Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát triển văn hóa đọc bền vững

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chào mừng Ngày sách Việt Nam lần thứ 8, nhiều hoạt động về văn hóa đọc được thực hiện trên cả nước. Tại Hà Nội, thư viện, cơ sở văn hóa, đơn vị phát hành đã tổ chức các chương trình hấp dẫn hưởng ứng. Qua đó, bạn đọc Thủ đô tăng cơ hội tiếp cận sách, khơi dậy tình yêu và thói quen đọc sách.

Lễ cắt băng khai mạc Hội sách trực tuyến quốc gia, chào mừng Ngày sách Việt Nam lần thứ 8. Ảnh: Minh An
Cải thiện những thiếu sót
Mở màn các hoạt động chào mừng Ngày sách Việt Nam lần thứ 8, ngày 17/4, lễ khai mạc Hội sách trực tuyến quốc gia 2021 với chủ đề “Sách cho mọi nhà” đã diễn ra tại Hà Nội. Hội sách có sự tham gia của trên 70 gian hàng, giới thiệu khoảng 20.000 đầu sách đến từ các nhà xuất bản (NXB), đơn vị phát hành trên cả nước. Ngoài việc thực hiện phong phú các chương trình giao lưu, Hội sách trực tuyến quốc gia năm nay sẽ cải thiện những điểm còn thiếu sót trong lần thứ nhất tổ chức. Năm 2020, một số bạn đọc mua sách phản ánh tình trạng sách giao chậm, năm nay, Ban Tổ chức (BTC) đưa ra giải pháp mời thêm một số đơn vị vận chuyển tham gia.

Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ TT&TT Nguyễn Nguyên cho biết: “Năm 2020, tôi đã bỏ 3 triệu đồng mua sách trên sàn, nhưng có những cuốn giao chậm, sau 10 ngày đặt mới nhận được. Để khắc phục điều này, năm nay chúng tôi mời thêm một số đơn vị tham gia vận chuyển. Nếu bạn đọc muốn vận chuyển nhanh, có thể không nhận gói vận chuyển miễn phí”. Đồng thời, Giám đốc, Tổng Biên tập NXB TT&TT Trần Trí Đạt cho hay: Năm nay chúng tôi yêu cầu các NXB, công ty sách tham gia phải có sách tại kho ở ba miền, nhất là sách hay để khi có khách mua sẽ vận chuyển ngay”.

Bên cạnh đó, các hoạt động giúp bạn đọc tăng cơ hội tiếp cận sách, để nâng cao chất lượng Hội sách trực tuyến quốc gia, BTC đã dành không gian cho hoạt động giao dịch bản quyền. Đến nay, có gần 50 đơn vị XB trong và ngoài nước đăng ký tham gia sàn giao dịch bản quyền. Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Phụ nữ Khúc Thị Hoa Phượng cho biết: Tại các hội sách lớn trên thế giới luôn có hoạt động chính là giao dịch, trao đổi bản quyền. Bởi vậy, bà Phượng cho rằng xây dựng không gian giao dịch bản quyền là “một bước đi chuyên nghiệp” và “tín hiệu mừng cho các NXB”. Giám đốc điều hành nền tảng XB điện tử Waka Đinh Quang Hoàng đánh giá sàn giao dịch bản quyền là một ý tưởng hay vì năm vừa qua, nhiều hoạt động phải gián đoạn bởi Covid-19. Không gian này sẽ kết nối lại hoạt động mua bán, trao đổi giữa những đơn vị làm sách.

“Bữa tiệc” của bạn đọc Thủ đô

Nhân dịp Ngày sách Việt Nam lần thứ 8, tại Hà Nội, tại các thư viện, cơ sở văn hóa, trường học đã diễn ra nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn nhằm phát triển văn hóa đọc. Ngày 16/4, Ngày hội sách 2021 với chủ đề “Sách - Sứ mệnh phát triển Văn hóa đọc” khai mạc tại Thư viện Quốc gia (Hà Nội). Ngày hội sách 2021 bao gồm các hoạt động: Triển lãm “Sách - Sứ mệnh phát triển văn hóa đọc” trưng bày, giới thiệu 800 cuốn sách theo 4 nội dung: Sách - Con đường tiếp cận tri thức; Sách - Quà tặng nuôi dưỡng tâm hồn; Kỹ năng và phương pháp đọc sách; Khơi niềm đam mê đọc sách. Trong khuôn khổ chương trình còn có tọa đàm “Thanh niên với văn hóa đọc”, nhằm trao đổi, định hướng xây dựng thói quen, kỹ năng, sở thích đọc trong thanh niên.

Cùng ngày, tại Hồ Văn, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, diễn ra lễ khai mạc “Phiên chợ sách - một nét văn hóa Hà Nội”. Theo Phó Viện trưởng Viện Việt Nam học Hà Huy Chiến: “Nhiều nước châu Âu và cả châu Á đều có phiên chợ sách được tổ chức cố định vào khoảng thời gian khác nhau. Các phiên chợ sách như vậy sẽ đáp ứng được nhu cầu của độc giả. Phiên chợ sách còn là địa điểm để các NXB, đơn vị làm sách cùng ngồi với nhau để giao lưu với độc giả, tìm hiểu xu hướng, thị hiếu mới, từ đó, rút ra điều cần thay đổi, phục vụ bạn đọc tốt hơn. Bên cạnh đó, BTC muốn tạo ra không gian để các bạn nhỏ tham gia học hỏi, vui chơi, tìm hiểu văn hóa truyền thống”.

Ngoài hoạt động do thư viện, NXB, đơn vị phát hành sách tổ chức, các trường học cũng hưởng ứng Ngày sách Việt Nam lần thứ 8 với hoạt động thiết thực. Đơn cử, ngày 16/4, trường Tiểu học Trung Yên (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) đã tổ chức “Ngày hội đọc sách năm 2021” cho học sinh toàn trường với chủ đề “Sách - Hành trang vào tương lai”. Hiệu trưởng trường Tiểu học Trung Yên Đỗ Thị Mai cho biết: “Hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam, nhà trường sẽ không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động của thư viện lớp và thư viện trường. Khuyến khích các thầy, cô giáo và học sinh trong toàn trường tích cực đọc sách, truy cập internet để tìm đọc những kiến thức hữu ích phục vụ cho việc dạy tốt, học tốt và cuộc sống”. Đồng thời, trường Tiểu học Trung Yên cũng phát động học sinh “Góp một cuốn sách nhỏ - đọc ngàn cuốn sách hay”. Khuyến khích các thầy, cô giáo và học sinh tham gia sáng tác thơ, truyện ngắn viết về ngành, cuộc sống.

Từ những hoạt động phong phú như trên cho thấy, Hà Nội đã chủ động trong việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày sách Việt Nam lần thứ 8, tạo thêm gian hàng cho bạn đọc tìm kiếm, lựa chọn sách, góp phần xây dựng văn hóa đọc ngày càng phát triển mạnh mẽ, bền vững.