việc chỉ đạo và triển khai các chương trình hỗ trợ, xúc tiến phát triển thị trường KHCN tại Thủ đô.

Gắn khoa học công nghệ với khởi nghiệp

Có thể nói, phong trào khởi nghiệp đã bắt đầu hình thành trong vài năm trở lại đây, đặc biệt một số DN khởi nghiệp Việt Nam đã gọi được vốn hàng triệu USD. Cùng với cả nước, những năm qua, thị trường KHCN Hà Nội bước đầu đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Hà Nội là một trong 2 địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng DN KHCN. Theo thống kê Sở KH&CN, chỉ tính riêng giai đoạn 2014 - 2017, TP đã cấp 31 giấy chứng nhận DN KHCN. Các DN này chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực: Công nghệ thông tin - truyền thông; công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp; y tế; công nghệ tự động hóa; công nghệ vật liệu mới… Đây là các lĩnh vực quan trọng, chủ lực, có tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực khác trong sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Tuy vậy, theo các chuyên gia của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, hệ sinh thái khởi nghiệp của Thủ đô mới chỉ được hình thành trong một vài năm gần đây. Với vai trò là địa phương có nhiều tiềm năng, là Thủ đô của cả nước, Hà Nội phải đi đầu về nghiên cứu KHCN, xây dựng Hà Nội thành một trong những trung tâm khởi nghiệp lớn của quốc gia, phát triển cả về số lượng và chất lượng DN, tạo ra những sản phẩm, thương hiệu mang tầm cỡ quốc tế.

Liên kết 3 nhà

Từ thực tế hoạt động trong lĩnh vực CNTT, Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ Plasma Việt Nam Nguyễn Thế Anh bày tỏ, dù ở vai trò nào trong mô hình phát triển, đổi mới sáng tạo đều cần các bên tham gia thực sự hành động, tạo nên mô hình liên kết 3 nhà: Nhà quản lý - nhà khoa học - nhà DN. Qua hợp tác, DN sẽ được thụ hưởng các nghiên cứu, ý tưởng đã được đánh giá của các nhà khoa học. Trong khi đó, chuyển giao công nghệ cho DN hoặc tự khởi nghiệp sẽ giúp các nhà nghiên cứu điều chỉnh ý tưởng cho phù hợp thị trường.

Từ năm 2014 đến nay, Sở KH&CN Hà Nội đã hỗ trợ nhiều DN thực hiện các đề tài nghiên cứu và dự án sản xuất thử nghiệm có giá trị áp dụng trong thực tiễn cao; tham gia các giải thưởng có uy tín như Giải thưởng Sao Vàng Đất Việt, VIFOTEC, Giải thưởng chất lượng quốc gia... Đặc biệt, qua hơn 15 năm, Hà Nội thường xuyên tổ chức và tham gia hàng chục kỳ chợ công nghệ, thiết bị (Techmart). Hoạt động này đã thực sự trở thành cầu nối mật thiết giữa 3 nhà. Qua Techmart, các đơn vị có cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới đông đảo khách hàng, đồng thời có dịp tiếp xúc với các đơn vị nghiên cứu cùng lĩnh vực để học hỏi, hoàn thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới mục đích phục vụ thiết thực nhu cầu của cuộc sống.