Phát triển thủy sản theo hướng hàng hóa: Ì ạch ở vạch xuất phát

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù có diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản (NTTS) tương đối lớn với nhiều tiềm năng và thế mạnh, song đến nay, Hà Nội vẫn chưa thể đưa thủy sản trở thành ngành sản xuất hàng hóa do không ít khó khăn cản trở.

Hạ tầng yếu kém

NTTS ở Hà Nội đã và đang có sự phát triển tốt với phương thức nuôi chuyển dần từ quảng canh sang bán thâm canh và thâm canh. Đến nay, diện tích mặt nước đã đưa vào NTTS toàn TP đạt hơn 21.100ha, trong đó diện tích hồ chứa thủy lợi là hơn 4.300ha, còn lại là ao hồ, ruộng trũng, các khu chuyển đổi. Đánh giá của Chi cục Thủy sản Hà Nội cho thấy, năng suất bình quân của thủy sản nuôi trên địa bàn TP đạt 5 – 6 tấn/ha, sản lượng đạt trung bình 100.000 – 110.000 tấn/năm, đáp ứng khoảng 40% nhu cầu tiêu dùng thủy sản của Thủ đô. Tuy nhiên, so với tiềm năng sẵn có, đây là con số vẫn còn khá khiêm tốn.
Mô hình nuôi trồng thủy sản tại xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Ánh Ngọc
Mô hình nuôi trồng thủy sản tại xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Ánh Ngọc
Có muôn vàn khó khăn đang chồng chất lên ngành thủy sản Hà Nội khiến lĩnh vực này chưa thể định hình được chỗ đứng trong ngành nông nghiệp Thủ đô, mà điểm yếu lớn nhất là hạ tầng thiếu đồng bộ. Từ tháng 2/2013, UBND TP đã phê duyệt Quy hoạch phát triển thủy sản TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trên cơ sở quy hoạch, Chi cục Thủy sản Hà Nội đã tham mưu cho các huyện thực hiện 13 dự án xây dựng vùng NTTS tập trung cho 10 huyện: Ba Vì, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Quốc Oai, Thanh Oai, Phú Xuyên, Thường Tín, Ứng Hòa, Sóc Sơn, Thanh Trì với tổng diện tích 2.400ha. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí nên hiện mới có 2 dự án vùng NTTS tập trung tại huyện Ứng Hòa và Thường Tín đang được triển khai, số còn lại vẫn chỉ dừng lại ở “vạch xuất phát”.

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, ông Hoàng Tiến Minh – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội trăn trở, trên địa bàn TP chưa có một dự án hạ tầng vùng NTTS tập trung nào hoàn chỉnh. Hạ tầng phục vụ sản xuất, nhất là giao thông, điện, thủy lợi thiếu đồng bộ khiến việc phát triển ngành thủy sản theo hướng hàng hóa gặp rất nhiều khó khăn.

Nông dân thiếu vốn

Ông Chu Văn Hồng – Giám đốc HTX Thủy sản Đồng Tâm, xã Phú Đông, huyện Ba Vì chia sẻ, hiện nay toàn bộ đường giao thông trong vùng NTTS của HTX vẫn là đường đất, cứ trời mưa là lầy lội khiến cho việc vận chuyển thức ăn cũng như cá thương phẩm đi tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. “Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ, nếu để hộ sản xuất bỏ tiền ra đầu tư thì không thể làm nổi vì kinh phí quá lớn” – ông Hồng cho hay.

Theo tính toán của ông Tạ Văn Sơn – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội, để đầu tư đào ao, kè cứng hóa bờ và các tuyến đường trong trang trại NTTS, trung bình mỗi hộ dân phải bỏ ra vài trăm triệu đồng. Đây là số tiền quá lớn, trong khi việc tiếp cận vốn vay ưu đãi còn nhiều bất cập. Điều đáng nói, hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường nước trên các con sông ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước phục vụ NTTS tại một số vùng trên địa bàn TP. Để xử lý môi trường nước, ngoài sử dụng các chế phẩm sinh học, cần thiết phải xây dựng hệ thống tuần hoàn khép kín, trong đó dành riêng 10 – 15% diện tích để lắng lọc nước trước khi cấp nước trở lại cho sản xuất. Tuy nhiên, trong số hơn 22.400 hộ dân đang NTTS của Hà Nội, hầu như chưa có mô hình nào được đầu tư hệ thống này, cho thấy sự bất cập lớn trong ngành thủy sản TP.

Một vấn đề băn khoăn nữa là ngành thủy sản dường như đang đang bị “lãng quên” so với lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt khi mà cả TP chưa có DN nào đứng sau các vùng NTTS để đầu tư sản xuất, thu mua, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Thực tế này xuất phát từ cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển thủy sản chưa có tính đột phá nên chưa thu hút DN đầu tư. Bởi vậy, nếu không giải quyết được những vấn đề yếu kém trên, ngành NTTS Hà Nội vẫn ì ạch trên con đường tiến tới sản xuất hàng hóa.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần