Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát triển thương mại điện tử: Vẫn nhiều rào cản

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Mặc dù thương mại điện tử (TMĐT) được xem là mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp (DN) kinh doanh, phát triển thương hiệu và trong những năm gần đây Hà Nội đã chú trọng đến loại hình này, tuy nhiên để phát triển vẫn còn những rào cản cần khắc phục.

 
Phát triển thương mại điện tử: Vẫn nhiều rào cản - Ảnh 1
Hỗ trợ doanh nghiệp trong ứng dụng thanh toán trực tuyến sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử. Trong ảnh: Cổng thanh toán trực tuyến Payoo. Ảnh: Quang Nhật
 
Biết lợi nhưng chưa mặn mà
 
Theo Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), mặc dù nhiều DN trên địa bàn Hà Nội đã có website và cập nhật thông tin hàng ngày, nhưng có đến 84% DN sử dụng website chỉ để thông tin giới thiệu đơn vị. Trong khi đó, các dịch vụ giới thiệu sản phẩm, bán hàng qua mạng, trao đổi thông tin với khách hàng… vẫn còn rất hạn chế.
 
Ông Vũ Quốc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) cho hay: Hiện có tới 69,61% DN chưa có kế hoạch cũng như xây dựng các dự án và sắp xếp cán bộ chuyên môn để triển khai TMĐT; 31% DN không tiến hành bất cứ hình thức bồi dưỡng nào cho nhân viên về vấn đề này. Hiện chỉ có 37% DN có quy chế về an toàn thông tin, 33% DN sẽ xây dựng quy chế trong thời gian tới, còn lại tới 30% DN chưa có ý định này.
 
Hoạt động TMĐT có đặc thù không bị giới hạn phạm vi theo địa giới hành chính, thế nhưng hiện việc phân cấp quản lý một số nội dung của TMĐT như tiếp nhận đăng ký website TMĐT của các tổ chức, cá nhân có trụ sở, đóng trên địa bàn Hà Nội giữa T.Ư và Hà Nội chưa có sự phân định rạch ròi.
 
Không chỉ có vậy, hiện Hà Nội có hơn 100.000 tên miền của tổ chức, cá nhân cần được thanh tra, nhưng hoạt động kiểm tra không nhiều, việc xử lý vi phạm còn ít, mức độ xử lý còn nhẹ. Bên cạnh đó, hiện Hà Nội chưa có thỏa thuận hợp tác phát triển TMĐT với các hiệp hội, cơ quan quản lý chuyên ngành và cả các tỉnh bạn. Đây là một trong những nguyên nhân khiến một số DN lợi dụng để lừa đảo người tiêu dùng tham gia bán hàng theo mô hình đa cấp như Công ty MB 24, Vico24 (www.Vico24.com).
 
Những yếu kém này cũng phải kể đến nguyên nhân số lượng cán bộ am hiểu về thương mại, công nghệ thông tin và pháp luật có thể đảm nhiệm được công tác quản lý Nhà nước về TMĐT còn rất hạn chế. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật (kết nối internet) phục vụ hoạt động TMĐT mới chỉ tập trung tại các quận nội thành khiến việc phát triển TMĐT chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra.
 
Nhiều hỗ trợ doanh nghiệp phát triển TMĐT
 
Nhằm khắc phục những yếu kém này, từ đó thúc đẩy TMĐT phát triển, trong thời gian tới, ngành Công Thương Hà Nội dự kiến triển khai Sàn giao dịch TMĐT TP, qua đó kết nối website của các DN xuất khẩu, đồng thời, gắn kết Sàn giao dịch TMĐT Hà Nội với Trang thông tin liên kết vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ để thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại giữa các DN trong vùng.
 
Ngày 4/4/2013, UBND TP đã có Quyết định 2442/QĐ-UBND phê duyệt Đề án "Tăng cường pháp chế trong quản lý hoạt động TMĐT trên địa bàn TP Hà Nội" giai đoạn 2013 - 2015 với kinh phí 10 tỷ đồng. Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết: Theo Đề án từ nay đến hết năm 2015, TP Hà Nội sẽ tiến hành hỗ trợ các DN trong việc nâng cao nhận thức về TMĐT, ứng dụng thanh toán và chữ ký, chứng thư điện tử trong các hoạt động kinh tế.
 
Bên cạnh đó, ngành Công Thương sẽ tổ chức các lớp tập huấn về TMĐT cho đội ngũ nhân viên DN và đội ngũ cán bộ các cơ quan quản lý Nhà nước; Xây dựng quy chế quản lý tên miền internet quốc tế, tên miền quốc gia Việt Nam ".vn" của các tổ chức, cá nhân có trụ sở trên địa bàn Hà Nội. Riêng trong năm 2013, Hà Nội sẽ đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đào tạo về TMĐT cho cán bộ, công chức sở, ngành, lực lượng quản lý thị trường...
 
Tuy nhiên, để thúc đẩy DN phát triển TMĐT, ngành Công Thương cũng kiến nghị, trong thời gian tới, UBND TP nên xây dựng ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ hoạt động ứng dụng CNTT trong DN. Bên cạnh đó, TP cần thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo để giới thiệu, tư vấn cho DN về những giải pháp CNTT có thể ứng dụng trong hoạt động của doanh nghiệp cũng như phát triển TMĐT. Ngoài ra, bản thân các DN cũng cần có các biện pháp đảm bảo chất lượng hàng hóa, dịch vụ của người bán và tạo lập niềm tin của người mua tham gia giao dịch TMĐT. Đây là biện pháp quan trọng để đảm bảo sự phát triển TMĐT ngày càng mạnh mẽ và bền vững.