Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Những vấn đề pháp lý cần tháo gỡ

Hoàng Quyết
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Tại Diễn đàn “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, bền vững" do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều 19/5, các chuyên gia, nhà quản lý đã nêu ra nhiều vấn đề pháp lý cần tháo gỡ.

Toàn cảnh Diễn đàn
Toàn cảnh Diễn đàn

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển nóng

Theo số liệu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong 5 năm trở lại đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) Việt Nam có tốc độ tăng trưởng bình quân 46%/năm. Tính đến cuối năm 2021, có gần 1,2 triệu tỷ đồng được doanh nghiệp huy động qua thị trường trái phiếu, chiếm khoảng 12% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, tương đương khoảng 15% GDP sau điều chỉnh.

Mặc dù có tốc độ tăng trưởng như vậy nhưng quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam chỉ chiếm khoảng 15% GDP, thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực như Malaysia (56% GDP), Singapore (38% GDP), Thái Lan (25% GDP), do đó các chuyên gia nhận định TPDN còn nhiều dư địa để phát triển.

Tuy nhiên, do phát triển nóng trong thời gian qua nên thị trường TPDN cần có giải pháp để kiểm soát. Trong 4 tháng đầu năm nay, quy mô phát hành TPDN đã giảm, đặc biệt TPDN do các doanh nghiệp bất động sản phát hành đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Điều đó cho thấy thị trường TPDN đã được kiểm soát chặt chẽ và đã giảm nhiệt. Tính đến hết tháng 3/2022, tổng dư nợ thị trường trái phiếu đạt 3,3 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 37,4% GDP, trong đó dư nợ TPDN tương đương 14,8% GDP.

Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu tại Diễn đàn
Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu tại Diễn đàn

Tại Diễn đàn “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, bền vững", ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, để thị trường TPDN phát triển lành mạnh, minh bạch, ổn định, cần có sự nhận diện đúng vai trò của TPDN, đi cùng là các giải pháp đúng và trúng để đáp ứng các mục tiêu thúc đẩy thị trường vốn hiệu quả và bền vững, đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, tăng trưởng của nền kinh tế và hội nhập tài chính toàn cầu.

Sớm hoàn thiện hạ tầng pháp lý

Theo TS Cấn Văn Lực – Thành viên hội đồng tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, thực tế pháp lý đã phát triển tương đối nhanh để đáp ứng nhu cầu thị trường TPDN, nhưng thị trường vẫn đòi hỏi những quy định pháp lý cao hơn.

Trên thực tế, thị trường TPDN Việt Nam đang rất tiềm năng. Theo Chiến lược tài chính đến năm 2030, dư nợ trái phiếu cần đạt quy mô 47% GDP vào năm 2025 (trong đó, TPDN đạt 20% GDP) và 58% GDP năm 2030 (trong đó, TPDN đạt 25% GDP). Hơn nữa, triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn được đánh giá tốt, đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5-7% đến năm 2030 (Nghị quyết Đại hội 13).

TS Cấn Văn Lực và biểu đồ phân tích sự tăng trưởng của thị trường trái  phiếu Việt Nam
TS Cấn Văn Lực và biểu đồ phân tích sự tăng trưởng của thị trường trái  phiếu Việt Nam

Không những vậy, Việt Nam có nhu cầu rất lớn về đầu tư cơ sở hạ tầng nên rất cần vốn trung, dài hạn. Ngoài vốn tín dụng ngân hàng, từ nay đến năm 2030, mỗi năm Việt Nam cần huy động 700.000 – 1 triệu tỷ đồng vốn trung, dài hạn. Do đó, để lành mạnh hóa thị trường, cần vừa kiến tạo phát triển cho thị trường, vừa kiểm soát được rủi ro, trước mắt cần giải quyết dứt điểm các vụ việc tiêu cực vừa xảy ra để củng cố niềm tin nhà đầu tư cũng như tránh tạo tiền lệ xấu.

Đồng thời cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý phù hợp, như: Sớm sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP về phát hành TPDN riêng lẻ, Nghị định 156/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán; rà soát Luật chứng khoán 2019 tiến tới sửa đổi, trong đó nâng chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp… Đặc biệt, cần cân nhắc mức độ phù hợp về quy định tài sản đảm bảo, bảo lãnh phát hành, phân phối trái phiếu.

Bên cạnh đó, cần có quy định về định hạng tín nhiệm nhằm giúp nhà đầu tư dễ dàng xác định chất lượng doanh nghiệp, mức độ rủi ro của trái phiếu phát hành; tăng chất lượng TPDN được phát hành. Cần hoàn thiện hạ tầng của thị trường TPDN, đồng thời tiếp tục phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ như một chuẩn định hạng đối với TPDN.

Cần phát triển nền tảng nhà đầu tư chứng khoán đa dạng, chuyên nghiệp. Hoàn thiện cơ chế và nâng cao chất lượng quản lý, giám sát thị trường TPDN; tăng cường kiểm tra, giám sát trên cơ sở rủi ro chứ không chỉ là biện pháp hành chính…

TS Phan Đức Hiếu - Uỷ viên Thường trực Uỷ Ban kinh tế của Quốc hội phát biểu tại Diễn đàn
TS Phan Đức Hiếu - Uỷ viên Thường trực Uỷ Ban kinh tế của Quốc hội phát biểu tại Diễn đàn

Cùng quan điểm với TS Cấn Văn Lực, TS Phan Đức Hiếu - Uỷ viên Thường trực Uỷ Ban kinh tế của Quốc hội cho rằng, để phát triển thị trường TPDN hiệu quả và bền vững, việc hoàn thiện khung pháp luật sắp tới có 2 vấn đề.

Thứ nhất, thị trường vốn là kênh có sự chia sẻ giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp, chứ không thể có sự an toàn tuyệt đối. Thứ hai, trong biện pháp can thiệp thị trường TPDN, việc giám sát để bảo đảm tuân thủ pháp luật là điều phải làm. Nhưng nếu đặt thêm các chính sách, biện pháp can thiệp thì cũng phải tính đến việc "đôi khi thị trường bị vỡ do sự can thiệp", cho nên cần hết sức cân nhắc.

Được biết ở thời điểm hiện tại, theo thống kê của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, khi phát hành trái phiếu ở thị trường sơ cấp thì số nhà đầu tư là cá nhân tham gia chỉ có 8,6%, sau đó tất cả các trái phiếu ở thị trường sơ cấp lại được bán cho các đầu tư cá nhân ở thị trường thứ cấp. Do đó, việc can thiệp nên tập trung nhiều ở thị trường thứ cấp, ở đó chủ yếu là các nhà đầu tư chuyên nghiệp.